2018-08-13 03:24:40
VTV.vn – Trẻ béo phì là thực trạng đáng báo động mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức về béo phì ở nhiều bậc phụ huynh vẫn còn chưa đúng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa – Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM) cho biết: rất khó khăn khi phòng ngừa, chữa trị cho trẻ em béo phì vì cha mẹ không nghĩ béo phì là bệnh cũng như không biết con mình thừa cân hoặc đánh giá thấp hơn so với thực tế.
Vì không nghĩ béo phì là bệnh nên người ta chỉ đề cập đến phòng ngừa thừa cân béo phì mà không nói việc điều trị bệnh béo phì. Hay khi điều tra bữa ăn học đường, phụ huynh luôn nói con lười ăn nhưng khi so chiều cao với cân nặng thì thực tế trẻ đã thừa tới vài kg.
Trẻ có mức tăng trưởng mạnh nếu áp dụng chế độ ăn kiêng của người lớn sẽ làm trẻ không lớn, trở nên thấp lùn. Quan trọng đối với trẻ béo phì là không áp dụng chế độ ăn cưỡng ép trẻ giảm cân mà cố gắng giữ mức cân không thay đổi trong nhiều năm, suốt thời gian trẻ phát triển, hạn chế tăng cân. Bên cạnh đó, muốn tăng chiều cao cho trẻ, phụ huynh cũng phải bổ sung đủ chất. Năng lượng ăn vào phải đủ để trẻ tăng trưởng, không cho trẻ ăn những thực phẩm chứa nhiều năng lượng “rỗng” như: bánh kẹo, nước ngọt, các loại snack…
Để phòng chống béo phì, cách hiệu quả nhất là khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, trung bình cần 60 phút/ngày. Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh điều chỉnh cấu trúc bữa ăn, tránh lạm dụng đường và các chất béo.
Theo bác sĩ Hoa, thường những trẻ béo phì sức đề kháng yếu, mắc những bệnh thông thường sẽ nặng hơn trẻ có cân nặng bình thường, việc điều trị rất mất nhiều thời gian.