Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em

2022-03-02 02:58:20

Viêm đường hô hấp cấp hiện nay vẫn được xem là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm ở trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có hơn 4 triệu trẻ em trên thế giới tử vong vì bệnh viêm hô hấp cấp, chủ yếu do viêm phổi.

Đáng chú ý hơn, một trẻ dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp cấp 4 – 6 lần trong một năm làm ảnh hưởng đến công việc của nhiều bậc phụ huynh và là gánh nặng bệnh tật đối với xã hội.

Theo BS Chuyên Khoa 2 Nguyễn Bạch Huệ, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Quốc tế City: “Viêm đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi hầu hết do nhiễm virút, hầu hết là những loại virút lành tính, một số loại virút đáng chú ý là virút hợp bào hô hấp (RSV), virút cúm, virút á cúm, virút sởi, Adenovirus (còn gọi là virút hạch), Rhinovirus, Enterovirus, Cornavirus… Ở các nước đang phát triển như nước ta, nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn vẫn được xem là những nguyên nhân gây viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm cho trẻ em, đứng đầu là vi khuẩn Hemophilus influenzae týp b (viết tắt là Hib), kế đến là phế cầu khuẩn có tên khoa học là Streptococcus Pneumonia, liên cầu khuẩn, tụ cầu, vi khuẩn Bordetella, vi khuẩn Klebsiella pneumoniae, vi khuẩn Chlamydia trachomatis…”.

Bác sĩ Huệ cho biết, biểu hiện đặc trưng của những căn bệnh viêm đường hô hấp cấp phổ biến ở trẻ bao gồm: sốt nhẹ (38 độ c) hoặc sốt cao (39 – 40 độ c), ho khan, có đờm, ho từng cơn hoặc ho liên tục, chảy mũi, khó thở: thở rít, thở khò khè.

Các triệu chứng khác: quấy khóc, đau đầu (trẻ lớn), rối loạn tiêu hóa: nôn ói, đau bụng, chướng bụng, biếng ăn, tiêu chảy. Một đặc điểm cần lưu ý là diễn biến của trẻ từ mức độ nhẹ sang nặng rất nhanh do đó việc đánh giá, phân loại, xác định điều trị kịp thời là rất quan trọng: Viêm mũi họng; Viêm mũi xoang cấp; Viêm họng cấp; Viêm amidan; Viêm VA; Viêm thanh thiệt cấp; Viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp; Viêm phổi.

Bác sĩ Bạch Huệ khuyên các phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi trẻ có biểu hiện kém ăn, bỏ bú, sốt cao liên tục 39 độ

Chúng ta cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và cho trẻ được điều trị tích cực hơn khi thấy trẻ có một trong những biểu hiện sau: Trẻ bú kém hoặc bỏ ăn, bỏ bú; trẻ sốt cao liên tục 39oC không hạ sau khi đã cho trẻ hạ sốt tích cực; trẻ bị co giật, lừ đừ hoặc hôn mê; trẻ thở khác ngày thường: thở nhanh, thở mệt, thở co lõm ngực hoặc tím tái.

Chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp cấp tính đúng cách tại nhà như thế nào?

Đưa trẻ đi khám bác sĩ để đánh giá mức độ bệnh, hầu hết trẻ bị viêm đường hô hấp cấp thể nhẹ hoặc trung bình đều được bác sĩ chỉ định cho chăm sóc, theo dõi và điều trị tại nhà, cụ thể như: Tiếp tục cho trẻ ăn và bú; cho trẻ uống đủ nước; nếu ho nhiều khiến trẻ khó chịu quấy khóc hoặc nôn ói nhiều thì nên cho trẻ uống những loại thuốc ho an toàn, làm thông thoáng mũi theo những cách đơn giản; không cần thiết phải sử dụng kháng sinh trị liệu trong hầu hết các trường hợp, nếu phải sử dụng thì cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ điều trị.

Phòng bệnh

  • Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh.
  • Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi thời tiết chuyển mùa.
  • Không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ khi trẻ chơi hoặc ngủ.
  • Cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng Quốc gia.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
  • Giữ ấm cổ cho trẻ khi ngủ
  • Tránh nhiễm lạnh trẻ: hạn chế ăn kem / uống nước có đá
  • Không hút thuốc lá trong nhà, giữ nhà cửa thoáng – sạch.
  • Trước khi tiếp xúc với trẻ phải rửa tay thật sạch
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng – tăng sức đề kháng cho trẻ.

 Khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
ĐT: (8428) 6280 3333 (Bấm phím 8158) để gặp nhân viên tư vấn.
Website: www.cih.com.vn.

ĐƠN VỊ BẢO HIỂM

Đặt lịch hẹn

Thông tin khách hàng

Chọn chuyên khoa

Ngày giờ ưu tiên

Bằng cách nhấn nút Đăng ký, tôi xác nhận đã đọc và đồng ý với các Chính Sách Quyền Riêng Tư.

Đặt lịch khám

Góp ý