Người phụ nữ nhập viện trong tình trạng chân bị phù nề nặng, đau nhức không thể đi lại được. Theo lời kể của bệnh nhân, bà đã chịu cảnh phù nề chân suốt 30 năm ròng.

Ngày 17/7, Trung tâm can thiệp mạch máu, Bệnh viện Quốc tế City cho biết đơn vị vừa điều trị thành công cho bệnh nhân H.T.T.L (54 tuổi, ngụ TPHCM) thoát khỏi nguy cơ phải đoạn chi do viêm mô tế bào. Theo các Bác sĩ, bệnh nhân L. nhập viện trong tình trạng chân phù nề nặng, có dịch và mủ rất nhiều, không thể vận động được.

Bệnh nhân cho biết, bà đã phải chịu cảnh chân đau nhức, sưng to suốt 30 năm liền. Trải qua nhiều lần phẫu thuật chân vẫn không hết, chân cứ sưng to, sinh hoạt, đi lại rất khó khăn. Sau nhiều lần phẫu thuật ở các bệnh viện lớn, bệnh ở chân vẫn tái đi tái lại, chân và đầu gối sưng phù không thể co duỗi, thỉnh thoảng lại bị sốt gây đau đớn, khó khăn trong sinh hoạt.

Theo TS.BS Nghiêm Phương Thảo, Trung tâm can thiệp mạch máu Bệnh viện Quốc tế City, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phù chân ở bệnh nhân L là vì mất mô do bệnh lý mạch bạch huyết, kèm theo cơ địa chân bị suy giãn tĩnh mạch lâu năm. “Bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch dẫn đến chân bệnh nhân bị phù - to gấp 3 lần bình thường, nhiễm trùng mô tế bào - dịch và mủ ở chân tự chảy ra do bị ứ đọng nhiều. Nếu không can thiệp, điều trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng nặng tái diễn, nguy cơ đoạn chi là rất cao”, BS Thảo cho biết.


Bệnh nhân đã thoát khỏi nguy cơ phải đoạn chi vì suy giãn tĩnh mạch chân.

Sau khi tiến hành các xét nghiệm, các BS đã quyết định điều trị nội khoa bằng phương pháp can thiệp laser điều trị suy tĩnh mạch. Một ngày sau khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe hồi phục, chân giảm sưng nhiều, có thể đi lại, sinh hoạt bình thường.

Theo Bác sĩ Thảo, can thiệp với laser nội tĩnh mạch là phương pháp ít xâm lấn điều trị giãn tĩnh mạch hiệu quả nhất hiện nay. Tính ưu việt của phương pháp này là có khả năng loại bỏ hầu hết các triệu chứng bệnh giãn tĩnh mạch như đau nhức, nặng nề, nổi gân xanh chỉ với thủ thuật đơn giản.

“Bệnh nhân sẽ không có cảm giác đau đớn, xuống sức sau ca mổ bởi trước đây, khi điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bệnh nhân phải phẫu thuật rất phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn, nhưng nguy cơ tái phát rất cao. Còn can thiệp nội mạch sẽ rất nhẹ nhàng, có thể xuất viện sau 1 ngày, không gây biến chứng và gần như không tái phát.”, Bác sĩ Thảo thông tin.

Theo các chuyên gia, suy giãn tĩnh mạch là bệnh mạn tính, thường gặp ở người lớn tuổi do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác. Nhưng hiện nay nó cũng đang xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới.

Đây là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả , gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Hậu quả là làm gia tăng áp lực bên trong hệ tĩnh mạch chân và gây ra các biểu hiện lâm sàng.

Các biểu hiện này từ mức độ nhẹ như giãn các tĩnh mạch trong da, giãn các tĩnh mạch nông cho đến mức độ nặng như: phù chân, đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút, các biến đổi da, loét do nguồn gốc tĩnh mạch. Những người có nguy cơ cao mắc là: phụ nữ trong độ tuổi 35 -50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều.

 

Thông tin chi tiết quý khách vui lòng liên hệ:

Trung tâm Can thiệp mạch máu Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (8428) 6280 3333 - Máy nhánh 8535.

Website: www.cih.com.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity