Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp nhất với tỉ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng trong dân số. Ở Việt Nam, dù chưa có một nghiên cứu chính thức về tỷ lệ mắc bệnh suy tim, song ước tính đến nay khoảng 1,6 triệu người nước ta bị suy tim.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng và đủ về bệnh này, từ đó có những quan niệm rằng: bị suy tim nghĩa là phải điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp bằng phẫu thuật. Với những tiến bộ vượt bậc của y học, nhũng bệnh nhân (BN) suy tim ngày càng có tuổi thọ kéo dài hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Suy tim là một hội chứng lâm sàng gây ra bởi bất thường cấu trúc hoặc chức năng của tim, dẫn đến giảm cung lượng tim và tăng áp lực trong buồng tim khi nghỉ hoặc gắng sức. Vì vậy, suy tim có thể điều trị nhưng không thể chữa khỏi.

Điều trị của suy tim bao gồm:

  • Phục hồi chức năng tim nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng hoạt động thể chất và làm chậm tiến trình của bệnh.
  • Phục hồi chức năng tim là một giải pháp toàn diện, cần sự hợp tác tốt của bệnh nhân – nhân viên y tế - gia đình. Bao gồm: chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ luyện tập, giảm căng thẳng và tuân thủ điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân cần được tư vấn kiến thức về bệnh lý tim mạch của mình và có thể tự theo dõi một số triệu chứng bất thường.

Triệu chứng suy tim

 

Khi suy tim, chức năng tim giảm, không thể bơm đủ máu đi nuôi các cơ quan, vì thế thường gây ra tình trạng ứ dịch. Do đó, một số triệu chứng thường gặp của cơ quan bao gồm:

  • Khó thở, thường khởi phát khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi.
  • Ho thường xảy ra khi nằm, về đêm.
  • Phù chân, báng bụng và tăng cân nhanh.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Có thể có đau ngực kèm theo.

Phòng ngừa như thế nào?

Nên tái khám với bác sĩ ngay khi tình trạng trên không giảm sau khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc. Hoặc có những dấu hiệu nặng như:

  • Khó thở kéo dài, ngay cả khi nghỉ ngơi. Khó thở khi nằm.
  • Thường vã mồ hôi, da nhợt nhạt.
  • Đau ngực kéo dài không giảm khi dùng thuốc.
  • Tiểu ít < 500ml/ 24 giờ.
  • Ho đàm bọt hồng.

Ths.Bs Bùi Thị Xuân Nga - Khoa Tim mạch Bệnh viện Quốc tế City. 

Dinh dưỡng để có trái tim khỏe

  • Ăn đủ dinh dưỡng và vitamin.
  • Ngưng thuốc lá và các thực phẩm chứa cồn: rượu, bia.
  • Hạn chế muối, nhất là suy tim nặng, thường giới hạn < 2g muối mỗi ngày. Do đó bệnh nhân suy tim cần tránh thực phẩm đã chế biến, thực phẩm đóng hộp hoặc thức ăn nhanh. Tập thói quen đọc hàm lượng Natri (Sodium) ghi trong thành phần trong thực phẩm đóng sẵn.
  • Lượng nước uống tính theo nhu cầu của bệnh nhân và mức độ suy tim. Tránh truyền dịch nếu không có chỉ định của nhân viên y tế. Nếu BN phù nhiều thì cần phải hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể và ăn nhạt hoàn toàn.
  • Chế biến món ăn dưới dạng mềm, nhừ. Không nên ăn các loại thức ăn lên men như: cải bắp, rau cải, đậu đỗ, dưa muối.
  • Bữa ăn phải xa giờ ngủ ban đêm, sau khi ăn cần phải nghỉ ngơi 30-40 phút.
  • Đối với BN suy tim có sử dụng thuốc chống đông: Nên hạn chế ăn các loại rau quả có lá màu xanh sậm màu như: cải bó xôi, bông cải xanh, đậu Hà Lan, đậu xanh, củ cải, mùi tây và rau diếp…

Tuân thủ điều trị

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rất nhiều loại thuốc điều trị suy tim không chỉ cải thiện triệu chứng mà có thể giúp kéo dài đời sống và giảm tỉ lệ tử vong. Điều quan trọng là sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Suy tim là bệnh lý mãn tính, do đó điều trị thuốc mỗi ngày là cần thiết, ngay cả khi bệnh nhân cảm thấy khỏe nhiều, không có triệu chứng. Không bao giờ được dừng thuốc, tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều hoặc uống bất kỳ loại thuốc nào khác mà không thông qua ý kiến của bác sỹ điều trị.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Khoa Tim mạch Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8330) để gặp nhân viên tư vấn.

Website: www.cih.com.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity