Phụ nữ sinh nở nhiều lần, người táo bón kinh niên, làm việc đứng hoặc ngồi lâu... có nguy cơ mắc bệnh dãn tĩnh mạch chân.

Bác sĩ CKII Đặng Hanh Tuấn, bác sĩ phẫu thuật mạch máu- bác sĩ hợp tác Bệnh viện Quốc tế City - chia sẻ những yếu tố nguy cơ của bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Những người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch thường không nhận biết được bệnh của mình, thường có nhầm lẫn với các bệnh xương khớp khác. Nếu được phát hiện và điều trị phù hợp ngay từ ban đầu thì việc chữa bệnh rất đơn giản. Phát hiện trễ, tĩnh mạch đã bị loét, chảy nước, có thể dẫn đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, ứ trệ tuần hoàn, gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.

Tuổi tác

Tuổi tác là yếu tố được nghiên cứu đầu tiên trong mối liên quan với bệnh tĩnh mạch. Hiện nay các nhà nghiên cứu đều công nhận tuổi cao là yếu tố làm tăng nguy cơ suy tĩnh mạch mạn tính và giãn tĩnh mạch chân. Độ tuổi thường mắc bệnh giãn tĩnh mạch là từ 45 đến 50 tuổi trở lên. Tuổi càng cao, giãn tĩnh mạch thường càng trầm trọng hơn.

Giới tính

Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh giãn tĩnh mạch thường gặp ở nữ giới hơn là nam giới. Cứ khoảng 2-3 bệnh nhân nữ mắc bệnh thì mới có một bệnh nhân nam bị giãn tĩnh mạch. Người ta nhận thấy đối với suy tĩnh mạch mạn tính, tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là tương đương nhau. Sự khác biệt về mặt tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ trong giãn tĩnh mạch được lý giải có lẽ là do nữ giới thường phải trải qua thời kỳ mang thai.

Trong những nghiên cứu lớn, đa trung tâm tại Đức và Italia, người ta nhận thấy ở phụ nữ mắc bệnh suy tĩnh mạch, tỷ lệ phù chân thường cao hơn nam giới; trong khi ngược lại nam giới suy tĩnh mạch thường dễ bị chàm da, loét chân hơn so với nữ.

 các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh suy giãn tĩnh mạch

Rất nhiều bệnh nhân giãn tĩnh mạch không biết mình mắc bệnh

Nghề nghiệp - Thói quen đứng lâu

Theo những nghiên cứu trước đây, những nghề nghiệp có liên quan đến thói quen phải đứng lâu, đi lại nhiều… đã được xác định là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh suy tĩnh mạch mạn tính và dãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết vì y học chưa chứng minh rõ ràng được thói quen đứng lâu gây ra bệnh giãn tĩnh mạch nhờ cơ chế nào. 

Tính chất gia đình

Hiện nay y học vẫn chưa chứng minh được bệnh có di truyền hay không và chưa xác định được có gen gây bệnh hay không. Một số các nghiên cứu cho thấy suy tĩnh mạch và giãn tĩnh mạch chân có tính chất gia đình. Một người mắc bệnh thì các thành viên khác cùng huyết thống trong gia đình cũng dễ bị bệnh tương tự, với tần suất gấp 1,5 đến 2 lần người bình thường. 

Nội tiết tố - Thuốc ngừa thai

Dùng thuốc ngừa thai đường uống và liệu pháp hormon thay thế đã được chứng minh là có liên quan đến nguy cơ dễ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Dù vậy, thuốc ngừa thai và nội tiết tố không có liên quan đến suy tĩnh mạch và giãn tĩnh mạch chân, không làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Mang thai

Mang thai, sanh nở nhiều lần và thai kỳ làm tăng nguy cơ dãn tĩnh mạch chân. Phụ nữ đã mang thai và mang thai nhiều lần có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người chưa mang thai và nam giới gấp 2 lần. 

 các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh suy giãn tĩnh mạch

Phụ nữ mang thai, sinh nở có nhiều nguy cơ mắc bệnh.

 Béo phì

Vai trò của chứng béo phì trong mối liên quan với bệnh giãn tĩnh mạch chân vẫn còn có nhiều ý kiến trái ngược. Theo nghiên cứu tại Anh quốc, chỉ số BMI trên 27 làm tăng nguy cơ dãn tĩnh mạch ở nữ giới, nhưng không tăng nguy cơ này ở nam giới. Một nghiên cứu lớn khác tại Đức (nghiên cứu Bonn) cho thấy chỉ số BMI trên 30 chỉ làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch một cách không đáng kể ở nữ giới, nhưng lại làm tăng rõ rệt nguy cơ suy tĩnh mạch ở cả nam lẫn nữ.

Táo bón kinh niên

Theo một số nhà nghiên cứu, những người mắc chứng táo bón kinh niên cũng là nhóm yếu tố nguy cơ của suy giãn tĩnh mạch. 

TIN LIÊN QUAN

Khoa Mạch Máu Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (8428) 6280 3333. Máy nhánh 0 để gặp nhân viên tư vấn.

Website: www.cih.com.vn.

Facebook: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity/