Viêm đại tràng mạn tính là bệnh thường gặp của hệ tiêu hóa. Bệnh xuất hiện sau khi nhiễm khuẩn, nhiễm kí sinh vật ở ruột, bệnh mạn tính có từng đợt tiến triển. Ngoài ra, viêm đại tràng mạn còn có thể do yếu tố tâm thần kinh do xúc động tâm lí và những lo lắng, stress ảnh hưởng tới sự điều tiết của hệ thống thần kinh thực vật gây tăng tiết ra các chất axit làm loét ruột. Bệnh thường gặp nhiều ở những đối tượng từ 40 tuổi trở lên.

Do tác dụng của nhân tố bệnh khác nhau gây viêm nhiễm niêm mạc; tổn thương thần kinh, rối loạn hệ vi khuẩn ruột làm thay đổi về số lượng chung của từng loại vi khuẩn gây rối loạn quá trình lên men và thối rữa, dẫn đến sự mẫn cảm của cơ thể với hệ vi khuẩn (tăng số lượng kháng thể nội sinh đối với kháng nguyên của ruột).

Viêm đại tràng mạn tính nếu không điều trị có thể có nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Tất cả những yếu tố trên dẫn tới rối loạn chức năng vận động, tiêu hóa, bài tiết và hấp thu của ruột.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính

Đủ thành phần các chất dinh dưỡng:

  • Chất đạm (protein): 1g/ kg/ ngày; nên dùng các loại thực phẩm như: thịt nạc, cá nạc, sữa chua, sữa đậu tương…
  • Năng lượng: 30 – 35 Kcal/ kg/ ngày tùy theo từng bệnh nhân.
  • Chất béo: ăn hạn chế không quá 15g/ ngày.
  • Đủ nước, muối khoáng và các vitamin.

Người viêm đại tràng mạn nên ăn các loại thức ăn nào?

  • Gạo, khoai tây.
  • Thịt nạc, cá, sữa đậu nành, sữa không có lactose, sữa chua.
  • Khi ăn các thức ăn tanh như tôm, cua, cá, trứng nên ăn ít một và ăn ngay sau khi chế biến.
  • Các loại rau xanh nhiều lá: rau ngót, rau muống, rau cải… nên nhặt phần rau non để ăn.
  • Các rau họ cải: bắp cải, củ cải.

Không nên ăn, uống các loại thực phẩm sau:

  • Trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống, dưa cà muối rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga vì các loại thực phẩm này gây đầy hơi, chướng bụng.
  • Không nên ăn các thực phẩm có nhiều lactose như sữa, nhiều đường như quả ngọt, mật ong, nhiều sorbitol (có trong một số bánh kẹo ngọt) nhằm chống tiêu chảy vì bệnh nhân có biểu hiện kém hấp thu các loại đường này do đó ăn sẽ gây chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy.
  • Tránh dùng những thức ăn cứng như: rau sống, ngô hạt, măng…ảnh hưởng xấu đến vết loét. Khi chế biến thức ăn nên hấp hoặc luộc, hạn chế xào rán.

Theo các bác sĩ, khi bị viêm đại tràng, ngoài một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, người bệnh cũng cần phục hồi và tái tạo lớp niêm mạc đại tràng. Vì khi bị viêm, lớp niêm mạc đại tràng vốn đã bị tổn thương lại vẫn phải thường xuyên tiếp xúc với các độc chất từ thức ăn và virus, vi khuẩn, ký sinh trùng nên rất dễ bị kích ứng và tái phát trở lại.

Tầm soát các bệnh lý đại tràng

Theo bác sĩ khoa nội soi - tiêu hóa, có 03 phương pháp thường dùng để tầm soát ung thư đại trực tràng gồm:

Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân

Đây là xét nghiệm rẻ tiền, đơn giản, có độ nhạy phát hiện các khối ung thư 70-80%. Xét nghiệm máu ẩn trong phân không đặc hiệu, nếu dương tính chưa chắc có ung thư đại trực tràng. Nếu máu ẩn trong phân dương tính cần nội soi đại tràng để xác định.

Nội soi đại tràng

Đây là phương pháp chính xác nhất nhưng thực hiện khá phức tạp. Bệnh nhân phải xổ ruột, nhịn ăn. Nội soi có thể gây đau nên thường cần gây mê. Khi nội soi đại tràng nếu phát hiện polyp, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ các khối polyp trong lúc soi.

Nội soi đại tràng giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý về đại trực tràng.

Nội soi đại tràng ảo

Bệnh nhân phải được xổ ruột và chụp CT Scan đa lát cắt, sau đó máy điện toán dựng hình lại lòng đại tràng. Nội soi đại tràng ảo có thể phát hiện phần lớn khối polyp trong lòng đại tràng, sau đó nội soi đại tràng (thật) để cắt polyp.

Bác sĩ Nguyễn Phước Lâm nội soi cho bệnh nhân. 

Nhiều nghiên cứu đưa ra khuyến cáo lựa chọn phương pháp tầm soát, tuổi bắt đầu, khoảng thời gian lặp lại cho các nhóm có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng.

Nhóm nguy cơ trung bình:

Người không có triệu chứng trên 40-50 tuổi hoặc tiền sử gia đình có người bị ung thư không thuộc huyết thống bậc một (cha mẹ, anh chị em ruột): xét nghiệm máu ẩn trong phân hàng năm, nội soi đại tràng mỗi 10 năm, nội soi đại tràng ảo mỗi 5 năm.

Nhóm nguy cơ cao:

Có một người thân huyết thống bậc một bị ung thư đại tràng trước 45 tuổi hoặc từ 2 người thân có huyết thống bậc một bị ung thư: nội soi đại tràng mỗi 3 năm một lần, bắt đầu thực hiện 10 năm trước tuổi người thân trẻ nhất bị ung thư hoặc từ 40 tuổi trở đi.

Có một người thân huyết thống bậc một bị ung thư sau 45 tuổi: nội soi đại tràng mỗi 3 năm, bắt đầu 10 năm trước tuổi người thân trẻ nhất bị ung thư hoặc từ 50 tuổi.

Tiền sử bản thân bị polyp đại trực tràng: nội soi một năm sau cắt polyp nếu thuộc nguy cơ cao.

Tiền sử bản thân bị ung thư đại trực tràng: nội soi một năm sau phẫu thuật.

Tiền sử bản thân bị ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung: nội soi một năm sau phẫu thuật.

Nhóm nguy cơ rất cao:

Tiền sử gia đình có người bị đa polyp đại tràng: nội soi đại tràng sigma, xét nghiệm và tư vấn di truyền hàng năm, bắt đầu từ 12-14 tuổi.

Tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng không đa polyp: nội soi đại tràng, xét nghiệm và tư vấn di truyền bắt đầu 10 năm trước tuổi người thân trẻ nhất bị ung thư, thực hiện định kỳ mỗi 2 năm một lần.

Người bệnh viêm loét đại tràng vô căn nên nội soi mỗi 2 năm, bắt đầu thực hiện 15 năm sau khi chẩn đoán.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (028) 6280 3333 (Máy nhánh 0) gặp tổng đài viên.

Website: www.cih.com.vn.

Facebook: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity/