Sinh non là trường hợp bà mẹ mang thai sinh con trong khoảng thời gian từ hết 22 tuần, đến trước khi hết 36 tuần, đây là hiện tượng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và đứa con trong bụng.

Việc cập nhật các kiến thức phòng tránh dọa sinh non là điều mà mọi bà mẹ mang thai cần hết sức quan tâm.Ths Bs Trần Thị Kim Xuyến – Trưởng khoa sản Bệnh viện Quốc tế City sẽ chia sẻ những dấu hiệu và các biện pháp phòng tránh sinh non cho các mẹ bầu và bố có thêm kiến thức để giữ sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Nguyên nhân gây sinh non

Sinh non không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho mẹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé về sau, bé dễ suy hô hấp, chậm phát triển thần kinh, mắc bệnh phổi mãn tính…, nhất là khi sinh non được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh. Theo BS Xuyến có 3 nguyên nhân gây ra tình trạng sinh non.

Do bệnh lý của mẹ

Mẹ bị huyết áp cao, mẹ bầu sử dụng chất kích thích, do tử cung bị dị dạng, hở eo tử cung, đã qua quá trình nạo phá thai, có tiền sản sinh non, phụ nữ làm việc quá sức, bị stress quá nặng hay ở những phụ nữ mang thai có độ tuổi từ 35 trở lên thì tình trạng sinh non sẽ càng tăng.

Do thai nhi có các tình trạng bất thường như vỡ ối non, đa ối, đa thai, thai dị dạng…

Do nhau thai: Các hiện tượng như nhau tiền đạo hay nhau bong non, thiểu năng nhau thai sẽ khiến cơ thể không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi gây ra hiện tượng sinh non.

Dấu hiệu, cách đối phó với biểu hiện sinh non

Đang có thai chưa đến 37 tuần mà đã gặp phải các cơn co thắt tử cung tối thiểu được 1 tiếng đồng hồ. Các cơn co thắt diễn ra đều đặn, mỗi 5 – 10 phút/lần, kéo dài 30 giây. Khi thăm khám âm đạo, bác sĩ đã thấy cổ tử cung mở hơn 2 cm và xóa hơn 3/4… Đồng thời, âm đạo có thể xuất huyết, vỡ ối sớm, đau lưng, chuột rút…

Nếu đã có các dấu hiệu trên, theo BS Xuyến các mẹ bầu cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nhất là khi màng ối đã rách thì nguy cơ nhiễm trùng ngược dòng rất cao, cả mẹ lẫn bé còn non sẽ rất dễ bị tổn thương.

Giảm nỗi lo sinh non

Giảm nỗi lo sinh non cùng các bác sĩ sản khoa Bệnh viện Quốc tế City

Bs Xuyến cho biết, thông thường, bác sĩ sẽ xử lý bằng cách để bà bầu nằm nghiêng bên trái nhằm tăng lưu lượng máu đến tử cung, yêu cầu nghỉ ngơi tuyệt đối để tránh nguy cơ giãn tử cung; tiêm vào tĩnh mạch khoảng 500 – 1000 mg dung dịch muối cân bằng để cải thiện lượng máu, làm giảm hoạt động của tử cung; kiểm tra toàn diện sức khỏe, xem trực tràng âm đạo, cổ tử cung có co bóp tốt không… trước khi đưa ra chỉ định có cần phẫu thuật hay không.

Nếu màng ối đã vỡ, chuyển dạ là không thể tránh khỏi và bác sĩ có thể phải dùng đến thuốc giục sinh. Trong trường hợp còn duy trì được, thai phụ sẽ được chỉ định dùng thuốc trì hoãn chuyển dạ giúp phổi thai nhi có thì giờ tích tụ đủ steroid để trưởng thành. Nghỉ ngơi nhiều cũng tăng hiệu quả cải thiện lượng máu vào tử cung giúp thai nhi có đủ oxy cũng như nhận các dưỡng chất từ mẹ. Đồng thời, người mẹ cần ở lại bệnh viện để bác sĩ theo dõi tìm dấu hiệu nhiễm trùng trong trường hợp bị vỡ ối sớm cũng như tình trạng thai nhi. Điều này đảm bảo bé sinh non được chăm sóc cấp thời ngay khi lọt lòng.

