Những câu hỏi về ung thư phổi như: đối tượng nguy cơ, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, tầm soát và điều trị như thế nào... sẽ được các bác sĩ khoa nội tổng quát - hô hấp Bệnh viện Quốc tế City (CIH) giải đáp.
- BS.CKII. Dương Anh Phượng - Khoa Nội tổng quát hô hấp
- BS.CKII. Hoàng Chân Phương - Khoa Nội tổng quát hô hấp
Bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất hiện nay là gì?
Theo thống kê tại Mỹ, 03 loại ung thư thường gặp nhất là: ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư phổi. Tại Việt Nam, theo thống kê năm 2020, 03 loại ung thư thường gặp nhất là ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú.
Ung thư phổi là gì?
Ung thư là bệnh lý ác tính, do sự tăng sinh nhanh chóng và không kiểm soát được của các tế bào của cơ thể. Khi ung thư có bắt đầu từ phổi thì gọi là ung thư phổi. Ung thư phổi có thể lan đến các cơ quan khác trong cơ thể; ngược lại, ung thư từ các cơ quan khác cũng có thể lan đến phổi. Khi ung thư lan đến các cơ quan khác thì gọi là di căn. Ung thư phổi có 2 dạng chính là ung thư tế bào nhỏ và ung thư không tế bào nhỏ (chiếm ưu thế).
Các yếu tố nguy cơ của ung thư phổi là gì?
Hút thuốc lá là nguy cơ số 1 của ung thư phổi. Ở Mỹ, thuốc lá có liên quan đến 80 - 90% các trường hợp tử vong do ung thư phổi; và các sản phẩm khác của thuốc lá cũng tăng nguy cơ ung thư phổi. Người hút thuốc lá có khả năng mắc ung thư phổi cao gấp 15 – 30 lần.
Hút thuốc lá có thể gây ung thư gần như bất kì cơ quan nào trong cơ thể. Bất kể là hút thuốc lá bao lâu và nhiều thế nào, ngưng hút thuốc lá thì nguy cơ ung thư phổi sẽ giảm hơn là còn tiếp tục hút; nhưng nguy cơ của họ vẫn cao hơn người không hút. Do đó tốt nhất vẫn là không hút thuốc. Hút thuốc lá thụ động cũng tăng nguy cơ ung thư phổi 20 – 30%.
Các yếu tố nguy cơ khác như: tiếp xúc khí radon, chất phóng xạ, ô nhiễm môi trường, chế độ ăn..
Các dấu hiệu để nhận biết ung thư phổi?
Những người khác nhau sẽ có các triệu chứng khác nhau cho ung thư phổi: một số có triệu chứng liên quan phổi; một số người ung thư phổi đã di căn thì có triệu chứng liên quan đến cơ quan bị di căn; một số lại chỉ có triệu chứng chung chung là “cảm thấy không khỏe”; một số lại không có triệu chứng gì cho đến khi ung thư tiến triển.
Các triệu chứng có thể nghĩ đến ung thư phổi, bao gồm: ho dai dẳng ngày càng nhiều; đau ngực; khó thở; thở khò khè; ho ra máu; lúc nào cũng thấy mệt mỏi; hoặc sụt cân không giải thích được; hoặc đôi khi có thể có các triệu chứng như viêm phổi tái phát nhiều lần hay sưng /phì đại hạch trong lồng ngực.
Chẩn đoán ung thư phổi như thế nào?
Bước đầu tiên là hỏi kĩ bệnh sử và khám lâm sàng.
Bước kế tiếp là dựa vào phương tiện hình ảnh học (CT scan/PET-CT Scan) để xác định vị trí cũng như phần nào tính chất của tổn thương.
Tiếp theo là nội soi phế quản và sinh thiết để lấy được mẩu mô nghi ung thư. Một số hình thức sinh thiết khác như qua nội soi trung thất, nội soi lồng ngực, hoặc sinh thiết bằng kim xuyên qua thành ngực...
Sau khi có kết quả tế bào học xác định ung thư, các BS sẽ chỉ định làm tiếp các đột biến gene, giúp lên kế hoạch điều trị cụ thể cho từng người bệnh.
Các phương pháp điều trị ung thư phổi?
Ung thư phổi được điều trị theo nhiều cách, tùy thuốc loại tế bào ung thư cũng như đã di căn xa như thế nào.
Ung thư không tế bào nhỏ thì có thể điều trị bằng: phẩu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị trúng đích, hoặc phối hợp các phương pháp trên.
Ung thư phổi tế bào nhỏ thường điều trị bằng hóa trị và xạ trị.
Với sự tiến bộ không ngừng của y học, ngày nay có nhiều phương pháp giúp phát hiện ung thư sớm, cũng như ngày càng có nhiều lựa chọn cho điều trị và hiệu quả điều trị cao hơn.
Làm thế nào để giúp giảm thiểu nguy cơ ung thư phổi cho mọi người?
