Đường máu bao nhiêu sẽ là “an toàn”?

2018-08-07 04:17:16

Mức đường máu “an toàn” là một khoảng đường máu tối ưu giúp cung cấp đầy đủ năng lượng cho hoạt động của cơ thể.

Khoảng đường máu “an toàn” này sẽ khác nhau và thay đổi trong suốt cả ngày tùy theo tình trạng trước ăn và sau ăn của bạn. Đặc biệt, khoảng đường máu “an toàn” sẽ khác nhau giữa người đang bị tiểu đường và người không bị tiểu đường.

Với những ai không đang bị tiểu đường, đường máu lúc đói “an toàn” khi nằm từ 70–100 mg/dl. Đường máu đo sau bữa ăn hai giờ dưới 140 mg/dl. Tuy nhiên, khoảng đường máu “an toàn” lúc đói của bệnh nhân tiểu đường sẽ từ 80–130 mg/dl và sau ăn 1–2 giờ là dưới 180mg/dl theo khuyến cáo của Hiệp Hội Tiểu Đường Hoa Kỳ. Ngày nay, con số này được khuyến khích càng thấp tương đương với mức của người không bị tiểu đường thì càng có lợi để phòng tránh những biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra. 

Ngoài mức đường máu lúc đói và sau ăn, một xét nghiệm máu được gọi là haemoglobin A1c (HbA1c, A1C) thể hiện mức đường máu trung bình trong 2–3 tháng trước đó. Đối với người bình thường, mức A1C sẽ là dưới 5.7%. Còn với bệnh nhân bị tiểu đường, mức này được khuyến khích dưới 7.0%. Với những bệnh nhân còn trẻ, mới mắc bệnh, chưa bị những biến chứng, mức A1C khuyến khích thấp hơn (6-6.5%) trong khi với những bệnh nhân già, có những biến chứng hoặc bệnh lý tim mạch đi kèm, mức A1C cao hơn vẫn chấp nhận được (<8%). 

Ngoài việc duy trì đường máu nằm trong khoảng “an toàn”, cần tránh tình trạng đường máu bị biến động, tăng giảm đột ngột vì điều này sẽ tăng nguy cơ các biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Trước đây, với xét nghiệm A1C, chúng ta không thể đánh giá được sự biến động của đường máu trong suốt cả ngày. Hiện nay, hệ thống theo dõi đường máu liên tục sẽ giúp phát hiện được và qua đó, giúp điều chỉnh chế độ điều trị một cách chính xác và tinh tế hơn.

Một điểm thắc mắc thường gặp của bệnh nhân tiểu đường là cách đọc kết quả. Theo hệ thống của Mỹ, đơn vị kết quả đường máu được tính theo milligrams/deciliter (mg/dl) trong khi theo các đọc của Canada, Úc và Anh, đơn vị này lại là millimoles/liter (mmol/L). Bạn có thể chuyển đổi con số này sang đơn vị tính của Mỹ bằng cách nhân cho 18. Chẳng hạn, nếu đường máu bạn đo là 7mmol/L, kết quả theo đơn vị của Mỹ sẽ là 126 mg/dl.

Đường máu bao nhiêu là “an toàn”?

Lúc đói

  • Người không bị tiểu đường: 70–99 mg/dl (3.9–5.5 mmol/L)
  • Bệnh nhân tiểu đường: 80–130 mg/dl (4.4–7.2 mmol/L)

2 giờ sau bữa ăn

  • Người không bị tiểu đường: < 140 mg/dl (7.8 mmol/L)
  • Bệnh nhân tiểu đường: < 180 mg/dl (10.0 mmol/L)
  • HbA1c
  • Người không bị tiểu đường: < 5.7%
  • Bệnh nhân tiểu đường: < 7.0%

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Minh Quang – Khoa Nội Tổng quát, Tiểu đường và Y học bộ gen Bệnh viện Quốc tế City.

Mọi thông tin quý khách vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
ĐT: (8428) 6280 3333 – Máy nhánh: 8494
Website: www.cih.com.vn.

ĐƠN VỊ BẢO HIỂM

Đặt lịch hẹn

Thông tin khách hàng

Chọn chuyên khoa

Ngày giờ ưu tiên

Bằng cách nhấn nút Đăng ký, tôi xác nhận đã đọc và đồng ý với các Chính Sách Quyền Riêng Tư.

Đặt lịch khám

Góp ý