Thứ ba, 25/09/2018 |

Ngày 25/09/2018, Bác sĩ Lê Đức Thọ - Khoa Da Liễu Bệnh viện Quốc tế City đã tư vấn và chia sẻ rất nhiều thông tin bổ ích về bệnh thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) qua chương trình livestream được phát sóng vào thứ ba hàng tuần trên fanpage Bệnh viện Quốc tế City.

Bác sĩ Lê Đức Thọ có trên 35 năm kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý chuyên khoa da liễu. Bác đã khám và điều trị thành công cho rất nhiều bệnh cảnh phức tạp về da. Ngoài công tác khám chữa bệnh, Bác sĩ Lê Đức Thọ còn đóng góp rất nhiều bài viết hữu ích về sức khỏe cho cộng đồng thông qua các báo và tạp chí lớn.

Bác sĩ Lê Đức Thọ - Khoa Da Liễu Bệnh viện Quốc tế City.

Thủy đậu là bệnh gì?

Theo Bác sĩ Thọ, Thuỷ đậu hay Trái rạ (Varcella, Chickenpox) là một bệnh truyền nhiễm do Varicella-zoster virus gây ra, thường phát triển mạnh từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm. Bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp (nói chuyện, ho, hắt hơi), qua tiếp xúc và có thể bùng phát thành dịch.

Qua thời gian ủ bệnh từ 7-21 ngày, bệnh nhân có thể sốt nhẹ (38o C), ớn lạnh,có cảm giác đau nhức toàn thân, mệt mỏi, chán ăn. Một số trường hợp có thể sốt cao đến 39o-40oC và có trước những nốt hồng ban ngứa ngoài da. Sau đó, các hồng ban - bóng nước (nốt đậu) bắt đầu xuất hiện nhiều đợt ở mặt, thân mình và có thể lan đến tứ chi, niêm mạc mắt, mũi, miệng, tiêu hoá, hô hấp, sinh dục… kèm theo các triệu chứng ngứa, nuốt đau, khó thở, tiểu gắt. Các bóng nước chứa dịch trong, có nhiều độ tuổi do xuất hiện nhiều đợt, kích thước có thể thay đổi từ 3-10mm, thường lõm ở giữa và ngứa nhiều, vỡ ra sau 24-48 giờ, xẹp xuống, đóng vảy và khi lành không để lại sẹo.

Mức độ nặng của bệnh tăng theo số lượng nốt đậu và trung bình một bệnh nhân có thể có từ 250-500 nốt đậu, cá biệt có bệnh nhân rất nặng với >1000 nốt đậu.

Biến chứng của thủy đậu

Thuỷ đậu là một bệnh rất hay lây nhưng đa số trường hợp thường nhẹ và lành tính nếu không có biến chứng. Khi bệnh diễn tiến tốt, 7 ngày sau các bóng nước bắt đầu khô lại, đóng vảy.

Các biến chúng thường gặp của bệnh là: bội nhiễm sang thương da do nốt đậu vỡ hay do gãi, bệnh suyễn có sẵn có thể bị nặng thêm, viêm mô tế bào, áp xe dưới da, viêm hạch ngoại biên, viêm tai giữa, viêm khớp, nhiễm khuẩn huyết, viêm não, viêm phổi (thường gặp ở người lớn, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai - với nguy cơ tử vong rất cao).

Nếu người mẹ bị thủy đậu trong 3 tháng cuối của thai kỳ,trẻ sinh ra có thể bị sẹo ngoài da, teo cơ, chậm phát triển tâm thần. Nếu người mẹ bị thuỷ đậu 5 ngày trước khi sinh, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh là 30% và tỉ lệ thuỷ đậu sơ sinh là 17%-30%.

Ở những người có hệ miễn dịch kém, bị ung thư hệ bạch huyết,người đang dùng corticoides liều cao kéo dài…thời gian hồi phục sau thuỷ đậu kéo dài gấp 3 lần người khác và tỉ lệ tử vong lên đến 15%.

Một biến chứng khác về sau của bệnh thủy đậu là Zona, còn gọi là giời leo. Bệnh hường gây đau nhức nhiều hơn so với bệnh thủy đậu và có thể kéo dài trong nhiều năm.

Khi bị thủy đậu cần chú ý chăm sóc và điều trị đúng cách để tránh biến chứng, nhiễm trùng.

Bệnh lây truyền ra sao và điều trị được không?

Thuỷ đậu là một bệnh có tính truyền nhiễm cao và lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp hay qua không khí do bệnh nhân nói chuyện, ho, hắt hơi. Bệnh nhân thuỷ đậu có thể lây bệnh cho người khác từ 1-2 ngày trước khi các nốt đậu xuất hiện cho đến khi tất cả các bóng nuớc đóng vẩy (7-8 ngày). Bệnh có thể khởi phát từ 7-21 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Ở trẻ em, bệnh thường có diễn tiến từ 7-10 ngày và trẻ có thể phải nghỉ học đến 1 tuần để diều trị và tránh lây lan cho cộng đồng.

Bệnh do siêu vi gây ra, việc điều trị chủ yếu là làm giảm nhẹ các triệu chứng và giảm nguy cơ gây biến chứng.

Những vấn đề quan trọng cần lưu ý:

  • Không gãi, không nặn các nốt đậu vì sẽ gây bội nhiễm vi trùng. Cần cắt ngắn móng tay. Nên thoa các nốt đậu bằng dung dịch sát khuẩn xanh Methylen.
  • Có thể tắm bằng các dung dịch làm dịu cơn ngứa (Calamine) với nước ấm và dùng thuốc chống ngứa. Việc dùng gốc rạ để nấu nước tắm cho bệnh nhân trái rạ hoàn toàn không hiệu quả và có thể gây biến chứng nhiễm trùng.
  • Tuyệt đối không được dùng Aspirine hay các thuốc có chứa Aspirine (Aspegic, Algotropyl, Eftifar) để hạ sốt cho bệnh nhân thuỷ đậu vì có nguy cơ sẽ bị hội chứng Reye gây tổn thương gan-não nghiêm trọng, có thể tử vong.
  • Nên dùng các thuốc hạ nhiệt loại Acetaminophen hay Paracetamol.
  • Việc dùng thuốc điều trị đặc hiệu cho từng trường hợp cụ thể phải do các bác sĩ chuyên khoa Nhi, Truyền nhiễm hay Da liễu chỉ định. Không nên tự ý dùng thuốc, nhất là đối với các trường hợp có thể có biến chứng.
  • Nên đưa bệnh nhân đến khám bệnh và điều tri bệnh sớm trong vòng 24 giờ sau khi hồng ban xuất hiện. Việc điều trị sớm giúp bệnh mau lành, hạn chế lây lan và hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra các biến chứng.

Xem thêm Lợi ích và tầm quan trọng của tiêm phòng thủy đậu

 

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Khoa Da Liễu Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8191) để gặp nhân viên tư vấn.

Website: www.cih.com.vn.

Facebook: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity/