BS Quách Văn tư vấn những rắc rối thường gặp trong thai kỳ

2018-12-21 09:24:08

Thứ sáu, 21/12/2018 |

Chiều ngày 20/12, BS.CKI Quách Văn – Khoa Phụ sản, Bệnh viện Quốc tế City sẽ giải đáp tất cả các câu hỏi của các mẹ bầu về đau lưng, chuột rút, rạn da, nôn ói…

Phan Võ Ngọc Châu – Q.3, TPHCM

Thưa bác sĩ,

Vợ chồng em mới biết là mang thai 4 tuần. Vì đứa trẻ này chúng em đợi 3 năm mới có nên vừa vui mừng mà cũng rất lo lắng. Má em và chị Hai em lúc có bầu đều bị thai hành dữ lắm. Gần như ói suốt 3 tháng đầu. Rồi tới những tháng cuối thì đau lưng, rạn da và hai má đầy các vết nám. Xin hỏi bác sĩ em có nguy cơ “thừa hưởng” những rắc rối này không? Làm sao để ngăn ngừa các tình trạng này? Má em và chị Hai hồi đó không biết để chăm sóc nên te tua lắm. Em cảm ơn bác sĩ.

BS.CKI Quách Văn:

Chào bạn,

Những vấn đề này không có di truyền nên hầu như không có thừa hưởng bạn nhé. Tùy cơ thể của bạn thích nghi như thế nào và thai nhi của bạn phát triển ra sao mà những triệu chứng này nhiều hay ít.

Về việc ngăn ngừa, thì hiện nay chưa có biện pháp nào để ngăn ngừa, bạn nhé.

Về vấn đề rạn da, thì hiện nay trên thị trường có một số sản phẩm hỗ trợ chống rạn da, nhưng chí giúp giảm rạn da phần nào chứ không chống rạn da hoàn toàn.

BS CKI Quách Văn – Khoa Phụ Sản Bệnh viện Quốc tế City.

Lê Thị Ngọc Bích – Bình Chánh, TPHCM

Em đang mang thai con trai thứ 2, kỳ này sao da dẻ xấu quá. Dọc bụng là một đường đen dài và còn mọc lông nữa. Hai bên nách và bẹn thì thâm xì. Hai gò má cũng lấm tấm vết nám. Còn tóc thì khô xơ. Vì sao em lại xấu đi dữ vậy bác sĩ? Có cách nào để giảm thâm nám không?

BS.CKI Quách Văn:

Ngọc Bích thân mến,

Trường hợp này của bạn là do nội tiết trong cơ thể thay đổi. Thông thường, sau giai đoạn hậu sản thì cơ thể sẽ trở lại bình thường. Nếu còn thì bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, giải đáp cho bạn kỹ hơn nhé.

ĐàoTN – Bến Tre

Em chào bác sĩ, BS cho em hỏi em có uống Vitamin A liều cao 200.000ui. Cách khoảng 15 ngày em phát hiện có thai, không biết như vậy có ảnh hưởng đến thai nhi không ạ. Xin cảm ơn BS.

BS.CKI Quách Văn:

Bạn thân mến,

Vitamin A liều cao thông thường dùng trong những trường hợp trị mụn, hoàn toàn có nguy cơ gây dị tật thai nhi. Bạn cần xác định lại liều sử dụng và đã sử dụng bao lâu. Đồng thời bạn nên gặp bác sĩ kê toa để được hỗ trợ tốt nhất.BS.CKI Quách Văn (phải) và MC Mỹ Thi

Nguyễn Trần Thanh Ngọc – nguyenngoc87…@gmai.com

Bác sĩ Văn ơi, em đi khám thai mà thấy có nhiều hình thức siêu âm quá, từ 2D, 3D đến 4D. Em không biết nên chọn dịch vụ nào cho thai nhi? Nhờ bác sĩ Văn tư vấn giúp em những ưu và nhược điểm của các phương pháp siêu âm: 2D, 3D, 4D? Việc siêu âm bằng các phương pháp này có chia thành giai đoạn trong thai kỳ không ạ? Phụ nữ mang thai nên chọn phương pháp siêu âm nào tốt nhất ạ?

