Đầu xuân Nhâm Dần 2022, Bệnh viện Quốc tế City (CIH) đã cấp cứu thành công sản phụ bị vỡ ối sa dây rốn toàn bộ và cứu sống được em bé.  Sa dây rốn là một trong những tình huống cấp cứu tối khẩn của Sản khoa. Trong bụng mẹ, em bé sống nhờ dây rốn, dây rốn làm cầu nối đưa máu của mẹ qua nuôi dưỡng bé vì lúc này phổi bé chưa làm việc. Sa dây rốn có nhiều mức độ, riêng tình trạng sa dây rốn mà ối đã vỡ, dây rốn sa hết ra ngoài âm hộ thì vô cùng hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm, cần phải tức tốc lấy em bé ra trong tối đa 10 phút, nếu không dây rốn sẽ bị khô, bé không được tiếp máu từ mẹ sẽ nguy hiểm tính mạng.

Ngày 09/02/2022 lúc 5 giờ 40 phút, Bệnh viện CIH tiếp nhận sản phụ HNT (29 tuổi, Bình Tân – TP.HCM) nhập viện cấp cứu, toàn trạng thai phụ bị tái, mướt mồ hôi vì đau và lo lắng, thai 32 tuần đã bể nắp ối, cả một nùi dây rốn và 2 chân em bé thò ra khỏi cửa mình. Qua lời kể của chồng chị HNT, trong lúc đang ngủ chị T đột ngột bị sà nước ối ra ngoài kèm theo 2 chân bé và 1 nùi dây rốn. Chồng chị lập tức lấy khăn bịt lại và gọi taxi để đưa đến Bệnh viện . Do phải đi bộ 2 tầng lầu nên khi đến Bệnh viện dây rốn bé chỉ còn đập khá chậm 100-120 lần/ phút.

Ngay khi tiếp nhận, ekip bác sĩ trực đã nhanh chóng tiến hành khám và hội chẩn qua điện thoại cùng lúc với TS.BS. Tạ Thị Thanh Thủy – Quyền Giám đốc Y khoa & Trưởng khoa sản phụ Bệnh viện CIH. Sớm nhận định đây là trường hợp sa dây rốn hiếm gặp kèm theo sa 2 chân bé, ê kíp trực đã kịp thời dùng khăn ấm bọc lấy dây rốn cùng với 2 chân bé và kê mông sản phụ lên cao để tránh chèn ép dây rốn – đồng thời chuyển nhanh lên phòng mổ.  Tại phòng mổ, do cổ tử cung chưa mở trọn, rất nhanh và quyết đoán, Bác sĩ Trưởng khoa đã ra quyết định mổ tối khẩn để đưa bé ra ngoài ngay lập tức trong vòng 3 phút.

5 giờ 45 phút ca mổ được bắt đầu, bác sĩ đã rất khéo léo rút ngược mông và 2 chân của bé, đưa bé ra một cách an toàn. Bé nặng 2,65 kg và hoàn toàn không có biến chứng, chấn thương hoặc gãy xương. Do bé non tháng nên ê kíp bác sĩ trực nhi đã có mặt để kịp thời hồi sức cho bé, khoảng 3 phút sau bé đã tự thở được, có phản xạ, môi và cơ thể hồng hào dần. Bé được chuyển lên Khoa hồi sức nhi (NICU) chăm sóc 24h và hiện nay tất cả các chỉ số đều bình thường và khỏe mạnh.

Trao đổi với chúng tôi sau ca phẫu thuật, Ts.Bs Tạ Thuỷ cho biết bác sĩ đã rất lo lắng khi hội chẩn và chỉ đạo ca phẫu thuật này. Đây là một trong những tình huống cấp cứu sản khoa nguy hiểm và khó do áp lực về thời gian là rất lớn. Mỗi phút trôi qua, tiên lượng sống còn của bé sẽ giảm đi và nguy cơ biến chứng cho mẹ càng cao. Ngoài ra, bé ở ngôi mông với phần chân thò ra ngoài cửa mình người mẹ, cũng gây khó khăn cho bác sĩ lúc mổ lấy bé ra, nguy cơ chấn thương cho bé là rất cao nếu xử lý chuyên môn không khéo.

Đồng thời, bác sĩ  cũng nhận định đây là một trường hợp vô cùng may mắn nhờ việc người nhà đã nhanh nhạy phản ứng tình huống tốt, biết dùng khăn ướt bọc cuống rốn lại và quyết định lập tức đi đến Bệnh viện. Cũng nhờ vậy khi ekip bác sĩ trực tiếp nhận cấp cứu cho sản phụ HNT, dây rốn không bị khô và vẫn còn đập. Êkip bác sĩ trực tại Bệnh viện CIH đã tiến hành xử lý rất tốt và kịp thời cứu sống bé.

Trong thời gian nằm viện sau sinh, chồng của chị HNT đã chia sẻ: “Rất cảm ơn toàn bộ đội ngũ bác sĩ trực của Bệnh viện đã cứu vợ và con mình. Lúc đến bệnh viện, mình vừa sợ vừa lo sẽ mất con, trước đó cũng có gọi điện báo tình huống vợ bị sa dây rốn hết ra ngoài. Thực sự ấn tượng với đội ngũ y bác sĩ hành động quá nhanh chóng, phải nói cực kỳ nhanh, mình chỉ kịp nói với bác sĩ xin cứu giùm con của con, sau đó giao hết cho bác sĩ. Nhìn bác sĩ vừa xử lý khám, vừa gọi điện hội chẩn với bác sĩ Trưởng khoa, vừa chỉ định sơ cứu nhanh và chuyển mổ... mình cảm thấy yên tâm và rất cảm ơn”.

Cũng nhân ca bệnh nay, các bác sĩ của Bệnh viện CIH mong muốn những người mẹ và gia đình nên lưu ý thêm khi đã bước vào tuần thai thứ 32. Nếu như người mẹ thấy có tình trạng nước ối vỡ xòa ra, nên tìm cách đến bệnh viện sớm nhất có thể bởi vì có khả năng dây rốn đã sa trong âm đạo. Còn riêng trường hợp thấy vỡ ối mà có một nùi dây rốn sa ra ngoài cửa mình, phải lập tức dùng khăn nhúng nước ấm khoảng 38oC để bọc dây rốn trong khi di chuyển. Đồng thời sản phụ phải hạn chế đi và ngồi, chỉ nên nằm và nằm nhiều nhất có thể được. Quan trọng nhất là phải đến bệnh viện trong khoảng thời gian nhanh nhất để lấy em bé ra kịp thời và cứu sống bé. Bệnh viện tới nay đã thực hiện được nhiều clip hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ Tiền sản cũng như đi đầu trong việc tổ chức các lớp học Tiền sản khi điều kiện cho phép nhằm phổ biến kiến thức cho các bậc làm cha, mẹ tương lai.

Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (028) 6280 3333 (Máy nhánh 0) để gặp tổng đài viên.

Website: www.cih.com.vn 

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity