2018-11-05 09:45:50
Thứ hai, 5/11/2018 | Được biết đến với cái tên “Suy Tim” (Heart Failure) không có nghĩa là tim của bạn ngừng đập vì bị suy yếu hoàn toàn. Nó có nghĩa là tim bị giảm khả năng bơm lượng máu cần thiết cho cơ thể.
Tim suy yếu do đâu?
Tim hoạt động như một “chiếc máy bơm” nằm ở trung tâm của hệ tuần hoàn, có hai chức năng: “hút và đẩy” nghĩa là nhận máu về và bơm máu đi. Khi cơ thể nhận ra tim bơm không đủ máu tới các cơ quan, cơ thể phải thích nghi với tình trạng thiếu hụt máu do tim làm việc không hiệu quả này bằng nhiều cách: sản sinh nội tiết tố căng thẳng để kích thích tim đập nhanh hơn và mạnh hơn để bơm đủ máu tới các cơ quan. Cùng lúc, các mạch máu co lại, muối và nước được tích lại nhiều hơn để giữ huyết áp và giúp máu luân chuyển tốt hơn. Cơ thể cũng chuyển dòng máu ra khỏi các cơ quan ít quan trọng, ưu tiên máu đến nuôi dưỡng tim và não. Những thay đổi ban đầu này giúp tim làm việc hiệu quả hơn và che dấu sự hoạt động tim đang dần yếu đi (suy tim.)
Tuy nhiên theo thời gian, những cố gắng đó không còn hiệu quả. Tim không thể bơm đủ máu đi nuôi cơ thể, khiến người bệnh bị mệt mỏi do thiếu oxy và dưỡng chất, ho do máu ứ tại phổi, phù chi do máu trở về tim khó khăn. Điều này lý giải vì sao phần lớn những người bị hở van tim chỉ nhận biết bệnh khi trái tim đã bị suy yếu sau nhiều năm.
Suy tim nguy hiểm như thế nào?
Suy tim gây ra hai mối hại lớn cho cơ thể: (1) các mô và cơ quan không nhận đủ oxy, và (2) chất lỏng tích tụ trong phổi và các mô. Trong từng mối nguy lại sinh ra một loạt các vấn đề khác nữa. Ví dụ:
- Thiếu oxy có thể dẫn đến mệt mỏi và rối loạn tâm thần
- Dịch tích tụ trong cơ thể, làm sưng bàn chân, mắt cá chân và ống chân. Chứng này gọi là “phù”.
Dấu hiệu của bệnh suy tim
Ở giai đoạn đầu của suy tim, các triệu chứng thường không điển hình chính vì thế việc phát hiện gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người cho rằng họ có dấu hiệu bị tăng cân, vóc dáng của họ bị mất cân đối, hoặc đơn giản có dấu hiệu già đi. Tiếp theo, họ còn dễ bị nhầm lẫn hơn vì suy tim diễn tiến chậm trong nhiều năm, có nhiều biểu hiện giống với một số bệnh về đường hô hấp nên khó nhận biết.
Các chuyên gia phân chia các loại suy tim thành: suy tim trái, suy tim phải và suy tim toàn thể.
Nếu phía bên trái của tim, bao gồm nhĩ trái và thất trái, bơm và trữ máu không hiệu quả hoặc co bóp không đồng bộ, máu sẽ ứ tại phổi. Bạn sẽ cảm thấy khó thở, mệt mỏi, và bị ho khan kéo dài (đặc biệt là vào ban đêm), đôi khi ho có đờm lẫn máu.
Nếu phía bên phải của tim, bao gồm tâm nhĩ phải và tâm thất phải, bị suy yếu, máu từ tĩnh mạch trở về tim khó khăn. Nó tích tụ trong các tĩnh mạch và thoát dịch ra ngoài, gây phù bàn chân, cẳng chân, mắt cá chân.
Suy tim toàn bộ (suy tim sung huyết)
Suy tim sung huyết xảy ra khi nó tiến triển nặng hơn. Máu lưu thông với tốc độ chậm làm thoát dịch ra ngoài mạch máu và ứ lại ở tất cả các cơ quan, gây phù phổi, phù gan, thận.
Bệnh suy tim có trị khỏi được không?
Suy tim khó chữa khỏi. mục tiêu trong điều trị suy tim là làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng sống, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Điều trị suy tim phải bắt đầu từ giai đoạn sớm vì khi tổn thương cơ tim đã hình thành ở giai đoạn nặng thì khó có thể cứu vãn. Khi đã xác định rõ nguyên nhân dẫn đến suy tim, các bác sĩ sẽ tiến hành mổ hoặc sửa van tim hay dùng thuốc để ngăn chặn diễn tiến của bệnh theo chiều hướng xấu. Đi khám ngay nếu có các biểu hiện bất thường hoặc khi các dấu hiệu suy tim nặng lên. Đối với suy tim, điều trị càng sớm càng dễ dàng và hiệu quả.
Nguồn: một Báo cáo Sức khỏe Đặc biệt từ Trường Y khoa Harvard: https://www.health.harvard.edu/heart-health/what-are-the-symptoms-of-heart-failure
Để tìm hiểu thêm về suy tim và các bệnh tim nghiêm trọng khác, hãy theo dõi kênh thông tin sức khỏe của Bệnh viện Quốc tế City
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
ĐT: (8428) 6290 1115
Website: www.cih.com.vn.