Cận thị là một vấn đề thị giác rất phổ biến. Cận thị nặng gây giảm thị lực và có nguy cơ cao gây bong võng mạc, lác mắt.

Nguyên nhân của cận thị

  • Do thủy tinh thể quá phồng hoặc do trục nhãn cầu dài quá làm cho hình ảnh hiện lên trước võng mạc. Bình thường đường kính trước sau của nhãn cầu vào khoảng 20mm, người cận thị đường kính đó gia tăng làm hình ảnh thu vào võng mạc không hiện đúng lên võng mạc mà bị khuếch tán gây ra mờ, không rõ.
  • Do yếu tố di truyền: nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ bị cận thị từ 6 điop trở lên, khả năng trẻ bị cận thị di truyền là 100%.
  • Do học tập và sinh hoạt thiếu khoa học là nguyên nhân cơ bản dẫn đến trình trạng gia tăng số học sinh bị cận thị. Học với cường độ cao, môi trường ánh sáng không đảm bảo, tư thế ngồi học, bàn ghế không phù hợp và đọc sách ở cự ly gần trong thời gian dài.
  • Thường xuyên xem ti vi, chơi máy vi tính nhiều giờ liên tục với cự ly rất gần.
  • Do trẻ sinh thiếu tháng và trẻ sinh ra trọng lượng quá nhẹ là yếu tố khiến cho trẻ bị cận thị và hầu hết trẻ sinh ra với cơ thể dưới 2.5 kg thì đến tuổi thiếu niên đều bị cận thị.
  • Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, thiếu Vitamin A, C, E, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá biển, trứng giúp duy trì các môi trường trong suốt của mắt, giúp mắt tăng khả năng điều tiết, chống thoái hoá võng mạc và hoàng điểm của mắt.

Bác sĩ Mai Thị Hương Thảo - Bác sĩ Chuyên khoa Mắt Bệnh viện Quốc tế City.

Triệu chứng của cận thị

  • Nhìn xa không rõ.
  • Thấy chữ viết và hình trên bảng mờ, nhìn hay nghiêng đầu và nheo mắt hoặc hay quay đầu.
  • Gặp khó khăn khi đọc các biển báo trên đường hoặc nhìn các vật khác ở xa.
  • Lúc đọc hoặc viết cúi sát xuống bàn hoặc sách.
  • Xem ti vi hay nheo mắt, dụi mắt nhiều hơn mức bình thường.
  • Nheo mắt, căng mắt và nhức đầu, chảy nước mắt do mỏi mắt.
  • Cảm thấy mệt mỏi khi lái xe hay khi chơi thể thao cũng có thể là triệu chứng của chứng cận thị không chỉnh hình.

Điều trị cận thị

Đeo kính gọng hoặc contact lens

  • Kính đeo mắt: kính mắt có nhiều loại và rất dễ sử dụng. Kính đeo mắt có thể chỉnh sửa một số vấn đề tầm nhìn cùng một lúc, như cận thị và loạn thị, chống được tia cực tím, chống bụi khi di chuyển ngoài đường. Kính đeo mắt có thể là giải pháp kinh tế nhất và dễ chỉnh sửa nhất.
  • Tuỳ theo mức độ cận thị, bệnh nhân cần đeo kính thường xuyên hay chỉ cần đeo kính khi nhìn xa. Nếu bệnh nhân cận thị được chỉnh kính đúng thì tiến triển cận thị sẽ chậm lại, không bị tăng độ.
  • Tuy nhiên khi đeo kính, góc nhìn bị thu hẹp, hình ảnh bị thu nhỏ và gây vướng víu cho bệnh nhân, đặc biệt khi độ càng cao, những bất tiện trên càng rõ.
  • Kính áp tròng: Có nhiều loại kính áp tròng có sẵn: cứng, mềm, dùng một lần, cứng nhắc khí thấm (RGP)… nếu dùng kính sát tròng thì phải giữ gìn vệ sinh tốt, đeo kính vào sáng sớm và tháo ra buổi tối trước khi ngủ. Không được đeo kính sát tròng khi xuống nước như khi đi tắm biển.
  • Khi sử dụng kính sát tròng cần được kiểm tra giác mạc 3 tháng một lần, phải ngưng sử dụng kính nếu có bất thường trên giác mạc hoặc có phản ứng của mắt với kính.

Phẫu thuật khúc xạ

Phẫu thuật LASIK (viết tắt của Laser In-situ Keratomileusis) là một trong những phương pháp an toàn và chính xác. Sử dụng năng lượng laser để khử độ cận thị. Đối với bệnh nhân trên 18 tuổi, độ cận ổn định có thể điều trị bằng phương pháp mổ laser.

Phẫu thuật này khá phổ biến và có hiệu quả cao nhất trong phẫu thuật khúc xạ hiện nay, nhất là dùng excimer laser.

Ortho K

  • Là phương pháp mới điều trị tật khúc xạ bằng cách mang lens chỉnh hình giác mạc vào buổi tối để có thị lực chính thị vào ban ngày
  • Có thể áp dụng cho tất cả các đối tượng, đặc biệt trên những bệnh nhân tăng độ nhanh, chưa đủ tuổi phẩu thuật hoặc nghề nghiệp bất tiện khi đeo kính
  • Thời gian để có thị lực chính thị từ vài ngày đến 2 tuần tùy trường hợp cụ thể

Phòng tránh cận thị

Đối với những người cận thị: hạn chế áp lực lên cơ quan thị giác bằng cách giảm thời gian xem ti vi và làm việc với máy tính cũng như đọc sách đến mức tối thiểu, cụ thể:

  • Trẻ dưới 6 tuổi: tiếp xúc dưới 30 phút 1 ngày.
  • Trẻ từ 6 – 14 tuổi: dưới 60 phút 1 ngày.
  • Trẻ trên 14 tuổi: dưới 90 phút trong một ngày.

Không nên cho trẻ đọc sách, xem tivi quá gần.

Không nên cho trẻ đọc sách, xem tivi quá gần.

Lưu ý:

  • Đeo kính phân kỳ thích hợp với độ Diôp của mắt.
  • Không xem sách ở nơi thiếu ánh sáng.
  • Không nằm, quỳ để học bài, viết bài, không nên đọc khi đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay.
  • Không bắt mắt làm việc quá lâu.
  • Không hút thuốc, hút thuốc là không tốt cho những phần còn lại của cơ thể, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt.
  • Hai người nam nữ đều cận thị nặng (quá 9 Diôp trở lên) không nên lập gia đình với nhau để tránh ảnh hưởng di truyền cho con cháu.
  • Trong lớp nên xếp trẻ cận thị ngồi gần bảng. Không nên học tập, làm việc bằng mắt liên tục và kéo dài nhiều giờ. Nên cho mắt nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc thư giãn bằng cách nhìn ra xa sau mỗi giờ học.
  • Cần làm việc ở khoảng cách thích hợp, từ mắt đến sách khoảng 30 - 40 cm.
  • Cân bằng dinh dưỡng mắt bằng cách cung cấp thức ăn có đầy đủ Vitamin: A, E, C và nhóm B.

Bài tập giúp giảm bớt và phòng ngừa cận thị

  • Ngồi ở ghế nheo 2 mắt lại khoảng 3 - 5 giây, mở ra 3 - 5 giây. Tập 6 - 8 lần.
  • Ngồi tại chỗ, nhắm hai mắt trong vài phút
  • Chớp mắt nhanh thật nhanh trong suốt 1 - 2 phút.
  • Ngồi xuống che mi mắt lại, xoa bóp quanh hốc mắt trong 1 phút.
  • Nhìn xa khoảng 1-2 phút( nhìn đường chân trời)
  • Ngồi học đúng tư thế, giấy không quá bóng, không để đèn bàn hắt thẳng vào mắt