Viêm loét dạ dày-tá tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, bệnh trĩ, bệnh sỏi mật, viêm gan B,C, ung thư ống tiêu hóa là những bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở người. Bệnh có nhiều triệu chứng khác nhau, biểu hiện âm thầm, gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do vậy, chúng ta cần phải biết một số triệu chứng cơ bản, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Viêm loét dạ dày-tá tràng: Ở Việt Nam có đến 70% dân số nước ta mắc và có nguy cơ mắc các bệnh dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Bệnh lý phổ biến là viêm dạ dày mạn tính với 31% – 64% các trường hợp nội soi đường tiêu hóa. Các biến chứng có thể gặp là loét, chảy máu hoặc thủng dạ dày, hẹp môn vị, sa dạ dày, thậm chí ung thư. Ngoài ra, bệnh rất dễ tái phát gây mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng sống của người bệnh.

Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome - IBS): ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này phổ biến ở những người trong độ tuổi khoảng 40-60. Phụ nữ mắc bệnh IBS cao gấp hai lần so với nam giới. Triệu chứng chính là đau bụng (đau vùng dưới rốn, đi ngoài xong hết đau), táo bón, tiêu chảy... Bệnh gây nhiều phiền muộn lo lắng và bất tiện cho người bệnh, nhất là mỗi lúc đi xa.

 

Dạ dày và đại tràng là hai trong những bệnh lý phổ biến của đường tiêu hóa.

Viêm đại tràng cấp và mạn tính: viêm đại tràng cấp có thể do vi khuẩn hoặc có thể do virus hoặc do ký sinh trùng, đặc biệt là lỵ amíp (bệnh kiết lỵ). Viêm đại tràng mạn tính rất khó chữa trị gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Biến chứng thường gặp nhất là mệt mỏi, chán ăn, ăn không tiêu, liên tục bị rối loạn tiêu hoá (phân lúc lỏng lúc rắn, thậm chí táo bón, đi ngoài có nhày, máu…) dẫn đến cơ thể bị suy kiệt.

Ung thư ống tiêu hóa: đó là các bệnh lý ung thư dạ dày, đại tràng, thực quản. Theo số liệu tại Hội nghị khoa học về bệnh tiêu hóa toàn quốc lần thứ XIX cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 11.000 đến 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong. Với bệnh ung thư thực quản, con số mắc mới tương đương với lượng người tử vong, lên đến hàng nghìn người.

Viêm gan B, C: theo ước tính, có khoảng trên 10% dân số Việt Nam nhiễm hai loại virus này. Đây là virus có thể gây nên hiện tượng viêm gan mạn, dẫn đến xơ gan, ung thư gan và trở thành gánh nặng trong các bệnh viện vì bệnh gây tử vong và tiêu hao lớn về chăm sóc y tế, thuốc men.

Bệnh trĩ: chức năng co bóp, bài tiết và hấp thu của ruột ở người cao tuổi yếu dần theo thời gian khiến cho tình trạng rối loạn đại tiện rất dễ phát sinh. Trong khi đó, trương lực cơ trơn đại tràng, cơ thắt hậu môn và dây chằng bị suy giảm, hệ thống tĩnh mạch hậu môn trực tràng bị suy yếu... làm cho người già rất dễ mắc bệnh trĩ với những đặc điểm trĩ hỗn hợp bao gồm cả trĩ nội và trĩ ngoại, búi trĩ dễ bị sa xuống, xuất huyết và xơ hóa.

Sỏi mật: Từ tuổi 40, túi mật đã bắt đầu có dấu hiệu “già”, teo đi (chứa được ít mật), các cơ ở vách túi mật kém sức co bóp (đẩy không hết mật xuống ruột), ngoài ra gan cũng kém sản xuất mật, lượng mật còn sót lại dễ tạo sỏi. Có thể nói bệnh ở túi mật và đường dẫn mật (viêm, sỏi) ở người già có tỷ lệ rất cao so với người trẻ.

Lưu ý phòng ngừa các bệnh lý tiêu hóa

Ăn chậm, nhai kỹ: biện pháp này không chỉ tránh cho người cao tuổi bị nghẹn, sặc thức ăn mà còn giúp bảo vệ hệ tiêu hóa.

Uống nhiều nước: do tính chất công việc, nhân viên văn phòng, tài xế, giáo viên… thường ngại uống nước do phải đi tiểu nhiều lần, sẽ gây phiền phức cho công việc của họ. Tuy nhiên, để tránh táo bón, lâu dần xuất hiện trĩ, bạn cần uống đủ nước, tối thiểu 1,5 - 02 lít nước mỗi ngày. Bạn có thể tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như khoai lang hay các loại rau khác như rau đay, mồng tơi,...

Ăn nhiều rau xanh và trái cây: để tránh bị đầy bụng, khó tiêu, táo bón, bạn nên ăn các loại thức ăn dễ nhai, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây trong thực đơn hàng ngày.

Vận động thường xuyên: vận động không có nghĩa là thực hiện các động tác mạnh mẽ mà chỉ cần chọn lựa các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe và thể trạng của mỗi người. Thời gian vận động không nên quá dài, chỉ khoảng 20phút/ngày.

Khám sức khỏe định kỳ: Việc tầm soát sức khỏe rất quan trọng, giúp người dân phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm, giúp hiệu quả điều trị tốt hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

Hiện nay, Bệnh viện Quốc tế City đang diễn ra chương trình “Miễn phí tiền khám (400,000 Đ) với BSCKI. Nguyễn Bảo Xuân Thanh”, áp dụng đến 30/05/2020. Để nhận ưu đãi, quý khách vui lòng gọi số 0987.853.793. Chi tiết chương trình quý khách xem tại đây.


Miễn phí khám bệnh Dạ dày, Đại tràng với BSCKI. Nguyễn Bảo Xuân Thanh.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế City

Số 03, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (028) 6280 3333 (Máy nhánh 0) để gặp tổng đài viên.

Hotline nhận mã code: 0987. 853.793.

Website: www.cih.com.vn 

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity