Kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề y tế nan giải, nhiều người bệnh kháng thuốc kháng sinh dẫn tới kéo dài thời gian điều trị, bệnh nặng, thậm chí tử vong. Nguyên nhân từ những sai lầm phổ biến trong cộng đồng hiện nay.

Tại Việt Nam, các hoạt động phòng chống kháng thuốc mới chủ yếu tập trung trong việc kê đơn thuốc kháng sinh và phòng chống tại các cơ sở điều trị trong hệ thống y tế công lập, chưa tập trung đến việc thay đổi nhận thức, hành vi sử dụng thuốc kháng sinh của người dân, chưa thiết lập được hệ thống giám sát đủ mạnh, cơ sở dữ liệu đầy đủ về kháng thuốc.

CIH hưởng ứng chương trình "Quản lý kháng sinh và sử dụng kháng sinh hiệu quả, an toàn".

Tự mua thuốc uống khi có bệnh

Với thói quen mua thuốc không cần đơn vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc, cùng với đó là hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc cũng như việc giáo dục cộng đồng về những hành vi giữ vệ sinh cá nhân phòng ngừa nhiễm khuẩn là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Ở nhiều nước trên thế giới, chỉ có thể mua kháng sinh ở nhà thuốc khi có đơn thuốc của bác sĩ, trong khi ở nước ta mua thoải mái. Hiện nay, còn có vấn đề tự dùng thuốc, trong đó có kháng sinh, qua thông tin trên mạng internet. Có hiện tượng nhiều người lo lắng về sức khỏe của mình là cứ vào mạng để tìm bệnh, thấy trường hợp nào giống như các triệu chứng mình có là cứ y như đơn thuốc trên mạng mà mua về sử dụng, không cần đến bác sĩ.

Thông điệp hưởng ứng chương trình "Quản lý kháng sinh và sử dụng kháng sinh hiệu quả, an toàn".

Sử dụng chung đơn thuốc

Hiện nay có khá nhiều người sao chép đơn thuốc của nhau trong điều trị bệnh: đặc biệt các bệnh như ho sốt, viêm xoang, đau dạ dày.... Điều này dẫn đến tình trạng dùng thuốc kháng sinh bừa bãi, không đúng bệnh vì mỗi người sẽ có phản ứng thuốc khác nhau và cơ địa của mỗi người cũng khác nhau. Nếu chỉ cần dùng 1 đơn thuốc cho tất cả mọi người là quan niệm vô cùng sai lầm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.

Vì vậy, các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City khuyến cáo không mách cho người khác dùng kháng sinh khi thấy bệnh của họ giống bệnh của mình. Bởi lẽ, triệu chứng bệnh có vẻ giống nhưng nguyên nhân bệnh có thể khác. Thêm vào đó, một kháng sinh thích hợp với người này chưa chắc hiệu quả với người khác, thậm chí có thể gây tai biến.

Thông điệp CIH: "Không chia sẻ thuốc kháng sinh với người khác".

Ngưng thuốc đột ngột

Khi thấy bệnh giảm, nhiều người ngưng thuốc ngay vì nghĩ rằng uống nhiều không tốt. Thật ra, nếu uống đúng theo toa của bác sĩ thì số lượng thuốc đó là đủ và cần thiết. Thông thường, đủ liều cho một đợt kháng sinh phải khoảng 7-10 ngày, thậm chí có thể kéo dài hơn, tùy từng loại bệnh và sự tiến triển của bệnh. Nếu dùng không đủ liều, đủ thời gian, vi khuẩn không bị tiêu diệt hết sẽ trỗi dậy và phát triển thành chủng vi khuẩn đề kháng mà kháng sinh cũ không còn tác dụng nữa.

Chính việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách, không đủ liều sẽ làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hết, một số có khả năng thích ứng, đặc biệt có sự đột biến gien trên nhiễm sắc thể kiểm soát sự nhạy cảm đối với kháng sinh; số này tồn tại, phát triển thành “chủng” vi khuẩn mới mà kháng sinh đã sử dụng sẽ không còn tác dụng nữa.

Tự ý dùng lại đơn thuốc cũ

Không nên dùng lại đơn thuốc cũ có chỉ định kháng sinh của chính mình khi đã khỏi bệnh một thời gian. Bởi lẽ, một toa thuốc chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm và trong một điều kiện nhất định mà thôi. Khi tái phát, bệnh có thể không còn ở tình trạng cũ mà đã diễn tiến phức tạp, khi đó đơn thuốc cũ không còn thích hợp nữa.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM (Kế bên Aeon Mall Bình Tân).

ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 0) để gặp tổng đài viên.

Website: www.cih.com.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity