Trầm cảm sau sinh: Những vấn đề phụ nữ cần biết

2018-07-27 03:58:30

Buổi giao lưu trực tuyến do Báo Phụ Nữ và Bệnh viện Quốc tế City phối hợp tổ chức vào 26/07/2018 với sự tham gia của Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến và Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy.

Với cuộc sống hiện nay, việc chăm sóc sức khỏe mẹ bầu và trẻ sơ sinh không hề dễ dàng. Mẹ bị trầm cảm thì chiều cao của trẻ sơ sinh đối diện nguy cơ thấp hơn gấp 3 lần ở tháng thứ 3 và tháng thứ 6 so với trẻ có mẹ không bị trầm cảm. Bà mẹ bị trầm cảm có khả năng cho bé ngừng bú sớm, do đó trẻ dễ bị mắc các bệnh tiêu chảy, truyền nhiễm cao hơn.

Dưới đây là những câu hỏi hay về trầm cảm sau sinh bạn đọc gửi về cho chương trình được Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Mai Thy – Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Quốc tế City giải đáp.

* Trầm cảm sau sinh là gì?

Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:

– Trầm cảm sau sinh là loại trầm cảm bạn có thể mắc phải sau khi sinh. Nó có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên của bé, nhưng phổ biến nhất là trong 3 tuần đầu tiên sau khi sinh.

Nếu bị mắc chứng này, bạn sẽ có cảm giác buồn, vô vọng và tội lỗi vì bạn cảm thấy không muốn gắn kết hoặc chăm sóc con bạn.

Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến các bà mẹ sinh con lần đầu, bạn có thể mắc bệnh này ngay cả khi không mắc nó ở những lần sinh đẻ trước.

* Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu?

Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:

– Tùy vào từng trường hợp, bệnh trầm cảm sau sinh có thể kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm. Nếu không được chữa trị và tác động kịp thời bệnh sẽ trở nên ngày càng nguy hiểm, thậm chí có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Trầm cảm có thể chia làm 3 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1:

Đây là giai đoạn nhẹ nhất của rối loạn trầm cảm. Ở giai đoạn này bạn sẽ không nghĩ mình đang mắc bệnh mà nghĩ rằng đây là tâm trạng buồn bã và suy nghĩ tiêu cực nhất thời mà thôi. Nhưng nếu những suy nghĩ tiêu cực kéo dài bạn sẽ có xu hướng bộc lộ sự tiêu cực rõ ràng hơn, mất sự hứng thú với những món ăn bạn thích, chương trình truyền hình bạn hay xem, những thói quen từng làm bạn vui,… Bạn cảm thấy mọi thứ thật nhạt nhẽo thậm chí bạn cảm thấy chán ghét bản thân mình.

Trầm cảm khiến bạn mất ngủ, hoặc ngủ rất nhiều, biếng ăn, hoặc ăn uống vô độ. Nó khiến lối sống và cách sinh hoạt của bạn bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.

Ở giai đoạn này, bạn trở nên khép kín hơn, không còn muốn gần gũi người khác, kể cả những người thân quen. Bạn chỉ thực sự thoải mái khi ở một mình và điều đó càng khiến tình trạng trầm cảm của bạn trở nên nặng hơn.

Giai đoạn 2:

Sau một quá trình trầm cảm dài của giai đoạn 1, cơ thể bạn đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tâm trạng buồn bã, không ngủ, những bữa ăn không điều độ, cơ thể bạn trở nên trì trệ hơn.

Đồng thời não bộ của bạn cũng bắt đầu giảm sản xuất hormone serotonin – hormone gây hạnh phúc. Cho đến một ngày, bạn không còn nhớ cảm giác hạnh phúc diễn ra như thế nào.

Bạn không còn niềm tin, hi vọng về một tương lai mà bạn đã từng nghĩ đến. Những điều đẹp đẽ dần trở nên xa vời với những người trầm cảm giai đoạn này. Nếu bạn từng mất mát, bạn sẽ luôn cho rằng mình sẽ không bao giờ vượt qua được. Ở giai đoạn này, bạn cảm thất cuộc đời sầu thảm bi đát mà bạn dần trở nên chán ghét.