Em cảm ơn bác sĩ nhiều lắm.

BS.CKI Quách Văn:

Thanh Ngọc thân mến,

Tùy giai đoạn của thai kỳ mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn siêu âm phương pháp nào. Thông thường trong 1 thai kỳ chỉ cần 1 lần siêu âm 3D hoặc 4D để khảo sát dị tật của thai nhi. Còn lại những lần khác thì bác sĩ sẽ cho siêu âm 2D để theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Thu Hà – TP Quy Nhơn, Bình Định

Em chào bác sĩ,

Tuần trước em thử que 2 vạch, đi  siêu âm và xét nghiệm máu, bác sĩ bảo thai 5 tuần và đã có túi thai. Nhưng hôm qua em đi vệ sinh thấy có máu hồng lợt nên rất lo lắng. Không biết đó là dấu hiệu sảy thai hay hiện tượng bình thường trong giai đoạn đầu của thai kỳ ạ?

BS.CKI Quách Văn:

Chào bạn Thu Hà,

Một số trường hợp mang thai giai đoạn đầu có ra huyết ít: Huyết có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sậm.

Để biết rõ dấu hiệu của bạn bình thường hay bất thường, tốt nhất bạn nên đi kiểm tra xem có dấu hiệu dọa sảy thai không bạn nhé.

Kim Chi – chinguyen…@gmail.com

Em đang thực hiện tiêm ung thư cổ tử cung. Mới tiêm mũi thứ 2 thì phát hiện mang thai 5 tuần nên rất lo lắng, không biết con có sao không? Vậy con em có sao không ạ? Em có nên ngừng tiêm không bác sĩ?

BS.CKI Quách Văn:

Kim Chi thân mến,

Bác sĩ thấy không có ghi nhận ảnh hưởng đến thai nhi trong trường hợp này. Chưa có nghiên cứu nào ghi nhận tiêm ngừa ung thư cổ tử cung ảnh hưởng đến dị tật thai nhi. Ở nước ngoài, người ta vẫn tiêm ngừa bình thường nên bạn đừng quá lo lắng nhé.

Mũi còn lại bạn có thể để sau khi sinh tiêm tiếp vẫn được.

Thân mến.

Hà Nhu – nhutran…@gmail.com

Em mới ở tháng thứ 7 mà hai chân sưng phù, cho tay vào ấn, một lúc sau vẫn thấy vết lõm. Vì sao em bị phù sớm vậy? Có phải em có dấu hiệu sanh sớm không? Hay là thận của em có vấn đề? Em mới siêu âm tuần trước, có nên đi siêu âm lại không? Em cần làm thêm xét nghiệm gì hoặc uống thuốc hay kiêng cữ gì để tình trạng phù nề giảm bớt? Em cảm ơn BS.

BS.CKI Quách Văn:

Bạn thân mến,

Phù chân có 2 nguyên nhân, đó là bình thường và bệnh lý.

Phù và sinh con sớm là 2 vấn đề không liên quan nhau. Do đó, phù chân không phải là “dấu hiệu” của sinh sớm.

Siêu âm không giải quyết được tình trạng phù. Để biết được cơ thể bạn có vấn đề gì không, theo tôi bạn nên đi khám để có thể được bác sĩ tư vấn giúp bạn nên làm những xét nghiệm gì phù hợp. Bạn có thể tránh đi nhiều, đứng lâu, ngồi lâu. Tối ngủ, bạn nên kê cao chân. Như vậy sẽ giúp bạn giảm bớt sưng phù.

Mỹ Vân – Bạn đọc hỏi qua Fanpage

Tôi nghe nói có loại thuốc giúp trưởng thành phổi cho thai nhi. Tôi mang thai tháng thứ 7, đang bị dọa sinh non. Xin hỏi, tôi có nên uống thuốc trưởng thành phổi không? Uống thì có tác dụng phụ gì không?

