Những món ăn truyền thống trong ngày Tết đều có chứa thành phần mà người đang mắc bệnh đái tháo đường cần kiêng.

Theo Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, nếu không phải nhập viện hoặc đang điều trị các biến chứng của bệnh tiểu đường, người bệnh vẫn có thể ăn được tất cả các món cổ truyền ngày Tết. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý ăn bằng với số lượng thực phẩm trong khẩu phần ăn của mình như ngày thường.

Những ngày Tết, cuộc sống người bệnh đái tháo đường bị đảo lộn rất nhiều so với ngày thường: ăn, ngủ không đúng giờ, ăn vặt do phải tiếp khách liên tục, quên uống thuốc, thậm chí có thể hết thuốc mà chưa kịp mua, uống bia rượu, cà phê, thuốc lá. Ngoài ra, người bệnh còn phải ăn nhiều hơn ngày bình thường, mà hầu hết các món ăn phổ biến dịp Tết đều chứa rất nhiều tinh bột, chất béo.

Củ kiệu, dưa hành, giò thủ, dưa giá đều là những món ăn kích thích vị giác, giúp dễ tiêu hóa và dễ ăn trong ngày Tết, nhưng lại có khá nhiều đường và muối không có lợi cho sức khỏe. Bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế các thực phẩm này. Ngoài ra, để tránh tăng đường huyết và phòng ngừa táo bón sau khi ăn, người bệnh nên chuẩn bị rau củ hấp, luộc bổ sung vào chế độ ăn.

Người bệnh tiểu đường cần hạn chế những món ăn ngọt nhiều như bánh mứt, củ kiệu, dưa hành.

Người bình thường ăn khoảng 200-250g trái cây mỗi ngày là đủ, riêng người bệnh tiểu đường nên chọn các trái cây ít ngọt, nhiều chất xơ như bưởi, ổi, mận, táo,… Ăn trái cây nguyên miếng sẽ tốt hơn xay nhuyễn hay chỉ ép lấy nước uống.

Đối với bánh mứt, người bệnh tiểu đường nên lựa các loại bánh, kẹo có chỉ số đường huyết thấp (GI < 50). Các loại hạt như hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, hạt bí, hạt dưa, khi ăn thay thế sẽ tốt hơn các loại mứt.

Người bị tiểu đường có thể sử dụng rượu vang nhưng không được uống quá nhiều. Mỗi ngày, bệnh nhân chỉ nên sử dụng khoảng 200 ml rượu vang trong bữa ăn. Theo BS CKII Hà Thị Kim Hồng  - Trưởng Khoa Khám Sức khỏe tổng quát - Bệnh viện Quốc tế City, chuyên gia có kinh nghiệm 25 năm về Tiểu đường - Nội tiết và Sức khỏe tổng quát cho biết, người bệnh tiểu đường cần hạn chế uống rượu, bia vì có thể gây tăng hoặc hạ đường huyết do ngăn cản quá trình tổng hợp glycogen và ảnh hưởng đến chức năng gan, gây rối loạn chuyển hóa.

BS.CK2 Hà Thị Kim Hồng  - Trưởng Khoa khám Sức khỏe tổng quát Bệnh viện Quốc tế City.

Theo nhiều nghiên cứu, thường xuyên uống rượu vang với số lượng vừa phải có tác dụng ổn định mỡ máu và bảo vệ tim mạch. Sau khi uống rượu vài giờ, người bệnh nên thử đường máu nhiều lần hơn ngày bình thường, đặc biệt nếu huyết áp tăng nên ngừng uống.

Cùng với chế độ ăn, người bệnh đái tháo đường phải uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, tránh mải vui mà quên thuốc hoặc có tâm lý “kiêng” uống thuốc vào ngày Tết sẽ rất nguy hiểm.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế City