2018-08-06 07:17:47
“Bệnh nhân mắc phải hen suyễn khi gặp phải các kích động về tâm lý như sợ hãi, lo âu, giận dữ… sẽ làm căng thẳng thần kinh, khiến cơn hen kịch phát, dễ dàng dẫn đến tử vong”, theo bác sĩ Lê Quốc Tú Bệnh viện Quốc tế City.
Hen suyễn là gì?
Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản (Asthma) là một bệnh lý về hệ hô hấp, gây tắc nghẽn đường thở do viêm hoặc co cơ bất thường ở các ống khí quản và phế quản. Lớp niêm mạc của các ống này bị kích thích và tiết ra các tế bào nhầy màu trắng vào khí quản, làm cho khí quản bị thu hẹp. Ở một số bệnh nhân, tình trạng này xảy ra để đáp ứng với các yếu tố kích thích như không khí lạnh, bụi, phấn hoa, khi tập thể dục, hoặc khói thuốc lá. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng rất khác nhau tùy cơ địa của các bệnh nhân.
Nguyên nhân gây bệnh
Có 3 lý do phổ biến nhất dẫn đến hen suyễn ở người và tùy mỗi trường hợp sẽ có những cách thức điều trị khác nhau:
- Viêm: Là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất làm hẹp lòng phế quản. Phản ứng viêm xuất hiện là để đáp ứng đối với sự xuất hiện của các tác nhân gây dị ứng hoặc chất kích thích. Phế quản sẽ bị đỏ, phù nề. Các mô bị viêm sẽ tiết ra quá nhiều các chất nhầy gây nghẹt trong lòng phế quản.
- Co thắt phế quản: Cơ bao bọc xung quanh phế quản bị co thắt trong cơn hen cấp tính, làm cho đường thở bị hẹp.
- Phản ứng quá mức (Quá mẫn cảm): Ở bệnh nhân bị hen phế quản, đường thở bị co thắt và viêm mạn tính trở nên nhạy cảm hơn, phản ứng mạnh hơn đối với các tác nhân gây dị ứng, chất kích thích, nhiễm trùng.
Dấu hiệu và triệu chứng
Ở bệnh nhân hen suyễn thường có các triệu chứng như sau:
- Thở nhanh: Là triệu chứng hen suyễn đầu tiên và thường thấy nhất, người mắc bệnh sẽ có dấu hiệu thở nhanh, hơi ngắn đặc biệt là khi vận động nặng như leo dốc, leo cầu thang hay mang vác nặng thì thở dốc liên tục.
- Thở khò khè: Đây là triệu chứng xuất hiện khi về đêm và trong lúc ngủ. Bệnh nhân sẽ phát ra tiếng khò khè, tiếng rít khi thở.
- Khó thở: Người bệnh thở ngắn và thường xuyên khó thở, khi ngồi và ngồi đứng cần dùng tay đỡ ngực xong kèm theo há miệng thở gấp.
- Ho: Hầu như bệnh về đường hô hấp nào cũng đều sẽ có triệu chứng ho, ở người hen suyễn thì ho có thể kéo dài, ho nhiều hơn khi về đêm sương xuống và buổi sáng khi tiết trời se lạnh hoặc vào mùa đông, khi thời tiết hanh khô.
- Nặng ngực: Đây là triệu chứng xuất hiện kèm theo những triệu chứng trên. Khi ho, hay khi thở ra thì cảm thấy ngực nặng nề như có vật gì đè lên.
Cách phòng ngừa
- Nguyên tắc trong điều trị và phòng tránh các bệnh về hô hấp nói chung và hen phế quản nói riêng là cần phải loại trừ được các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, những đối tượng không may mắc bệnh cũng cần phải giữ gìn sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch để có thể chống lại sự tấn công của bệnh hen suyễn.
- Cụ thể khi ra đường cần tiến hành đeo khẩu trang để tránh bị ảnh hưởng bởi khói bụi và các vi sinh vật nhỏ bé trong bầu không khí ô nhiễm có thể lọt vào hệ hô hấp. Cần tránh tiếp xúc với khói thuốc để không bị kích ứng niêm mạc đường hô hấp, tránh tiếp xúc với lông, vẩy hoặc da của vật nuôi, không để chúng đi vào trong đường hô hấp.
- Luôn giữ ấm cơ thể mỗi khi thời tiết giao mùa hoặc trở lạnh. Ngoài ra cần phải thận trọng khi sử dụng các loại thuốc men, cần tuân thủ đúng phác đồ mà bác sĩ đã đặt ra. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và sử dụng ngẫu nhiên nhằm tránh các hậu quả và biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra đối với sức khỏe và tính mạng của người dùng.
Điều trị bệnh hen suyễn
- Các loại thuốc dùng để điều trị hen suyễn được chia thành hai loại: Thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng.
- Thuốc cắt cơn chính là những thuốc làm mất cơn hen phế quản nhanh chóng. Các thuốc này có tác dụng trong vòng vài phút giúp làm giảm nhanh triệu chứng hen suyễn. Hiện nay, thuốc được dùng nhiều nhất là nhóm cường giao cảm beta 2, tác dụng nhanh, dạng hít (RAIBA = Rapid Acting Inhaled Beta 2 Agonist).
- Thuốc dự phòng hen suyễn là những thuốc hít chứa Corticosteroid hoặc thuốc giãn phế quản có tác dụng kéo dài. Người bệnh có thể dùng phối hợp cả loại thuốc này để nâng cao hiệu quả điều trị.
- Tất cả những ai bị hen suyễn lúc nào cũng nên có sẵn trong người thuốc dự phòng giúp ngăn ngừa cơn hen suyễn xảy ra hoặc ống thuốc hít cắt cơn hen suyễn để sẵn sàng sử dụng ngay khi thấy triệu chứng hen suyễn xuất hiện. Khi dùng đầy đủ và đều đặn, thuốc dự phòng hen suyễn làm giảm sự co thắt và hiện tượng viêm ở đường dẫn khí. Vì vậy, thuốc dự phòng hen suyễn nên được sử dụng dài hạn, thậm chí suốt đời nếu hen suyễn.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Quốc tế City
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8079) để gặp nhân viên tư vấn.
Website: www.cih.com.vn.
Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity