2024-07-30 08:42:31

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim nhanh, chậm hoặc không đều. Rối loạn nhịp tim ảnh hưởng tới chức năng bơm máu của tim, bệnh có thể nhẹ hoặc rất nghiêm trọng. Hãy đi khám nếu bạn bị đánh trống ngực, chóng mặt, thoáng ngất, khó thở hay đau tức ngực.

Đối tượng có nguy cơ rối loạn nhịp tim

Bất kỳ ai cũng có thể bị rối loạn nhịp tim, nhưng nguy cơ cao hơn ở một số đối tượng là:

  • Bệnh tim mạch: tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, van tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh cơ tim, viêm nội tâm mạc, bệnh tim bẩm sinh.
  • Bệnh hô hấp: ngưng thở khi ngủ, bệnh phổi mạn.
  • Bệnh tuyến giáp: suy giáp hay cường giáp.
  • Mất cân bằng điện giải.
  • Bệnh thận.
  • Đái tháo đường.
  • Rối loạn lipid máu.
  • Thừa cân béo phì.
  • Lạm dụng rượu.
  • Hút thuốc lá.
  • Sử dụng chất gây nghiện khác.
  • Căng thẳng mạn tính.
  • Tiền sử gia đình bị rối loạn nhịp.
  • Lớn tuổi.

Triệu chứng của rối loạn nhịp tim

Triệu chứng rối loạn nhịp tim ở mỗi người không giống nhau, nó phụ thuộc vào từng loại rối loạn nhịp tim và bệnh gây ra rối loạn nhịp. Một số triệu chứng thường gặp:

? Cảm giác hồi hộp, lo lắng
? Đánh trống ngực: cảm giác tim đập mạnh, hẫng một nhịp, tim ngưng vài giây hoặc đập lúc nhanh lúc chậm
? Cảm giác hụt hơi
? Tức ngực
? Cảm thấy mệt

Nếu bạn bị đánh trống ngực kèm theo một yếu tố dưới đây, bạn nên đi khám ngay:

? Đánh trống ngực kéo dài
? Chóng mặt hoặc thoáng ngất
? Khó thở, đau ở ngực, cổ, vai, cánh tay hoặc lưng
? Sút cân, mệt mỏi kéo dài
? Đau đầu, vã mồ hôi
? Mới sử dụng một loại thuốc nào đó

Chẩn đoán rối loạn nhịp tim

Chẩn đoán rối loạn nhịp tim dựa vào khám lâm sàng và cận lâm sàng. Thông thường, qua khám lâm sàng bác sĩ có thể nhận ra loại rối loạn nhịp tim là nhịp nhanh, chậm hay không đều. Nhưng để chẩn đoán được cụ thể thì cần đến các xét nghiệm cận lâm sàng.

Trong đó, điện tâm đồ (ECG) là xét nghiệm rất quan trọng trong chẩn đoán rối loạn nhịp tim, cho thấy đặc điểm điện học của từng loại rối loạn nhịp.

Nếu rối loạn nhịp tim bất thường và có ý nghĩa lâm sàng, bác sĩ sẽ đề nghị điều trị. Vì trong các trường hợp này, nếu không điều trị, rối loạn nhịp tim có thể làm tổn thương tim, não hoặc các cơ quan khác; có thể dẫn đến đột quỵ, suy tim hoặc ngừng tim đe dọa tính mạng.

Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim

Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim được áp dụng phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp tim, mức độ nghiêm trọng, các bệnh lý đồng mắc và thể trạng của người bệnh.

Khi điều trị rối loạn nhịp tim, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không tự ý ngưng hoặc giảm bất kỳ loại thuốc nào mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Nếu gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc, cần quay lại tái khám để thay đổi một loại thuốc khác.

Ngoài ra, người bệnh cần kiêng caffeine, thuốc lá, có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và hạn chế căng thẳng, lo lắng.

Bệnh viện Quốc tế City

? Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM
☎️ Tổng đài: 1900 8146
? Website: https://cih.com.vn 
? Tiktok CIH: https://www.tiktok.com/@benhvienquoctecity 
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCX3peeehsISkRnJTS8WGaUg