Dưới đây là những chia sẻ của bác sĩ Lê Đức Thọ, chuyên khoa da liễu, Bệnh viện quốc tế City (CIH), những thông tin thực tế nhất về căn bệnh dễ phòng nhưng khó chữa này.

Theo bác sĩ Thọ, đến nay, vẫn còn nhiều điểm về sinh lý bệnh học của bệnh vảy nến chưa sáng tỏ nhưng hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng vảy nến là bệnh ngoài da mãn tính, do phản ứng miễn dịch gây viêm, có tính di truyền. Bệnh không lây nhiễm nhưng hiện chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Trên thế giới hiện có khoảng 125 triệu người mắc bệnh. Và ở Việt Nam, bệnh vảy nến khá phổ biến, với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 2-3% dân số.

Vảy nến không lây nhưng di truyền

Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng và không phải lúc nào cũng dễ chẩn đoán. Sau tác động của các yếu tố như stress, sang chấn tâm lý, lo âu, rượu bia, yếu tố nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuật… thì gen gây bệnh vảy nến sẽ bị kích hoạt. Gen này nằm trên nhiễm sắc thể số 6. Nếu cha hay mẹ bị vẩy nến thì tỉ lệ con mắc bệnh là 8%, nếu cả cha và mẹ cùng bị vẩy nến thì tỉ lệ này lên đến 41%, anh em sinh đôi cùng trứng cùng bị vẩy nến chiếm tỉ lệ 75%.

Ngoài ra, tình trạng béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hoá, tăng huyết áo, rối loạn nội tiết (bệnh giảm khi có thai và tăng sau sinh đẻ), hay một số loại thuốc như: lithium, ức chế beta, thuốc kháng sốt rét, một số thuốc kháng viêm không steroid… có thể khiến vảy nến phát bệnh. Thậm chí, nếu dùng các loại thuốc corticosteroid (dexamethasone, prednisolone… ) để điều trị vảy nến còn khiến tình trạng bệnh nặng hơn, gây vảy nến mủ hay đỏ da toàn thân.

Vảy nến thường xuất hiện trên da đầu, lông mày, rìa chân tóc, cùi chỏ, đầu gối, vùng xương thiêng (xương cùng), cơ quan sinh dục, rốn, móng tay, móng chân; đôi khi bệnh có thể phát triển trên toàn thân… Biểu hiện cơ bản là các hồng ban hình tròn hay đa cung, bề mặt phủ vảy trắng như sáp đèn cầy (vảy nến); tế bào vảy nến tăng sinh rất nhanh, lớp sừng chưa kịp trưởng thành đã sản sinh thêm lớp khác nên các vảy dính chùm, đè lên nhau như các lớp của củ hành.

Bệnh không chỉ gây khó chịu, ngứa, đau rát và ảnh hưởng rất nhiều để thẩm mỹ… gây trở ngại cho người bệnh khi giao tiếp, trong sinh hoạt hay lao động chân tay mà còn có nguy cơ biến chứng cao. Khoảng 42% người mắc bệnh bị viêm khớp vảy nến gây sưng đau khớp, xơ cứng khớp, có thể dẫn đến biến dạng và mất chức năng vĩnh viễn; chàm hóa, bội nhiễm vi khuẩn ngoài da và ung thư da (hiếm gặp hơn) nếu điều trị không đúng cách.

Trị dứt điểm 100% bệnh vảy nến: Là quảng cáo sai sự thật

Hiện chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng chứ chưa có các xét nghiệm đặc thù nào để chẩn đoán xác định bệnh vảy nến. Và điều trị vảy nến là cả một sự thách thức với y học thế giới, tất cả chỉ mới dừng lại ở mức độ làm bệnh thuyên giảm, tạm ổn về lâm sàng, hạn chế tái phát, phòng ngừa biến chứng… chưa có loại thuốc hay phương pháp nào chữa khỏi căn bệnh khó chịu này.

Đòi hỏi thầy thuốc và bệnh nhân đều phải kiên nhẫn trong điều trị. Ở mức độ nhẹ và trung bình, thường điều trị tại chỗ bằng các loại thuốc bôi. Các dạng vảy nến trung bình hay nặng hơn có thể phải sử dụng phương pháp điều trị bằng tia cực tím hoặc thuốc uống toàn thân.

Vì vậy, việc có nhiều cơ sở kinh doanh đưa ra quảng cáo có thể điều trị dứt điểm 100% bệnh vảy nến là hoàn toàn không đúng với sự thật, người bệnh nên cẩn trọng để tránh rước thêm họa vào thân.

Bác sĩ Lê Đức Thọ, chuyên khoa da liễu, Bênh viện Quốc tế City đang khám và tư vấn cho bệnh nhân.

Phòng bệnh vảy nến

Để hạn chế bệnh tiến triển nặng thêm hay có thể tái phát nhanh hơn, người bệnh nên giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh các lo âu, phiền muộn hay các sang chấn tinh thần, không thức khuya; tránh dùng các chất kích thích như rượu bia, trà, cà phê, thuốc lá; hạn chế các loại thức ăn có nhiều đường, nhiều chất béo; không dùng các thuốc ức chế miễn dịch hệ thống như corticosteroid để điều trị bệnh vì có thể làm bệnh nặng hơn.

Khi bệnh vảy nến có biến chứng, người bệnh cần được nhập viện điều trị tích cực, tránh để cứng khớp làm mất khả năng lao động.

Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
ĐT: (8428) 6280 3333 - Máy nhánh 0 để gặp tổng đài viên.
Website: www.cih.com.vn.