2019-07-22 07:51:35
Ngày 20/7/2019, tại Bệnh viện Quốc tế City đã tổ chức chương trình tiền sản với chủ đề “Sinh thường hay sinh mổ” đã thu hút hơn 100 cặp vợ chồng tham dự. Có rất nhiều thắc mắc từ các ông bố bà mẹ quan tâm đã được Ths.Bs Trần Thị Kim Xuyến – Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Quốc tế City giải đáp.
Dưới đây là những câu hỏi đã được Ban tổ chức ghi lại và chia sẻ cùng các mẹ bầu:
Lần đầu em sanh mổ, khi kiểm tra thai kì thì bác sĩ báo rằng bị thiếu ối, bác sĩ chỉ định nhập viện để dưỡng sinh nhưng thất bại do cổ tử cung không mở, vậy em xin hỏi rằng lần này em có thể sanh thường hay không?
Trả lời: Về trường hợp của bạn bị thiếu ối, bất kể ở tuổi thai nào cũng đều được yêu cầu nhập viện. Bác sĩ sẽ làm đánh giá để xem em bé có bị stress thai khi tạo cơn co chuyển dạ hay không.
Nếu những yếu tố và nguy cơ của lần trước không lập lại, không có bất xứng đầu chậu, lần thai này em bé không quá lớn so với khung chậu của bạn, thì bạn sẽ được theo dõi sanh thường với điều kiện chuyển dạ một cách tự nhiên.
Bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến nhấn mạnh rằng bạn vẫn có thể sanh thường nhưng nếu có nguy cơ vỡ tử cung thì bạn sẽ được mổ cấp cứu hoặc nếu tử cung vỡ không xử lý kịp thời, bạn sẽ bị biến chứng không mong muốn, bạn sẽ được mổ cấp cứu để vá tử cung lại. Và tùy theo trường hợp từ đơn giản đến phức tạp thì bác sĩ có thể chỉ định vá tử cung hoặc cắt bỏ tử cung. Tỉ lệ này tuy thấp nhưng vẫn có trường hợp xảy ra nên mình cần được bác sĩ tư vấn kĩ hơn trong quá trình khám thai kì. Để giảm tai biến vỡ tử cung trong quá trình sanh, bác sĩ thường giúp sanh bằng sanh thúc hoặc sanh kềm gắp em bé ra dùng sức của bác sĩ, không dùng sức rặn của người mẹ.
Khi bắt đầu chuyển dạ, khi nào thì tiếp tục theo dõi ở nhà và khi nào thì nhập viện? Những gì cần lưu ý?
Trả lời: Trong suốt thời gian mang thai, ở vị trí chỗ nối cổ tử cung và âm đạo luôn có một nút nhầy. Bên cạnh lớp cơ thành tử cung, lớp màng ối, nút nhầy này cũng là một hàng rào bảo vệ cho thai nhi, chống sự xâm nhập của vi khuẩn hay các lực tác động cơ học từ bên ngoài vào buồng ối. Khi có dấu hiện chuyển dạ, cổ tử cung sẽ được mở ra và nút nhầy thường có màu hồng sẽ tuôn ra, các cơn co tử cung xuất hiện và đau tăng dần đây là dấu hiệu đầu tiên. Tiếp theo là vỡ ối và khi đó bạn nên đến khám ngay để bác sĩ kiểm tra. Quan trọng nhất trong quá trình mang thai là khi cảm thấy có những dấu hiệu bất thường trong cơ thể, bạn phải được bác sĩ kiểm tra và tư vấn kịp thời.
Thưa bác sĩ, nãy bác có đề cập về kỹ thuật sanh đặt giác hút, bác có thể giải thích sơ qua về kỹ thuật này không ạ?
Trả lời: Chỉ định đặt giác hút khi người mẹ không đủ sức rặn hoặc rặn không chuyển với điều kiện cổ tử cung đã mở hết và ối đã vỡ. Bác sĩ sẽ thông tiểu,kiểm tra lại độ lọt, kiểu thế, độ mở cổ tử cung. Chọn bầu giác lớn nhất phù hợp với ngôi. Đặt nghiêng cho nửa bầu giác vào trước để giảm đường kính để đặt rồi cho nốt nửa bầu giác còn lại. Đặt bầu giác trên nền xương cứng, tránh các thóp. Sau đó cho một ngón tay đi vòng quanh miệng bầu giác để chắc chắn không có phần mềm âm đạo hay cổ tử cung của người me lọt vào bầu giác. Người phụ bơm từ từ cho áp lực lên để bầu giác bám vào đầu.Kiểm tra lại phần mềm, nếu chắc chắn không lọt vào bầu hút thì nâng áp lực chân không lên. Chờ cơn rặn, kéo bầu giác theo hướng vuông góc với mặt phẳng của bầu, trong khi một tay ngoài kéo, một ngón tay giám sát bên trong xem bầu có bị hở không.Kéo giác hút đồng nhịp với cơn rặn, kéo bằng lực của cẳng tay. Giữ tầng sinh môn khi trán sổ. Cắt tầng sinh môn nếu cần. Khi lưỡng đỉnh đã sổ ra âm hộ, mở khóa chân không từ từ, và tiếp tục đỡ đẻ như thường.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Quốc tế City
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM. (Kế siêu thị Aeon Mall Bình Tân)
ĐT: (8428) 6280 3333 (Ext: 8424 hoặc 8402) để gặp nhân viên tư vấn
Website: www.cih.com.vn