BS.CKI Quách Văn:

Mỹ Vân thân mến,

Thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi được chỉ định trong những trường hợp có nguy cơ sinh non, cho nên trường hợp của bạn có thể sử dụng được và thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi là thuốc chích không phải thuốc uống, bạn cần trao đổi với bác sĩ của bạn về chỉ định sử dụng thuốc này.

Hoàng Thị Linh – linhoanggia746…@gmail.com

Tôi vừa sinh con khoảng 4 tháng thì bị vỡ kế hoạch, hiện thai được 10 tuần. Tôi đang rất lo lắng, không nên nên làm thế nào. Xin hỏi bác sĩ, việc mang thai liền tù tì thế này có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của trẻ không, sức khỏe của phụ nữ thì thế nào ạ? Những biến chứng có thể gặp phải khi sinh con quá dày thế này? Tôi nên làm gì bây giờ bác sĩ ơi.

BS.CKI Quách Văn:

Chào bạn,

Bạn hãy cho biết lần trước bạn sinh thường hay sinh mổ, nếu sinh mổ, thì mới 4 tháng mang thai lại sẽ có nguy cơ nứt vết mổ cũng như vỡ tử cung khi thai lớn lên.

Còn nếu bạn sinh thường, 4 tháng có thai lại thì tương đối an toàn.

Hiện thai của bạn được 10 tuần và vẫn phát triển bình thường, theo tôi thai nhi không ảnh hưởng gì cũng như không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, nên theo dõi sức khỏe của mẹ và bé thường xuyên để có kế hoạch tốt nhất cho thai kỳ lần này.

Biến chứng có thể gặp phải khi sinh con quá dày đó là dễ bị băng huyết do tử cung không co hồi tốt. 

Bác sĩ Quách Văn đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong Sản phụ Khoa.

Huỳnh Thanh Trúc – 27 tuổi, TPHCM

Tôi bị tiểu đường thai kỳ thì có nên kiêng sữa, đồ ngọt không? Tôi sợ khi kiêng thai nhi sẽ không đủ chất, bác sĩ có thể cho tôi một vài món ăn dinh dưỡng ít ngọt được không? Ai cũng nói khi tôi sinh con thì sẽ không còn bị tiểu đường, điều này có chắc chắn không? Cảm ơn bác sĩ.

BS.CKI Quách Văn:

Chào bạn,

Tiểu đường thai kỳ, bạn cần phải kiêng ăn đồ ngọt, tinh bột. Tùy theo mức độ nặng của tình trạng tiểu đường có thể bạn cần sử dụng thuốc để kiểm soát tình trạng đường huyết của bạn.

Những chất còn lại, vẫn nên bổ sung đầy đủ. Do đó, em bé sẽ không bị thiếu chất bạn nhé. Một số món ăn dinh dưỡng ít ngọt, bạn có thể ăn đó là: Yến sào (bạn nên mua về tự chế biến và cho ít đường), thịt, cá, trứng, pho-mát, sữa không đường, …

Sau khi sinh, bạn cần kiếm tra lại đường huyết để chắc chắn rằng bạn chỉ bị tiểu đường thai kỳ.

Phạm Phương Chi – Q.1, TPHCM

Bác sĩ ơi, sao em đau lưng quá. Mới có 6 tháng mà lưng em như muốn gãy ra. Bác sĩ có cách gì cứu em không?

BS.CKI Quách Văn:

Phương Chi thân mến,

Bạn có thể tìm hiểu những lớp yoga dành cho thai phụ, sẽ giúp cho bạn giảm được chuyện đau lưng thai kỳ bạn nhé. Tránh ngồi quá lâu mà không có điểm tựa lưng cũng sẽ giúp được chuyện đau lưng của bạn.

Phan Thị Mỹ Hạnh – Đà Lạt, Lâm Đồng

Bác sĩ ơi, giúp em với.

Em mang bầu được 5 tháng, giờ tâm trạng em rất bất ổn. Lúc trước em thích trẻ con bao nhiêu thì giờ mang thai lại ghét bấy nhiêu. Không hiểu sao em lại có cảm giác chán nản, mệt mỏi, lo lắng. Nhiều khi đang ngồi em lại có những suy nghĩ tiêu cực, muốn bỏ hết tất cả. Em nói chuyện với bà chị thì chị ấy nói có thể em bị trầm cảm thai kỳ. Trước chị ấy cũng bị nhưng sinh xong thì hết.

Bác sĩ làm ơn tư vấn giúp em, đây có phải là triệu chứng của trầm cảm không ạ? Làm sao để thoát khỏi nó thưa bác sĩ?

Có những buổi tối em rất khó ngủ, trằn trọc. Em có nên dùng thuốc an thần cho dễ ngủ không ạ?

Nếu thực sự em bị trầm cảm thai kỳ thì nên đi khám ở đâu?

Em cảm ơn bác sĩ.

BS.CKI Quách Văn:

Chào bạn,

Có thể bạn đã mắc phải chứng trầm cảm trong thai kỳ. Bạn nên trao đổi với gia đình cũng như ông xã để được giúp đỡ và quan tâm đến bạn nhiều hơn. Khi bạn có suy nghĩ tiêu cực muốn từ bỏ tất cả, bạn hãy nhớ lại lý do vì sao bạn bắt đầu và nghĩ đến những khoảnh khắc ngọt ngào với ông xã và đây là tinh hoa tình yêu của 2 người, tự khắc bạn sẽ có đủ nghị lực để vượt qua những lúc “khó chịu” như thế này nhé.

Việc dùng thuốc an thần ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Bạn không được phép tự sử dụng thuốc an thần.

Nếu thực sự bị trầm cảm, bạn có thể tìm gặp một số chuyên gia tư vấn về tâm lý hoặc khám tại bệnh viện bệnh tâm thần.

Bạn đọc Lê Phương – Phuongle…@gmail.com

Xin chào bác sĩ, em đang mang thai tuần thứ 12, em bị ho và sốt nên đến bác sĩ khám và chẩn đoán viêm mũi họng, và cho thuốc về uống gồm Panadol 500mg, Levocetirizine 5mg, em không biết dùng các loại thuốc này có ảnh hưởng gì đến thai nhi không ạ! Mong bác sĩ giải đáp thắc mắc giúp em. Em xin cảm ơn!

BS.CKI Quách Văn:

Bạn thân mến,

Những thuốc này không ảnh hưởng đến thai nhi, bạn yên tâm. Khi bác sĩ kê toa cho bạn, bác sĩ đã lưu ý đến thai kỳ của bạn rồi. Do đó, thuốc nào ảnh hưởng đến thai nhi là các bác sĩ sẽ không cho.

Bạn đọc Nguyễn Thị Nghĩa – Đồng Nai

Em chào bác sĩ, em năm nay 24 tuổi, đang mang thai được 3 tháng tuổi, hiện tại em đang sử dung canxi và sắt để bổ sung. Tuy nhiên, em nghe nói trước 5 tháng mang thai thì không được uống sắt và canxi nên em rất hoang mang. Mong bác sĩ tư vấn và tháo gỡ khúc mắc trong lòng em với ạ. Chân thành cảm ơn bác sĩ.

BS.CKI Quách Văn:

Bạn Nghĩa thân mến,

Viên sắt được bổ sung đúng nhất là trước khi mang thai. Bạn yên tâm, bạn hoàn toàn có thể sử dụng thuốc này.

Canxi được bổ sung từ khi có thai hoặc sau tháng thứ 5 tùy thể trạng của từng mẹ bầu. Việc bổ sung sớm hay muộn sẽ là do bác sĩ quyết định, bạn không nên hoang mang quá.

Bạn đọc Hồng Mơ – 22 tuổi, Củ Chi, TPHCM

Chào BS, em bị tim bẩm sinh đang sử dụng thuốc Atasart, Bisoprolol và Losartan. Do không biết có thai nên em vẫn uống thuốc đến lúc phát hiện có thai là 4 tuần, khi phát hiện là em ngừng thuốc ngay. Mong bác sĩ tư vấn giúp là em uống thuốc như vậy có gây hại và làm dị tật thai nhi không ạ? Em xin cảm ơn bác sĩ.

BS.CKI Quách Văn:

Chào bạn Hồng Mơ,

Bị bệnh tim bẩm sinh thì không nên tự ý ngưng thuốc. Bạn cần bác sĩ chuyên khoa tim mạch đang theo dõi cho bạn để được sử dụng những thuốc không ảnh hưởng đến dị tật thai nhi.

Bạn đọc Lam Hồng – Tiền Giang

Xin chào bác sĩ, em năm nay 25 tuổi, hiện đang có thai bé đầu tiên ở tuần thứ 10. Em ăn gì cũng không tiêu, hay ợ hơi và cảm giác đầy bụng, ăn gì vào cũng ói ra hết ạ. Bác sĩ cho em hỏi điều này có ảnh hưởng đến em bé không ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Xin chân thành cảm ơn.

BS.CKI Quách Văn:

Bạn thân mến,

Những dấu hiệu mà bạn cho biết là bình thường. Bạn nên chia nhỏ bữa ăn ra ăn và tránh ăn những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ khiến bạn đầy hơi, khó tiêu. Việc ăn uống không được có thể khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu chất là ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi.

Bùi Phương Anh – Thủ Dầu Một, Bình Dương

Em đang mang thai tuần thứ 21 nhưng bị virut cúm A, đi khám bác sĩ kê đơn thuốc tamiflu cho uống. Em tra thông tin thấy thuốc đó có gây khuyết tật bẩm sinh cho thai nhi nên khá hoang mang. Không biết thuốc có thật sự ảnh hưởng vậy không? Em uống đến nay là hôm thứ 2 rồi ạ!

BS.CKI Quách Văn:

Bạn thân mến,

Hầu như tất cả các thuốc trên thị trường đều có ghi thận trọng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Việc sử dụng thuốc trong thai kỳ cần hết sức cẩn thận và trước khi kê toa, bác sĩ sẽ phải cân nhắc đến lợi ích cũng như ảnh hưởng của thuốc đến thai kỳ. Nên bạn có thể yên tâm khi thuốc này được bác sĩ kê toa cho bạn.

Định Thanh – TPHCM

Xin hỏi bệnh viện có tổ chức các lớp học tiền sản cho mẹ bầu không? Nếu tôi muốn đăng ký phải làm thế nào và học phí là bao nhiêu? Chồng tôi đi cùng có được không?

BS.CKI Quách Văn:

Định Thanh thân mến,

Bệnh viện có tổ chức các lớp học tiền sản cho mẹ bầu cùng gia đình bạn nhé. Lớp học này hoàn toàn miễn phí và tổ chức mỗi tháng 2 lần. Bạn nên theo dõi thông tin trên fanpage https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity/ và website www.cih.com.vn của bệnh viện để được đăng ký.

Nguyễn Thị Thảo – Q.Tân Bình, TPHCM

Ngày dự sinh của tôi vào Tết nguyên đán. Tôi muốn sinh muộn hơn cho qua Tết, tôi phải giữ gìn sức khỏe như thế nào để không sinh sớm?

BS.CKI Quách Văn:

Thảo thân mến,

Việc sinh đẻ là tùy vào thai nhi. Thai nhi mới là yếu tố quyết định bạn sẽ sinh vào thời điểm nào. Nếu thai nhi đã muốn chào đời thì dù bạn không muốn cũng không được. Không có một biện pháp nào để “trì hoãn” quá trình chuyển dạ của bạn. Thêm vào đó, thai quá ngày thì lượng dinh dưỡng qua thai nhi sẽ giảm, ảnh hưởng xấu đến tình trạng thai nhi.