Lời khuyên của bác sĩ

Kiểm soát cân nặng

Tăng cân quá nhanh và nhiều trong thai kỳ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiểu đường và tiền sản giật, những căn bệnh này đều làm tăng nguy cơ sinh non. Tăng cân quá ít lại khiến mẹ bầu có nguy cơ sinh ra những em bé bị nhẹ cân. Vì vậy việc tăng cân đúng chuẩn là vô cùng cần thiết.

Bổ sung vitamin

Chỉ cần một viên vitamin tổng hợp mỗi ngày sẽ giúp mẹ bầu không chỉ tăng cường sức khỏe tổng thế mà còn cải thiện tỷ lệ sinh non. Vitamin tổng hợp rất cần thiết với những mẹ ăn uống kém. Hoặc có thể bổ sung vitamin bằng các loại trái cây tươi. Ngoài ra mẹ bầu cũng cần bổ cung thêm canxi, magiê, sắt, quan trọng nhất, các mẹ cần bổ sung đủ axit folic.

Chế độ ăn uống cân bằng

Chế độ ăn uống cân bằng rất quan trọng với mẹ bầu và em bé để giúp chị em nạp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và giúp ngăn ngừa sinh non. Mẹ bầu cần bổ sung đủ axit béo omega-3 có trong cá hồi, trứng, quả óc chó và hạt lanh; vitamin A trong cà rốt, quả mơ và bông cải xanh; vitamin C có trong họ cam quýt, dâu, ớt chuông và vitamin E có trong các loại hạt, khoai lang và xoài.

Uống nhiều nước

Uống đủ 8 ly khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày sẽ giữ cho cơ thể được ngậm nước. Cơ thể mất nước sẽ dẫn đến các cơn co thắt sớm. Nếu mẹ bầu tập thể dục nhiều hoặc tiết trời nóng cần uống nhiều nước hơn.

Đi tiểu thường xuyên

Khi có dấu hiệu buồn đi tiểu, mẹ bầu đừng chần trừ vì để lâu sẽ rất dễ bị viêm bàng quang. Khi bị viêm bàng quang sẽ kích thích tử cung và gây ra các cơn co thắt. Ngoài ra, nhịn tiểu cũng tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu – một nguyên nhân dẫn đến các cơn co thắt.     

Đăng ký tham dự Chương trình tiền sản: "vượt cạn an toàn- sinh con khỏe mạnh".

  • Thời gian:  8h30 – 12h00, thứ bảy 10/08/2019 tại Hội Trường Lầu 4, Bệnh Viện Quốc Tế City.
  • Địa điểm: Số 3, Đường 17A, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân TPHCM (Kế bên Aeon Mall Bình Tân).
  • Chủ đề: VƯỢT CẠN AN TOÀN - SINH CON KHỎE MẠNH.
  • Diễn giả: BS CKI Quách Văn – Bác sĩ khoa sản phụ & Cử nhân hộ sinh Đào Thị Thùy Loan, Bệnh viện Quốc Tế City & Nữ hộ sinh Đào Thị Thùy Loan.
  • Cách thức đăng ký: 
    • Điện thoại: 0909 802 936
    • Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Chi tiết xem tại: https://cih.com.vn/khoa-san-nhi/1573-vuot-can-an-toan-sinh-con-khoe-manh.html

🏥 Bệnh viện Quốc tế City: Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

📞 ĐT: (028) 6280 3333 (Bấm phím 0) để gặp tổng đài viên.

🔎 Website: https://cih.com.vn/