2018-10-16 04:00:29
Thứ ba, 16/10/2018 |
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số mắc sốt xuất huyết trong các tuần gần đây có xu hướng tăng, chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung.
Theo báo cáo của Sở Y Tế, dịch sốt xuất huyết không chỉ báo động ở Việt Nam mà còn là báo động đỏ với các nước trên thế giới. năm 2017, Châu Mỹ có mức giảm mắc SXH đáng kể từ 2.177.171 trường hợp trong năm 2016 giảm xuống còn 584.263 trong năm 2017, tương đương giảm 73%. Panama, Peru và Aruba là những nước duy nhất báo cáo có gia tăng ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2017 nhưng số ca sốt xuất huyết nặng giảm 53%. Trong quý 1/2018, các nước này tiếp tục giảm 27% so với cùng kỳ năm 2017. Nhưng đầu năm 2018, Paraguay và Argentina đã báo cáo bùng phát dịch sốt xuất huyết. Khu vực Tây Thái Bình Dương báo cáo đã bùng phát SXH ở một số quốc gia với sự lưu hành các mẫu huyết thanh DEN-1 và DEN-2.
Năm 2018, dịch sốt xuất huyết đã được báo cáo từ Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Malaysia Pakistan, Philippines, Thái Lan và Yemen.
Như vậy, ước tính có khoảng 500.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết nặng cần nhập viện điều trị mỗi năm và có khoảng 2,5% trường hợp tử vong. Số ca SXH nặng tử vong đã giảm 28% từ năm 2010 đến năm 2016 với sự cải thiện đáng kể năng lực quản lý ca bệnh ở cấp độ quốc gia.
Thời tiết giao mùa, đặc biệt là mùa mưa làm tăng khả năng mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng WHO cảnh báo dịch sốt xuất huyết đang lan rộng. Thống kê trong 09 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 11 trường hợp tử vong tại Bình Dương (2), Đồng Nai (2), Bình Phước, Cà Mau, Khánh Hòa, An Giang, Bình Định, Trà Vinh và thành phố Hồ Chí Minh.
10 tỉnh, thành phố có số mắc tích lũy /100.000 dân cao nhất cả nước: Bình Dương, Đà Nẵng, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Gia Lai, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh. Tỷ lệ mắc/100.000 dân của cả nước là: 66,6. Kết quả xét nghiệm cho thấy: xuất hiện cả 4 type virus lưu hành với tỷ lệ 32,4% D1, 46,6% D2, 0,2% D3, 20,8% D4.
Trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác tại các địa phương do sốt xuất huyết là bệnh lưu hành ở mức cao. Thời điểm bắt đầu từ mùa mưa (từ tháng 5 – tháng 11) ghi nhận số mắc gia tăng theo thống kê hàng năm, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine chưa được sử dụng tại Việt Nam.
Tập quán trữ nước tại nhiều địa phương cùng với đô thị hóa gia tăng nhanh chóng nguy cơ xảy dịch là rất lớn. Việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như diệt lăng quăng (bọ gậy), phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số mắc, tử vong là rất cần thiết.
Bác sĩ Nguyễn Bạch Huệ – Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế City.
Bác sĩ Nguyễn Bạch Huệ – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế City cho biết, những ngày gần đây cô còn gặp những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng như trường hợp một bé trai 8 tuổi được đưa vào viện khi sốt, chảy máu cam, xuất huyết dưới da, tiêu hóa và sốc. Ngoài ra, sốt xuất huyết dạng não cũng là trường hợp đáng lưu ý.
“Việc bị sốt xuất huyết không được chủ quan do có thể bị nặng dẫn đến biến chứng. Đáng lo ngại là biến chứng viêm não, viêm màng não. Bởi những biến chứng này sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, để lại di chứng về sau nếu như không được chữa trị kịp thời”, bác sĩ Bạch Huệ chia sẻ.
Sốt xuất huyết là bệnh có thể khỏi sau 5 – 7 ngày, khi những cơn sốt dừng lại. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bị biến chứng và nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến tử vong rất nhanh. Đặc biệt trong số những biến chứng có biến chứng do viêm não. Ngoài ra, huyết tương nếu bị thoát ra khỏi thành mạch cũng gây nguy hiểm cho người bệnh. Thậm chí, xuất huyết do biến chứng có thể dẫn đến chảy máu bên trong, chảy máu các cơ quan vùng bụng và thậm chí chảy máu não rất nguy hiểm.
Những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết
Người bệnh sốt xuất huyết thường trải qua giai đoạn bệnh nguy hiểm từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Những dấu hiệu bị bệnh nặng được đưa vào khám bệnh thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện như: vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, nhỏ; huyết áp bị kẹt với hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg; huyết áp bị tụt hoặc không đo được; lượng nước tiểu ít. Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng.
Bên cạnh đó, dấu hiệu xuất huyết dưới da được biểu hiện với các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc được biểu hiện với hiện tượng chảy máu mũi, lợi; đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Dấu hiệu xuất huyết nội tạng có thể thấy ở hệ tiêu hóa, phổi, não; đây là dấu hiệu nặng. Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy phủ tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không bị sốc, vì vậy trên thực tế lâm sàng cần cảnh giác.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được. Vì vậy, ngành y tế cùng phối hợp với cộng đồng người dân thực hiện công tác giám sát, phòng chống bệnh một cách chặt chẽ.
Bác sĩ Nguyễn Bạch Huệ khuyến cáo, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp; mọi sự chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong khi có những biến chứng trầm trọng xảy ra.
Hoạt động mũi nhọn tại Khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế City
|
Quý khách vui lòng liên hệ:
Khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế City
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
ĐT: (8428) 6280 3333 (Bấm phím 8158) để gặp nhân viên tư vấn.
Website: www.cih.com.vn.