- Giảm tối đa tiếp xúc với các sản phẩm thuốc lá và thuốc lá điện tử
- Giúp cai thuốc lá
- Khuyên người chưa hút thuốc lá thì không nên thử hút
- Giúp tránh hút thuốc lá thụ động
- Giảm tiếp xúc radon
- Khuyến khích mọi người tầm soát ung thư phổi theo khuyến cáo.
Ai nên tầm soát ung thư phổi?
Trước tiên chúng ta phải hiểu “tầm soát” là gì? Tầm soát nghĩa là tìm bệnh nào đó khi chưa có triệu chứng hoặc tiền sử bệnh đó. Khi tầm soát phát hiện bệnh sớm thì điều trị sẽ hiệu quả hơn
Test tầm soát ung thư phổi duy nhất được khuyến nghị là chụp cắt lớp vi tính hay còn gọi là chụp CT scan phổi liều thấp, khác với CT scan tiêu chuẩn ở liều bức xạ ion hóa thấp hơn nhiều, nên giảm mức độ phơi nhiễm tia X trên 90%, nhanh chóng an toàn và hiệu quả.
Nên tầm soát ung thư phổi ở:
- Người đang hút thuốc lá trong độ tuổi 50 đến 80 tuổi, với tiền sử hút thuốc lá ≥ 20 pack-year
- Người từng hút thuốc lá ≥ 20 pack-year và ngưng hút < 15 năm
- Hút thuốc lá thụ động
- Tiền sử gia đình có ung thư phổi
- Người tiếp xúc radion phóng xạ hay bức xạ
- Pack-year (bao thuốc-năm) được tính bằng số gói thuốc hút trong 01 ngày x với số năm đã hút.
- Cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư phổi là không hút thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động. Tầm soát ung thư phổi không thể thay thế việc ngưng hút thuốc lá.
Tầm soát ung thư phổi có nguy cơ gì không?
Thực ra vẫn có nguy cơ từ việc tầm soát ung thư phổi.
- Test sàng lọc gợi ý bạn có ung thư, trong khi ung thư thực sự không có, nghĩa là dương tính giả, dẫn đến các xét nghiệm và phẩu thuật tiếp theo không cần thiết và có thể có nhiều rủi ro hơn
- Test sàng lọc có thể phát hiện ra các trường hợp ung thư mà có thể không bao giờ gây nguy hiểm cho bệnh nhân, đây gọi là chẩn đoán quá mức, và sẽ dẫn đến điều trị không cần thiết
- Bức xạ từ CT scan phổi liều thấp lặp lại có thể gây ung thư ở người khỏe mạnh. Đó là lí do vì sao sàng lọc ung thư phổi được khuyến nghị chỉ ở những người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh cao do tiền sử hút thuốc lá, và những người không có các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến tuổi thọ, hoặc có khả năng sẵn sàng phẩu thuật phổi khi cần.
Tầm soát ung thư phổi nên được thực hiện suốt đời hay đến khi nào thì ngưng?
Sàng lọc ung thư phổi hàng năm sẽ dừng lại khi người đang tầm soát:
- Tròn 81 tuổi HAY
- Không hút thuốc ≥ 15 năm, HOẶC
- Có các vấn đề sử khỏe khiến người này không muốn hoặc không thể phẩu thuật nếu phát hiện ung thư phổi
Bác sĩ nói rõ hơn về tầm soát ung thư phổi, vì sao phải chọn CT scan liều thấp, thay vì XQ phổi thông thường?
Sàng lọc dùng để phát hiện ung thư phổi sớm, khi có nhiều khả năng chữa khỏi. Nếu phát hiện ung thư phổi sớm, ngay khi chưa lan rộng, thì khả năng sống còn sau 5 năm trở lên tăng 60%.
Chụp CT scan phổi liều thấp là dùng loại tia X đặc biệt, xoay theo chuyển động xoắn ốc, liên tục chụp hình phổi của bạn khi bạn đang nằm trên bàn máy CT scan; sau đó máy tính sẽ kết hợp những hình ảnh này lại thành 1 bức tranh chi tiết về phổi của bạn. Quá trình quét này cho thấy các bất thường ở phổi có khi chỉ nhỏ như hạt gạo, trong khi chụp XQ truyền thống sẽ không thể thấy được các tổn thương cho đến khi nó lớn hơn nhiều.
CT scan liều thấp làm giảm tỉ lệ tử vong do ung thư phổi ở những người có nguy cơ cao.
BVQT City có tầm soát và điều trị ung thư phổi không?
Bệnh viện Quốc tế City có triển khai tầm soát sớm ung thư phổi bằng CT scan liều thấp, không xâm lấn, nhanh chóng, thời gian trả kết quả < 2 giờ. Khi khách hàng có nhu cầu tầm soát sẽ được BS tư vấn kĩ trước khi bác sĩ chỉ định chụp, giải thích rõ ràng sau khi có kết quả, đồng thời lên kế hoạch tầm soát tiếp theo cho khách hàng.