Hà Vân – nguyenha7846…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em được chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ. Xin hỏi bác sĩ căn bệnh này là gì, vì sao trước lúc mang thai em không gặp vấn đề gì về sức khỏe mà giờ lại có? Nếu bệnh không được điều trị tốt thì dẫn đến biến chứng gì cho mẹ và bé. Em nên làm gì để chăm sóc sức khỏe tốt trong giai đoạn này, nên uống thuốc hay chế độ dinh dưỡng thế nào?

BS.CKI Quách Văn:

Hà Vân thân mến,

Tăng huyết áp thai kỳ là một bệnh lý chỉ xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Nếu tăng huyết áp xuất hiện trước đó, có thể chỉ là một tình trạng tăng huyết áp đơn thuần, không ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Còn tăng huyết áp thai kỳ, hay còn gọi là bệnh nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật. Bệnh này là do thai kỳ gây nên sẽ hết sau khi sinh. Bệnh sẽ có những dấu hiệu nguy hiểm, cho nên bạn cần theo dõi sát và tuân thủ chế độ chăm sóc, theo dõi của bác sĩ.

Trần Quốc Mạnh – TPHCM

Chào bác sĩ,

Vợ tôi mang thai được 3 tháng, không hiểu sao thời gian gần đây răng bị ê buốt, nhức chân răng. Xin hỏi bác sĩ, trong giai đoạn mới mang thai thì có nên đi khám răng không, nếu lỡ bị sâu răng thì có được trám hay điều trị? Chăm sóc răng miệng trong thai kỳ đúng cách là như thế nào thưa bác sĩ?

Mong sớm nhận được hồi âm của bác sĩ ạ.

BS.CKI Quách Văn:

Chào bạn,

Tất cả các trường hợp có thai, cần được đi khám răng ít nhất 1 lần để được kiểm tra những vấn đề về răng miệng. Việc điều trị bệnh lý của răng không ảnh hưởng gì tới thai, thậm chí nếu không điều trị sâu răng có thể gây sảy thai hoặc ảnh hưởng không tốt đến thai.

Việc ê buốt, nhức chân răng có thể do thiếu canxi, vì vậy bạn nên đi kiểm tra răng và bổ sung canxi.

Bình – lebinh…@gmail.com

Em chào bác sĩ,

Tuần trước em có thử thai bằng que, lên 2 vạch 1 mờ 1 đậm. Đi siêu âm bác sĩ nói chưa có gì nhưng niêm mạc dày 18mm. Trước đây em đã từng bị lưu thai 1 lần ạ. Mong được bác sĩ tư vấn.

BS.CKI Quách Văn:

Chào bạn,

Khi thử thai lên 1 vạch đậm, 1 vạch mờ thì siêu âm chưa thấy túi thai là bình thường. Bạn không nên lo lắng quá. Bạn có thể kiểm tra lại sau 1 tuần.

Hồng Phượng – chloephan…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em lấy chồng ở độ tuổi khá muộn (35 tuổi), đang mang thai 16 tuần. Vừa rồi em có làm tripple test cho kết quả: nguy cơ bị Down ở ngưỡng cao 1:122. Vậy em có nên chọc ối không ạ? Chọc ối có ảnh hưởng gì đến thai nhi không bác sĩ?

BS.CKI Quách Văn:

Phượng thân mến,

Trường hợp của bạn nên chọc ối để xác định để chắc chắn rằng em bé có bệnh hay không. Việc chọc ối có thể có các tai biến cũng như biến chứng: Sảy thai, nhiễm trùng ối, nhiễm trùng huyết của mẹ.

Nếu lo lắng quá, bạn có thể làm xét nghiệm NIPT để sàng lọc dị tật thai lần nữa. Phương pháp này cũng là xét nghiệm máu mẹ và giúp giảm được khá nhiều trường hợp chọc ối không cần thiết.

Lê Cúc – Quảng Bình

Xin chào bác sĩ,

Em 24 tuổi, mới sinh em bé (bé đầu tiên) được 1 tháng, sinh mổ ạ. Nhìn bụng rất xấu ạ, vừa đen vừa rạn. Trong thời gian bầu bí em cũng thoa kem dưỡng da rồi kem ẩm, nhưng không hiểu sao sinh xong lại tệ như vậy. Em có nghe nói thoa rượu gừng sẽ đỡ. Mong bác sĩ tư vấn ạ.

