COPD là một bệnh phổi mạn tính thường gặp. Tổn thương trong COPD ban đầu chủ yếu tập trung ở các nhánh phế quản nhỏ và nhu mô phổi. Tuy nhiên ở những giai đoạn nặng, bệnh không chỉ gây tổn thương ở phổi mà còn ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, cơ, xương, rối loạn chuyển hóa, tâm thần... vậy bệnh có biểu hiện mang tính chất toàn thân.

TIN LIÊN QUAN

Các triệu chứng lâm sàng

Ở giai đoạn sớm, những triệu chứng thường làm các bác sĩ hướng tới COPD là ho, khạc đờm kéo dài. Nguy cơ có COPD càng lớn nếu các triệu chứng này xuất hiện trên những người hút thuốc lá, thuốc lào hoặc hít phải khói thuốc thụ động, tiếp xúc khói, bụi công nghiệp, khói bếp củi, bếp than...

Bệnh nhân thường chủ quan với chính những triệu chứng ho, khạc đờm mạn tính và coi những triệu chứng này là bình thường ở người hút thuốc hoặc tiếp xúc khói, bụi. Do vậy bệnh không được phát hiện kịp thời, nên tiếp tục tiến triển nặng dần lên. Nhiều bệnh nhân chỉ đi khám khi đã xuất hiện khó thở, thường lúc đó bệnh đã ở giai đoạn muộn. Ban đầu, khó thở thường chỉ xuất hiện khi gắng sức, càng về sau khó thở càng xuất hiện thường xuyên hơn và đến giai đoạn cuối cùng của bệnh, khó thở xuất hiện cả khi nghỉ ngơi tại giường.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có điều trị khỏi?

Cho đến nay, chưa có bất cứ phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn COPD. Tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ như: Bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc; dùng thuốc giãn phế quản phù hợp, đầy đủ; tiêm vắc xin phòng cúm và phòng phế cầu; có kiến thức đầy đủ về COPD (hiểu về bệnh và các dấu hiệu cần thay đổi điều trị, khám bác sĩ, hoặc nhập viện cấp cứu)... Khi đó bệnh có thể được kiểm soát và làm giảm số đợt cấp cần nhập viện.

Các thuốc giãn phế quản (thuốc cường beta2, thuốc kháng cholinergic, theophylline) là thuốc điều trị chủ yếu đối với COPD. Các thuốc này có thể ở dạng đơn lẻ hoặc phối hợp và cần được sử dụng phù hợp với giai đoạn bệnh. Thuốc dạng phun, hít được ưu tiên dùng hơn thuốc dạng uống. Để sử dụng tốt các thuốc dạng phun, hít, xịt hoặc khí dung, bệnh nhân và người nhà cần được tập huấn kỹ trước khi dùng và được kiểm tra cách dùng ở mỗi lần đến khám lại.

Cần lưu ý, khi đã được chẩn đoán mắc COPD thì phải dùng thuốc giãn phế quản suốt đời, ngay cả khi không có cảm giác khó thở hoặc không thấy ho.

Cần phát hiện và điều trị tốt các bệnh lý đi kèm. Thận trọng khi sử dụng một số thuốc điều trị các bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc glaucome (các thuốc nhỏ mắt) như thuốc ức chế bêta giao cảm không chọn lọc... Các thuốc này có thể làm co thắt cơ trơn của đường thở và làm khó thở nặng hơn. Các thuốc ức chế thụ thể angiotensin giúp hạ huyết áp, nhưng đồng thời cũng có thể gây ho, do vậy gây khó khăn khi theo dõi, đánh giá mức độ nặng cũng như cải thiện với điều trị.

Khi COPD ở giai đoạn trung bình tới nặng hoặc đang tiến triển, cần tránh tuyệt đối việc dùng thuốc an thần, thuốc ngủ. Các thuốc này giúp ngủ, an thần, nhưng đồng thời nó cũng ức chế hoạt động của trung tâm hô hấp, giảm phản xạ ho do vậy làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, đôi khi gây ngừng thở hoàn toàn.

Tiêm vắc - xin phòng cúm hàng năm, phòng phế cầu cứ 3 đến 5 năm một lần để tránh nhiễm khuẩn.

Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng hô hấp giúp giải phóng sự tắc nghẽn phế quản bởi dịch tiết khi có các đợt cấp, mặt khác cũng là điều trị phục hồi chức năng phổi.

Ngừng hút thuốc là một biện pháp điều trị quan trọng nhất trong điều trị COPD.

Tầm soát COPD cùng bác sĩ chuyên khoa Nội tổng quát.

Khám - tầm soát Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh nhân tiền sử hút thuốc lá, đang hút thuốc lá và có bất kỳ biểu hiện về hô hấp cần đến khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp (Nội tổng quát lầu 2 của Bệnh viện Quốc tế City)  để khám và định hướng điều trị đúng đắn.

Khi nghi ngờ bị COPD cần gặp bác sỹ sớm để được khám, đo hô hấp ký, chụp CT phổi nhằm tầm soát chuyên sâu bệnh lý về phổi, thậm chí là ung thư phổi.

Phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như thế nào?

Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp củi bếp than, khói bụi công nghiệp; nơi ở phải thoáng mát, tránh ẩm thấp; dự phòng và điều trị tốt nhiễm trùng đường hô hấp; thường xuyên tập thể dục để có cơ thể khỏe mạnh. Khi đã được phát hiện bệnh cần được khám và theo dõi thường xuyên bởi các bác sĩ đã được đào tạo về chẩn đoán và điều trị COPD.

Năm nay, chương trình phòng chống COPD toàn cầu – GOLD chọn ngày 21/11/2018 là Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu với khẩu hiệu: “Không khi nào quá sớm, không bao giờ quá muộn” để nhắc mọi người cần quan tâm đến việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị căn bệnh hô hấp thường gặp này.

Lưu ý về dinh dưỡng với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Người bệnh cần giảm lượng muối trong chế độ ăn; không nên ăn các thực phẩm có nhiều muối (đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối sẵn…), bởi lượng muối cao sẽ góp phần gây giữ nước trong cơ thể và làm tăng gánh nặng cho tim, cũng như có thể ứ đọng nước ở phổi làm suy hô hấp nặng lên. Lượng muối đưa vào cơ thể luôn đảm bảo ở mức dưới 3g (khoảng một thìa cafe nhỏ) một ngày là vừa đủ.

Tránh ăn quá nhiều tinh bột và các thực phẩm dễ sinh hơi như hành tây và một số loại gia vị như hạt tiêu, tỏi, ớt... Ăn quá nhiều tinh bột làm tăng sinh CO2 máu và thức ăn dễ sinh hơi gây trướng bụng làm bệnh nhân khó thở, dễ trào ngược, sặc.

TIN LIÊN QUAN

Khoa Nội tổng quát Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: 0939 721 668 để gặp nhân viên tư vấn.

Website: www.cih.com.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity