2019-07-04 06:51:48
Các chuyên gia khuyến nghị kiểm tra bệnh truyền nhiễm ở tuổi 20, đường máu tuổi 30, tim mạch tuổi 40 và kiểm tra toàn diện khi 60 tuổi.
Đối với mỗi con người, khi sinh ra và lớn lên thì ở mỗi độ tuổi sẽ phải đối diện với những bệnh lý liên quan đến tuổi tác. Chính vì thế việc kiểm tra sức khỏe trong từng giai đoạn là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình tránh những biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện muộn.
Tuổi 20: Kiểm tra các bệnh truyền nhiễm
Tuổi 20, các chức năng ở cơ thể người bao gồm hệ miễn dịch hoạt động tốt nhất nhưng vẫn cần kiểm tra sức khỏe. Khi sinh ra, con người đã được tiêm rất nhiều loại vắcxin nhưng chúng chưa chắc giúp ta miễn dịch được suốt đời. Nếu không kịp thời tiêm bổ sung, cơ thể sẽ không được bảo vệ.
Những người ở độ tuổi từ khoảng 20 trở đi có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm.
Hơn nữa, người ở độ tuổi 20 còn tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau, tỷ lệ truyền nhiễm các loại viêm gan, bệnh đường tiêu hóa và bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục tăng cao. Các chuyên gia cũng khuyến cáo chụp X-quang vùng ngực để kiểm tra lao phổi bởi bệnh này thường thấy ở người trẻ tuổi.
Tuổi 30: Kiểm tra đường máu
Thói quen ăn nhiều nhưng ít vận động kèm theo công việc bận rộn, tiệc tùng, áp lực lớn khiến bệnh tiểu đường có xu hướng trẻ hóa. Không ít người phát bệnh ở độ tuổi 30, tình trạng tiền tiểu đường cũng rất phổ biến.
Chuyên gia khuyến cáo mọi người từ 30 tuổi trở đi mỗi năm kiểm tra đường huyết ít nhất một lần. Không chỉ kiểm tra đường huyết lúc chưa ăn, cần kiểm tra thêm đường huyết sau ăn vì gần 50% người mắc tiểu đường không tăng đường huyết khi bụng rỗng nhưng tăng cao rõ ràng sau đó. Nếu có điều kiện, bạn nên làm thêm xét nghiệm HbA1C để biết chính xác hơn.
Tuổi 40: Kiểm tra tim mạch
Hầu hết chúng ta cho rằng đến tuổi 50, 60 kiểm tra tim mạch vẫn chưa muộn nhưng trên thực tế, bạn nên chú ý đến điều này ngay từ tuổi 40. Cũng như tiểu đường, các vấn đề tim mạch đang có xu hướng trẻ hóa và dẫn đến nguy cơ tử vong đột ngột nếu không được can thiệp kịp thời.
Tuổi 50: Kiểm tra xương khớp và hệ tiêu hóa
Ở độ tuổi 50, phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh nên lượng estrogen và canxi hạ thấp. So với nam giới, phụ nữ dễ bị loãng xương và gãy xương hơn.
Ngoài khung xương, bạn cần chú ý đến sức khỏe đường ruột để đề phòng phát triển thành ung thư. Tốt nhất, hãy nội soi đại tràng và dạ dày 2-3 năm một lần hoặc mỗi năm một lần nếu từng có bệnh về đường ruột.
Tuổi 60: Kiểm tra toàn diện
60 tuổi là điểm bắt đầu tuổi già. Những người ở độ tuổi này nên triển khai xét nghiệm toàn thân chứ không thiên về một bộ phận nào đó nữa.
Chuyên gia khuyến cáo ngoài kiểm tra tim mạch, bệnh tiểu đường, khối u ác tính, tổn thương thận, bệnh tuyến giáp cùng các bệnh mạn tính khác, người từ tuổi 60 cần kiểm tra và đề phòng suy giảm thính lực, thị lực. Kiểm tra đáy mắt có thể phát hiện sớm bệnh đục thủy tinh thể, bệnh tăng nhãn áp nguyên phát ở tuổi già. Người mắc huyết áp cao, động mạch vành, tiểu đường khi kiểm tra đáy mắt còn có thể kiểm tra nguy cơ xơ vữa động mạch não.
Kiểm tra sức khỏe là việc làm vô cùng quan trọng ở bất kỳ độ tuổi nào, vì thông qua thăm khám của các bác sĩ sẽ phát hiện được những nguy cơ tiềm ẩn bệnh lý của bệnh nhân từ đó đưa ra cách giải quyết tốt nhất cho người bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Theo đó ở từng độ tuổi khác nhau thì cơ thể sẽ phải đối diện với các bệnh lý khác nhau. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, định kỳ mỗi năm bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát ít nhất một lần để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Mọi thắc mắc về các gói dịch vụ của Bệnh viện Quốc tế City, Quý khách vui lòng liên hệ hotline (028) 6280 3333, máy nhánh: 8424 hoặc 8402 để được tư vấn.
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM (Cạnh Aeon Mall Bình Tân).
ĐT: (8428) 6280 3333.
Website: www.cih.com.vn.