BS.CKI Quách Văn:

Cúc thân mến,

Việc thoa rượu gừng không có tác dụng làm giảm sạm và rạn da. Khi có thai, da rạn và đen là tùy cơ địa mỗi người. Không có phương pháp nào gọi là hiệu quả tuyệt đối.

Các sản phẩm như kem dưỡng chỉ giúp giảm và hạn chế tình trạng rạn nứt da nếu được sử dụng đúng cách.

Mai Nguyễn – Bạn đọc hỏi qua fanpage

Chào bác sĩ,

Em có thai được gần 9 tuần rồi, hôm qua đi khám định kì, sức khỏe em thì bình thường chỉ có điều bác sĩ bảo em hơi bị thiếu ối.

Em nghe mọi người nói bé bơi trong nước ối mà nước ối ít thì đồng nghĩa là bé sẽ khó cử động, tay chân sẽ co quắp rất dễ bị di tật như khoèo tay, chân ngoài ra rất dễ bị suy thai. Nghe mà sợ lắm bây giờ cứ mở mắt ra là em phải uống 1,5 lít nhưng ngặt cái là em chỉ uống được nước lạnh không uống được nước ấm hoặc nguội. Mà uống nhiều nước lọc quá thì em lại bị khó chịu, muốn ói và lạt miệng.

Em thấy mọi người bảo uống nước dừa sẽ bổ sung được nhiều nước ối nhưng mà do em mới có thai chỉ được 9 tuần nên chưa dám uống. Bác sĩ cho em hỏi ngoài nước cam, mía, sinh tố…có còn nước hay thức ăn gì để khắc phục giúp tăng lượng nước ối không ạ.

Tình trạng thiếu nước ối này có thực sự nguy hiểm không ạ? Khắc phục bằng cách nào ạ?

BS.CKI Quách Văn:

Bạn thân mến,

Khi thai được 9 tuần, hầu như không có bác sĩ nào đánh giá tình trạng nước ối của thai nhi. Đối với trường hợp bất thường về nước ối (dư ối hoặc thiếu ối) cần phải kiểm tra các vấn đề về dị tật thai nhi.

Ngoài nước cam, mía, sinh tố, bạn có thể uống nước yến, nước ép trái cây.

Trương Mỹ Duyên – 25 tuổi, Q.12, TPHCM

Thưa bác sĩ, năm nay tôi 25 tuổi mang thai lần đầu. Khi thăm khám ở tuần 33 thì em bé nặng 2085gram. Cân nặng thai nhi như vậy có bình thường không ạ? Và sao cứ 1 tháng đi siêu âm ngày dự sinh lại tụt xuống khoảng 5 ngày.

Bà bầu tăng cân khi mang thai bao nhiêu là đủ trong từng giai đoạn thai kỳ, thưa bác sĩ?

BS.CKI Quách Văn:

Duyên thân mến,

Em bé 33 tuần nặng 2085gram là hợp lý. Ngày dự sinh chỉ tính một lần duy nhất trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Trong những tháng cuối của thai kỳ, em bé sẽ phát triển rất thay đổi nên ngày dự sinh sẽ không được tính vào thời điểm này. Nếu bé tăng cân nhiều, lớn nhiều so với tuổi thai, thì ngày dự sinh sẽ sớm hơn. Ngược lại, nếu bé nhỏ, nhẹ cân, thì ngày dự sinh có thể trễ hơn.

Trần Yến Linh – Hà Nội

Khi tôi có bầu 14 tuần tôi có hiện tượng bong nhau thai 5mm. Bác sĩ cho tôi tiêm nội tiết và uống giảm co cũng như nghỉ ngơi 10 ngày. Sau 10 ngày tôi khám lại thấy hiện tượng đó không còn. Vậy tôi rất lo lắng quá trình còn lại nửa chặng đượng tiếp theo của tôi. Xin bác sĩ cho lời khuyên để giúp tôi mẹ tròn con vuông và an toàn nhất. Tôi xin cảm ơn.

BS.CKI Quách Văn:

Yến Linh thân mến,

Sau khi tái khám, hiện tượng bong nhau không còn, điều này có nghĩa là em bé của bạn đã phát triển bình thường và an toàn. Bạn không nên lo lắng quá. Việc lo lắng và stress quá mức sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi.

Thu Hà – TPHCM

Tôi 32 tuổi đang mang bầu em bé thứ 2 được 20 tuần sức khỏe bình thường. Hiện tôi cao 1m60 nặng 51kg, tăng 6kg từ khi mang bầu. Em bé trong bụng bắt đầu tuần thứ 18 là đạp rất mạnh. Mấy hôm nay do thời tiết mưa nắng thất thường nên tôi bị nấm âm đạo. Tôi đặt thuốc Canesten vào âm đạo mỗi tối trước và bôi thuốc mỡ Calcrem theo chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa.

Vậy cho tôi hỏi liệu dùng thuốc trên có ảnh hưởng gì tới em bé không? Và dùng trong 8 ngày 8 viên có khỏi được hay không? Nguyên nhân vì sao bị bệnh trên? Cách khắc phục như thế nào?

Chân thành cảm ơn bác sĩ.

BS.CKI Quách Văn:

Chào bạn Thu Hà,

Do môi trường, khí hậu của Việt Nam thường ẩm thấp nên nấm dễ phát triển, đặc biệt là ở thai phụ, sức đề kháng của họ giảm, do đó dễ bị nhiễm nấm hơn.

Việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là an toàn. Bạn không cần phải băn khoăn nhiều quá. Bạn có thể rửa và mặc quần áo thoáng mát để hạn chế tình trạng nhiễm nấm.

Nguyễn Hồng Đào – TPHCM

Em chào bác sĩ ạ, trước đó em có tiêm vắc xin cúm. Bây giờ em đang mang thai được 10 tuần thì đến lịch tiêm nhắc lại vắc xin. BS cho em hỏi em đang mang thai có thể tiêm nhắc vắc xin cúm được không ạ, có ảnh hưởng gì đến thai nhi không ạ. Mong BS tư vấn giúp em.

BS.CKI Quách Văn:

Bạn Hồng Đào thân mến,

Việc tiêm vắc-xin cúm ở thai phụ không có chống chỉ định, không ảnh hưởng đến thai nhi, thậm chí còn được khuyến khích tiêm ở thai phụ. Bạn hoàn toàn có thể tiêm tiếp.

Bạn đọc Bình Minh – Đà Nẵng

Chào bác sĩ, em năm này 29 tuổi, trước khi phát hiện mang thai em có sử dụng thuốc amilavil, MAGNESI – B6 470mg, Sedtyl (Desloratadin 5mg). Khi phát hiện có thai thì em đã dừng thuốc. Mong BS tư vấn giúp em liệu như vậy có ảnh hưởng tới thai nhi không ạ. Trân trọng cảm ơn BS.

BS.CKI Quách Văn:

Bạn thân mến,

Việc uống thuốc đã xảy ra rồi, bạn nên khám thai và tầm soát các dị tật thai kỹ hơn là được. Thuốc có thể ảnh hưởng đến thai, tuy nhiên không phải khi dùng thuốc là thai chắc chắn bị dị tật.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Khoa Phụ sản, Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TPHCM

ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8424 – 8402) để gặp nhân viên tư vấn

Website: www.cih.com.vn

Facebook: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity/

 

ĐƠN VỊ BẢO HIỂM

Đặt lịch hẹn

Thông tin khách hàng

Chọn chuyên khoa

Ngày giờ ưu tiên

Bằng cách nhấn nút Đăng ký, tôi xác nhận đã đọc và đồng ý với các Chính Sách Quyền Riêng Tư.

Đặt lịch khám

Góp ý