2019-07-22 10:40:54
Làn da trẻ nhạy cảm nên cần được lau chùi sạch sau khi vệ sinh, thay tã thường xuyên, uống nhiều nước tránh khô da.
Làn da trẻ nhỏ mỏng manh hơn 30% so với người lớn, khả năng bảo vệ của da cũng kém hơn. Do các tế bào da ít, lớp sừng mỏng nên da bé dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài như môi trường, thời tiết, nhiệt độ. Không chăm sóc da bé đúng cách dễ gây ra tình trạng hăm tã, mẫn ngứa… Làn da sạch sẽ, khỏe mạnh giúp con ăn ngủ ngon, góp phần phát triển tốt trong những năm đầu đời. Dưới đây là những cách để phụ huynh chăm sóc da cho trẻ.
Ảnh minh họa.
Tắm cho trẻ đúng cách
Làm sạch là bước quan trọng khi chăm sóc da bé. Trong những ngày mới sinh, mẹ có thể tắm bé bằng nước ấm sạch. Sản phẩm tắm cần chọn loại dùng cho trẻ nhỏ, chiết xuất từ thiên nhiên, độ pH dịu nhẹ để không gây kích ứng. Trước khi tắm, mẹ nên kiểm tra nước bằng khuỷu tay hoặc nhiệt kế. Khi tắm cần làm sạch các vùng như nách, cổ, háng… Trẻ nhỏ nên tắm ở chỗ kín gió, không tắm quá lâu vì có thể bị nhiễm lạnh, nhất trong những tháng đầu. Sau khi tắm xong, mẹ lau khô kỹ, thoa dầu để giữ ấm.
Ngoài tắm hàng ngày, phụ huynh nên thường xuyên lau mặt, tay cho trẻ, nhất là khi bé bắt đầu biết mút tay. Mẹ có thể massage da nhẹ nhàng, theo chiều kim đồng hồ để con cảm thấy thoải mái, ngủ ngon hơn. Trẻ thường đổ nhiều mồ hôi ở vùng đầu, lưng cần được lau khô bằng khăn mềm. Nếu để mồ hôi đọng lại khiến da dễ bị bám bụi bẩn, gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé.
Phòng tránh khô da
Mùa hè nóng nực, khi cho trẻ nằm máy lạnh cần bật nhiệt độ thích hợp. Đừng quên cho trẻ uống nước, ăn thêm rau quả, trái cây nếu trẻ trên 6 tháng tuổi. Chế độ dinh dưỡng cân bằng cũng giúp da con hồng hào, khỏe mạnh, tăng cường khả năng tự bảo vệ.
Mùa đông thời tiết hanh khô cần lưu ý chăm sóc da bé, cắt giảm thời gian tắm, tránh để da mất nước. Nếu mùa hè mẹ có thể tắm 1-2 lần cho bé thì mùa đông chỉ nên tắm một lần. Hơn nữa, việc tắm nhiều lần trong ngày có thể khiến da bị trôi lớp bảo vệ tự nhiên, mất đi độ ẩm, làm giảm khả năng tự bảo vệ của da. Mẹ chú ý giữ ấm cho vùng tay, chân, mặt khi bé ra ngoài vào ngày lạnh. Theo bác sĩ nhi khoa, không nên sử dụng một số sản phẩm bôi trực tiếp lên da trẻ nhỏ vì có thể làm bít lỗ chân lông. Mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cho con.
Ảnh minh họa.
Hạn chế hăm tã
Trẻ dưới 6 tháng tuổi thường xuyên đi vệ sinh, có thể hơn 10 lần mỗi ngày. Mông, bộ phận sinh dục, hậu môn của bé tiếp xúc thường xuyên với phân, nước tiểu nên cần được chăm sóc kỹ. Mẹ lau chùi sạch sẽ cho con, lau từ trước ra sau, tránh làm ngược lại, nhất là với bé gái. Khi bé đi ngoài có thể dùng khăn thấm nước ấm lau sạch, lau lại bằng khăn khô, rồi mới mặc tã.
Phụ huynh chọn cho bé loại tã thấm hút tốt, thay tã thường xuyên, khoảng 4 tiếng một lần. Nếu không chú ý thay tã, làn da của bé dễ tiếp xúc với chất thải, gây kích ứng, dễ bị hăm. Khi mặc tã thường xuyên, da bé cọ xát liên tục với tã. Loại tã thô ráp còn khiến da bé mẫn đỏ, trầy xước. Tã mềm mịn, không gây kích ứng, kháng khuẩn tốt sẽ an toàn hơn cho bé. Mỗi ngày mẹ nên quan sát làn da của con, theo dõi kỹ nếu có những dấu hiệu ửng đỏ, phồng rộp, ngứa ngáy, hăm tã… Khi trẻ bị các vần đế về da cần được đưa đến bác sĩ thăm khám.
Khoa Phụ sản Bệnh viện Quốc tế City
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8424 – 8402) để gặp nhân viên tư vấn.
Website: www.cih.com.vn.