Giai đoạn 3:

Theo thống kê, gần 50% người mắc bệnh trầm cảm có nguy cơ tự sát. Cho dù bạn từng yêu đời, từng ngập tràn sức sống như thế nào đi chăng nữa, nếu đã đến giai đoạn này của bệnh trầm cảm, bạn sẽ không đủ tỉnh táo để nhớ cuộc đời bạn vốn tuyệt như thế nào. Điều duy nhất bạn nghĩ đến đó là làm sao thoát khỏi cuộc sống toàn nỗi buồn, mất mát, tăm tối và khổ đau này. Bạn sẽ không còn tin vào tương lai, bạn cũng không còn tin là mình có thể hạnh phúc trở lại và muốn giải thoát bản thân.

 

* Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh?

Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:

– Thay đổi về nội tiết: Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen góp phần gây nên. Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.

Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc. Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân.

Khó khăn trong chăm sóc bé. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân. Yếu tố di truyền: trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ bệnh cao.

* Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán trầm cảm sau sinh?

Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:

– Bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về những cảm xúc, suy nghĩ và sức khỏe tâm thần để phân biệt giữa trường hợp buồn bã ngắn hạn sau sinh và dạng nặng hơn của bệnh trầm cảm. Đừng xấu hổ, bạn hãy chia sẻ các triệu chứng của bạn với bác sĩ để thiết kế một kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn.

Để đánh giá tình trạng của bạn, bác sĩ có thể:

Yêu cầu bạn trả lời bộ câu hỏi sàng lọc về trầm cảm
Xét nghiệm máu để xác định xem sự hoạt động của tuyến giáp
Các xét nghiệm khác giúp loại trừ các nguyên nhân khác

* Sự khác nhau giữa chứng “buồn lo sau sinh”, trầm cảm sau sinh và rối loạn trầm cảm?

Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:

– Nhiều phụ nữ mắc hội chứng buồn lo sau sinh sau vài ngày em bé chào đời. Nếu bạn mắc hội chứng này, bạn có thể biểu hiện những triệu chứng sau:

  • Tâm trạng thất thường
  • Cảm thấy buồn bã, lo âu hay choáng ngợp
  • Khóc lóc triền miên
  • Chán ăn
  • Khó ngủ

Chứng buồn lo sau sinh hầu hết sẽ biến mất chỉ trong một vài ngày hoặc một tuần. Những triệu chứng biểu hiện không quá nghiêm trọng và không cần thiết phải điều trị.

Những triệu chứng của chứng bệnh trầm cảm sau sinh kéo dài lâu hơn và nghiêm trọng hơn. Chứng trầm cảm sau sinh có thể xảy đến ở bất cứ thời điểm nào trong năm đầu tiên bạn sinh em bé. Nếu bạn mắc phải chứng bệnh này, bạn có thể biểu hiện ra những triệu chứng được liệt kê bên trên. Những triệu chứng khác cũng có thể là:

  • Có ý định làm tổn thương em bé
  • Có ý định làm tổn thương bản thân mình
  • Không hứng thú với con mình
  • Chứng trầm cảm sau sinh cần được bác sĩ điều trị.

Nguy cơ mắc chứng rối loạn trầm cảm sau sinh vô cùng hiếm hoi. Cứ 1.000 ca sinh nở thì chỉ có khoảng 1 dến 4 ca thai phụ mắc chứng rối loạn trầm cảm sau sinh. Chứng bệnh này sẽ bắt đầu biểu hiện vào hai tuần đầu tiên sau khi sinh em bé. Những phụ nữ mắc chứng rối loạn lưỡng cực hay vấn đề sức khỏe tinh thần khác hay còn được gọi là chứng rối loạn tâm thần phân liệt có nguy cơ cao hơn mắc phải chứng rối loạn trầm cảm sau sinh. Những triệu chứng có thể là:

  • Nhìn vô định
  • Rối bời
  • Thay đổi tâm trạng một cách chóng mặt
  • Cố làm tổn thương bản thân cũng như em bé

* Những đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm sau sinh?

Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:

– Tiền sử bị bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ lập lại 50%. Tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ, nguy cơ trầm cảm sau sinh 25%. Ngưng dùng thuốc chống trầm cảm lúc mang thai, 68% rơi vào trạng thái trầm cảm, nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% bị trầm cảm.

Những sự kiện gây căng thẳng trong thời gian trước: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp.

Thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia xẻ của người thân, đặc biệt là người chồng.

Mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn với mẹ chồng.

Thai kỳ không mong muốn.

Biến chứng thai kỳ: thai lưu, sẩy thai.

Trầm cảm dễ xuất hiện ở người con so, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở con rạ.

* Điều trị bệnh trầm cảm sau sinh như thế nào?

Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:

– Điều trị bệnh trầm cảm cần được kết hợp với nhiều biện pháp khác nhau như: liệu pháp tâm lý, liệu pháp hormon, thuốc chống trầm cảm.

– Liệu pháp tâm lý bao gồm tâm lý cá nhân hoặc tâm lý nhóm: Đây là liệu pháp không cần sử dụng đến thuốc, không sợ ảnh hưởng đến trẻ nếu bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ vì thế thường được lựa chọn đầu tiên.

– Liệu pháp hormon bao gồm sử dụng estrogen thay thế. Hormon estrogen được sử dụng kết hợp với thuốc chống trầm cảm.

– Đối với những trường hợp nặng, bà mẹ không thể chăm sóc được bản thân và con thì cần sử dụng thuốc chống trầm cảm tuy nhiên nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ thì cần có sự cân nhắc giữa lợi ích của việc dùng thuốc điều trị với tác dụng phụ mà thuốc có thể gây ra. Vì vậy nếu tiếp tục cho con bú và phải có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

* Em mới sinh bé, nhưng người em cảm thấy dơ lắm. Nhưng mẹ chồng bảo cử đến 3 tháng không tắm gội. Cho em hỏi bao lâu thì có thể tắm gội được ạ? (Vũ Thị Nu – Sóc Trăng)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Một số quan niệm của người xưa cho đến hiện tại khoa học chứng minh là có một số quan niệm chưa đúng. Ví dụ như trường hợp giữ vệ sinh sau khi sinh. Đặc biệt với trường hợp sinh mổ, càng phải giữ vệ sinh để vết mổ không bị nhiễm trùng. Em nên tắm sớm để vết mổ được giữ sạch sẽ. Tuy nhiên, nên tắm vào ban ngày với nước ấm, sấy tóc khô để tránh trường hợp bị cảm lạnh.

* Trầm cảm sau sinh có dấu hiệu như thế nào, làm sao để thoát khỏi nó thưa bác sĩ? Càng gần đến ngày sinh em càng lo lắng, hay mệt mỏi, thỉnh thoảng nghĩ tiêu cực, em có cần dùng thuốc an thần cho dễ ngủ không? Em sợ mình mắc bệnh này sẽ gây hại cho con mình. (Phạm Thị Ánh Xuân – Đồng Nai)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Trầm cảm sau sinh có thể biểu hiện trong những tháng cuối của thai kỳ cho đến vài tuần đầu sau sinh. Triệu chứng có thể ở mức độ nhẹ như cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ đến những biểu hiện nặng hơn như kích động hoặc thậm chí có ý nghĩ tự tử.

Tuy nhiên, những biểu hiện mệt mỏi, lo lắng có thể chỉ thoáng qua sau sinh, tình trạng này không phải là trầm cảm sau sinh, nó là đáp ứng bình thường của cơ thể.

Với tình trạng của em, có thể chỉ là những thay đổi bình thường. Tuy nhiên, tốt nhất em vẫn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và tư vấn kỹ.

* Bác sĩ ơi! Em vừa sinh con được 2 tháng, bé bú sữa mẹ hoàn toàn. Bé không tăng ký nhiều, tháng đầu tăng được 900gr, tháng này lên có 400gr. Như vậy có sao bác sĩ. Bé vẫn bú ngoan, ngủ ngoan. Em có việc đi ra ngoài, vắt sữa để ở nhà cho bé ti bình mà chồng em bảo là bé không chịu ti bình mà khóc khản giọng, gọi em về tức tốc. Tại sao vậy bác sĩ, em thấy con người ta ti bình dễ ợt hà. (Lê Hoàng Yến – Hà Nội)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Đây cũng là tình trạng bình thường của các bé nếu bé hoàn toàn bú mẹ. Núm vú của mẹ thường mềm và khi được bú mẹ bé cảm giác an toàn và quen thuộc hơn.

Nếu em phải chuẩn bị đi làm trở lại, cách tốt nhất nên tập cho bé bú mẹ xen kẽ bú bình để bé quen dần với việc bú bình.

Bác sĩ Mai Thy ơi! Em đang có ý định mang thai, đi khám bác sĩ thì được yêu cầu phải bổ sung sắt trước để tránh bé bị não úng thủy và dị tật ống thần kinh. Em hay quên uống bữa đực bữa cái có sao không vậy? Đi thăm mấy bé trong một trung tâm nuôi trẻ bị bỏ rơi ở Gò Vấp, thấy số lượng bé bị đầu to mà hãi quá. (Nguyễn Ngân – TP.HCM)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Tật não úng thủy và dị tật ống thần kinh ngoài nguyên nhân do thiếu sắt còn do một số nguyên nhân khác như sử dụng một số thuốc chống động kinh. Em không nên quá lo lắng nhưng phải cố gắng uống sắt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và khám thai định kỳ.

* Tôi thường nghe rất nhiều về hiện tượng trầm cảm sau khi. Làm sao để có thể nhận biết được người phụ nữ đó đang bị trầm cảm. Vợ tôi vừa mới sinh được ba tháng, nhà có 2 vợ chồng nên hai vợ chồng tôi trực tiếp chăm con. Mới đây, thấy nàng bỏ con dao trong tủ lạnh, có lúc thấy nàng mở tủ lạnh ra và đứng trước tủ lạnh mở cả lúc mà không thấy làm gì. Hỏi thì nàng bảo là em định làm gì mà quên mất. Vợ tôi không có biểu hiện gì buồn bã, cũng cười nói bình thường. Vậy việc bỏ bậy đồ trong tủ lạnh đó có phải là trầm cảm sau sinh không? (Nguyễn Quang Minh – Đà Nẵng)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Hay quên và nhầm lẫn đồ đạc là do sự kém tập trung. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hơn hai tuần sau sinh, có thể là một trong những triệu chứng ban đầu của trầm cảm sau sinh. Vợ anh đã sinh được 3 tháng mà vẫn còn hay quên, anh có thể đưa chị đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra kỹ hơn. Nhưng cũng đừng lo lắng quá vì vợ anh vẫn vui vẻ, bình thường.

* Em vừa sinh con xong, nhưng không có sữa. Mẹ chồng ngày nào cũng hầm giò heo đu đủ cho em ăn, nhưng em ngán món đó lắm. Giờ em phải làm sao? (Trần Thảo Vi – Bến Tre)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Em có thể dùng thêm một số phương pháp khác để hỗ trợ thêm. Ví dụ như cho bé nút đầu vú thường xuyên (vì khi kích thích đầu vú cơ thể mẹ sẽ tiết ra một hoc-môn tăng cường tiết sữa), em cũng có thể massage bầu ngực để tăng cường sự giãn nở của các tuyến sữa. Lưu ý, một số tình trạng như thiếu ngủ, căng thẳng cũng làm hạn chế sự tiết sữa. Em nên kiên nhẫn thực hiện các biện pháp này.

* Bác ơi. Bé nhà con gần 4 tháng, con vẫn bổ sung vitamin D cho bé hằng ngày, nhưng không hiểu sao mấy ngày gần đây bé ra mồ hôi trên đầu rất nhiều, ướt tóc, ướt gối luôn ạ. Trời thì mưa, hơi se se lạnh chứ không nóng, mà con bật quạt nữa nhưng vẫn ra rất nhiều mồ hôi. Có phải bé thiếu chất gì không ạ? (Phạm Thị Phương – Huế)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Đây là triệu chứng của thiếu canxi.

Cố gắng cho bé bú sữa mẹ, phơi nắng. Nếu tình trạng nặng hơn kèm theo các cơn gồng người (thậm chí có những cơn nặng hơn làm bé ọc sữa, khóc thét) em nên đưa bé đến chuyên khoa dinh dưỡng để khám.

* Thưa bác sĩ, có loại thuốc nào để người mẹ có thể uống để ngừa cơn trầm cảm sau sinh không? Nếu uống vào có tác hại với em bé đang bú sữa không? (Nguyễn Duy Quang – Khánh Hòa)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Để phòng ngừa trầm cảm sau sinh, chúng ta cần:

– Trong thai kỳ: nên theo dõi sát những triệu chứng và dấu hiệu của trầm cảm. Nên thực hiện bộ câu hỏi sàng lọc về trầm cảm trong thai kỳ và ngay sau sinh.

– Sau khi sinh: bác sĩ khuyên nên kiểm tra sớm các dấu hiệu của trầm cảm.

– Trong thai kỳ và sau khi sinh cần hạn chế tối đa những tình trạng gây nên căng thẳng, mệt mỏi cho người mẹ (nên có sự giúp đỡ của người thân trong việc chăm sóc bé).

Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc chống trầm cảm vì có thể gây ảnh hưởng tới bé (tất cả các thuốc chống trầm cảm đều tiết qua sữa mẹ).

* Thưa bác sĩ, thời gian tắm để em bé hấp thu vitamin D là buổi sáng sớm, nhưng em thường rất khó dậy sớm. Em có đọc trên mạng thông tin là tắm nắng vào 4-5g chiều cũng vẫn có vitamin D, em không biết có chính xác không ạ? (Đặng Hải Yến – Hà Nội)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Chỉ nên tắm nắng cho bé vào buổi sáng sớm vì ánh nắng mặt trời nhờ có tia hồng ngoại giúp chuyển hóa vitamin D thành canxi cho bé. Tuy nhiên, ánh nắng mặt trời còn có tia tử ngoại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé (tia này thường xuất hiện vào khoảng sau 10g sáng).

* Em dâu của tôi có thai lần đầu nhưng lại bị lưu ở tuần thứ 8. Nay em đang để có em bé lại, nhờ BS tư vấn giúp dinh dưỡng và uống thuốc bổ như thế nào để chuẩn bị sức khỏe thật tốt. (Nguyễn Bảo Châu – Bình Dương)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Thai lưu do nhiều nguyên nhân: bất thường bẩm sinh do bản thân thai nhi, sự mệt mỏi cơ thể mẹ, dinh dưỡng kém… Cần kiểm tra sức khỏe của mẹ và bố trước khi mang thai (xét nghiệm tiền sản). Dinh dưỡng chỉ là một phần. Đối với cơ thể mẹ khỏe mạnh, không có bệnh lý gì đặc biệt chỉ cần ăn uống đầy đủ các nhóm dinh dưỡng (tinh bột, đạm, lipid, vitamin và khoáng chất) và có chế độ nghỉ ngơi sinh hoạt lành mạnh.

* Vợ tôi bị trầm cảm sau khi vợ sinh. Vợ chửi suốt ngày, đụng gì cũng la. Tôi chịu đựng dữ lắm nhưng giờ cảm thấy chán mọi thứ. Xin bác sĩ cho lời khuyên. (Cao Văn Huỳnh Mến – Vũng Tàu)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến bản thân người phụ nữ và cả người chồng, đứa bé sinh ra.

Cả hai vợ chồng nên đến bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán chính xác mức độ trầm cảm để có chế độ điều trị thích hợp.

* Tôi sinh xong, chồng có vợ bé. Nghĩ đến chồng, nhìn con, tôi đau. Mỗi lần vậy, tôi lấy dao lam rạch tay thì thấy đỡ đau. Bác sĩ cho em lời khuyên có nên đoạn tuyệt với chồng? Tôi thương ảnh lắm. (Nguyễn Thị Quỳnh – An Giang)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Tình trạng của bạn là một trường hợp khẩn cấp nên đi đến bệnh viện ngay để được chữa trị. Tự làm hại bản thân là một dấu hiệu rất nặng của trầm cảm. Bạn nên báo ngay với người nhà (mẹ, anh chị em ruột).

Khi bạn được chữa trị, tinh thần sẽ bình tĩnh trở lại rồi lúc đó sẽ quyết định làm những việc khác.

* Mẹ chồng bắt tôi phải về nhà mẹ tôi đẻ. Tôi lại thích đẻ nhà chồng, để chồng lo. Tôi lo quá, bé dự sinh ngày 26/8. (Khổng Lan Trinh – Hà Giang)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Em nên về nhà mẹ ruột để sinh đặc biệt nếu là con so. Vì sau sinh sẽ có rất nhiều yếu tố cần sự giúp đỡ của gia đình mẹ ruột để tránh rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng sau sinh.

* Xin bác sĩ cho biết làm cách nào để phát hiện sớm trầm cảm sau sinh? (Đỗ Hạnh Hân – Trà Vinh)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Theo Trung tâm Mayo Clinic, Hoa Kỳ, tất cả phụ nữ trong thai kỳ nên được tầm soát trầm cảm ít nhất một lần. Nên theo dõi sát trước và ngay sau sinh, đặc biệt khi tình trạng mệt mỏi, buồn phiền, lo lắng kéo dài quá hai tuần sau sinh. Khi đó, nên đưa sản phụ đến gặp bác sĩ.

Tại bệnh viện, các bà mẹ sẽ được sàng lọc bằng bộ câu hỏi và các xét nghiệm cần thiết khác.

* Tại Bệnh viện Quốc tế City, có những phương tiện gì để giúp chẩn đoán và điều trị bệnh trầm cảm sau sinh? (Lê Thanh – Thanh Hóa)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Tại Bệnh viện Quốc tế City, bác sĩ sẽ:

– Thực hiện bộ câu hỏi sàng lọc theo các tiêu chuẩn của DSM 5.

– Xét nghiệm máu kiểm tra hoocmon tuyến giáp.

– Một số các xét nghiệm khác để tầm soát các bệnh lý đi kèm tùy từng trường hợp cụ thể (chụp cộng hưởng từ não nếu có tình trạng đau đầu nhiều đi kèm…).

* Tại sao bé bú mẹ thường lên cân ít hơn bé bú sữa ngoài thưa bác sĩ? (Trần Thu Nguyệt – Quảng Trị)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Quan niệm này chưa đúng. Tùy thuộc vào sự hấp thu chất dinh dưỡng của mỗi bé và nguồn dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Cần lưu ý, nếu bé bú sữa mẹ, do trong sữa mẹ có kháng thể nên sẽ giúp bé tăng cường sức đề kháng, ít bệnh tật.

* Bé nhà em có cơ địa dị ứng, lâu lâu ăn trứng, tôm là bị ói và tiêu chảy, vậy có nên cho bé ngưng không ăn luôn không hay tập bé ăn như thế nào để có thể quen dần với những thực phẩm bổ dưỡng này? (Nguyễn Thị Hồng Lê – Cà Mau)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Nếu bé có cơ địa dị ứng như vậy, chỉ nên tập cho bé quen dần với những thực phẩm này sau 12 tháng. Lưu ý, nên bắt đầu với những thực phẩm ít dị ứng hơn và với 1 lượng rất nhỏ tăng dần.

* Vợ tôi sinh con được 2 tuần, tuần đầu tiên vẫn hỏi han, cho con bú bình thường, nhưng từ đầu tuần này tự nhiên lại không ngó ngàng gì đến con. Bà ngoại đưa bé cho bú thì vợ thôi đẩy cháu ra suýt ngã cả hai bà cháu. Khi tôi hỏi thì cứ ngồi khóc, mặc dù tôi vẫn chăm lo từ khi vợ tôi mang thai đến bây giờ, liệu vợ tôi có bị trầm cảm sau sinh không? Bé đầu tiên vợ tôi không bị như vậy. (Nguyễn Văn Nam – Long An)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Tình trạng của vợ anh nên được theo dõi sát. Nếu tình trạng vẫn tiếp tục kéo dài sau 2 tuần nên đưa vợ đến bác sĩ khám và tư vấn. Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra ngay cả khi thai kỳ đầu bình thường.

Lưu ý: nếu vợ anh có hành vi làm hại bản thân hoặc làm hại đến bé, phải đưa đến bệnh viện khám ngay vì đây là tình trạng khẩn cấp cần được chữa trị sớm.

Giao luu truc tuyen ‘Cham soc suc khoe me bau va tre so sinh’

* Bác sĩ ơi bạn em có nói là ai bị trầm cảm sau sinh ăn thật nhiều rau muống và trứng gà sẽ hết. Em muốn hỏi bác sĩ là chữa bệnh theo phương pháp đó có hiệu quả hay không? Bác sĩ có thể tư vấn cho em một số phương pháp chữa trầm cảm sau sinh tại nhà ạ. (Tiêu Lộc Anh – Bình Dương)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Rau muống và trứng gà tuy là thức ăn bổ dưỡng nhưng chưa được nghiên cứu như là một phương pháp điều trị trầm cảm.

Bạn nên đưa người thân đến khám để bác sĩ xác định chính xác giai đoạn của bệnh mà có chế độ điều trị thích hợp.

Nếu chỉ là những thay đổi tâm lý sau sinh, bạn có thể cải thiện bằng cách:

– Hạn chế tối đa những mệt mỏi về thể chất cho bà mẹ: tạo điều kiện ngủ đủ giấc, khuyến khích tập thể dục.

– Hạn chế những mệt mỏi về tinh thần: nên ở chung với mẹ đẻ, tránh lo lắng về kinh tế…

* Tôi bị đầu ti ngắn (không phải thụt vào). Khi sanh bé đầu do thiếu kinh nghiệm nên rất vất vả khi cho bé bú dù đã làm nhiều cách. Cuối cùng đành cho bé bú ngoài. Vì vậy tôi rất buồn dẫn tới trầm cảm mấy tháng đầu. May mắn gặp bác sĩ tâm lý nên vượt qua. Lần này tôi có bầu bé thứ 2 nhưng vẫn ám ảnh chuyện cũ. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên để giải quyết vấn đề này. Tôi xin chân thành cảm ơn. Chúc bác sĩ nhiều sức khỏe. (Lâm Thị Yến – TP.HCM)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Bú mẹ là rất tốt nhưng không phải là tất cả. Rất may mắn, hiện nay có nhiều loại sữa dành cho bé đầy đủ chất dinh dưỡng.

Bạn cảm thấy ám ảnh về chuyện cũ cũng cho thấy bạn có tình trạng lo lắng. Nên tiếp tục theo dõi thường xuyên tại bác sĩ tâm lý của bạn để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

* Bác sĩ ơi! Tôi đang ở thai kỳ thứ 6, không hiểu sao dạo gần đây tôi nằm ngủ hay thấy ác mộng, kiểu như bị rơi từ trên lầu xuống đất, bị rượt đuổi mà chạy không được,… Ngủ đã không ngon mà còn thấy ác mộng nên tôi rất mệt mỏi. Làm sao có thể cải thiện tình trạng này? (Võ Thị Kim Châu – Tây Ninh)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Ở những tháng cuối của thai kỳ, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi về nội tiết tố cũng như cấu tạo về cơ thể học là ảnh hưởng đến sức khỏe. Rối loạn giấc ngủ như tình trạng của bạn là một trong những hậu quả của tình trạng này. Bạn nên chọn những bài tập thể dục phù hợp với độ tuổi của thai, dinh dưỡng hợp lý. Cần lưu ý theo dõi một số triệu chứng khác như: cảm thấy chán nản, không hứng thú với những sở thích trước đây, dễ cáu gắt… Nếu có những triệu chứng này, bạn nên hẹn gặp bác sĩ để được tư vấn thêm.

* Bác sĩ ơi! Mới đây em đọc báo Phụ Nữ Online có bài viết về một phụ nữ mang thai 7 tháng tuổi nhảy sông tự tử vừa thương vừa thông cảm. Bởi trước đây em cũng trải qua giai đoạn có bầu, sức khỏe không tốt phải nằm nhà. Đi làm quen, nằm nhà không lương mà nhận tiền chồng thì thật là khủng khiếp. May là em không sống chung với nhà chồng nên cuối cùng đã vượt qua. Chứng trầm cảm này làm sao bản thân người bị có thể hiểu và vượt qua được thưa bác sĩ? (Lê Thị Hồng Liên – Đà Nẵng)

ThS-BS Trần Thị Mai Thy:

– Trầm cảm sau sinh thường gặp sau khi sinh bé nhưng cũng có thể xảy ra ở những tháng cuối của thai kỳ.

Ở giai đoạn nhẹ, bản thân người bệnh có thể tự nhận biết được những triệu chứng (hay buồn phiền, hay khóc, lo lắng, mất ngủ hoặc ngủ nhiều…) kéo dài hơn 2 tuần sau sinh. Tình trạng này bản thân người bệnh có thể tự vượt qua được bằng cách giảm thiểu các mệt mỏi bằng thể chất, tinh thần.

Ở giai đoạn nặng hơn, với các triệu chứng nghiêm trọng hơn như tự làm hại bản thân hoặc làm hại đến em bé. Lúc này gia đình và quan trọng là người chồng phải theo dõi sát và đưa đến bệnh viện khám ngay. Ở giai đoạn này phải cần có sự hỗ trợ của các phương pháp điều trị chuyên biệt.

 

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8178) để gặp nhân viên tư vấn.

Website: www.cih.com.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity

ĐƠN VỊ BẢO HIỂM

Đặt lịch hẹn

Thông tin khách hàng

Chọn chuyên khoa

Ngày giờ ưu tiên

Bằng cách nhấn nút Đăng ký, tôi xác nhận đã đọc và đồng ý với các Chính Sách Quyền Riêng Tư.

Đặt lịch khám

Góp ý