Sỏi thận và viêm đường tiết niệu là hai trong số nhiều bệnh lý thường gặp ở đường tiết niệu.

Đường tiết niệu đóng vai trò giúp cơ thể thải bỏ các độc tố và các chất hòa tan từ sự lưu thông máu. Các cơ quan ở hệ tiết niệu bao gồm: thận, ống dẫn nước tiểu, bóng đái (bàng quang), niệu đạo (dẫn nước tiểu từ bàng quang ra lỗ niệu đạo để thải ra ngoài).

Viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra tại đường tiết niệu của cả nam giới và nữ giới. Bệnh chủ yếu do vi khuẩn, vi nấm, sỏi tiết niệu gây nên. Thông thường, tỷ lệ nữ giới mắc viêm đường tiết niệu thường cao hơn so với hơn nam giới do cấu trúc cơ quan sinh dục khá phức tạp (cấu tạo niệu đạo ngắn và thẳng, gần hậu môn). Các thói quen hàng ngày như nhịn tiểu, ngồi lâu, vệ sinh vùng kín không đúng cách, quan hệ tình dục không an toàn ,… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu.

Khi bị viêm đường tiết niệu, người bệnh thường có những triệu chứng rất khó chịu như: tiểu buốt, tiểu gắt (tiểu nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ được ít nước tiểu), nước tiểu đục, đi tiểu ra máu, đau vùng bụng dưới (viêm đường dẫn niệu), đau thắt lưng hoặc đau bên mạn sườn (trong trường hợp nhiễm trùng thận), sốt, ớn lạnh...

Tiểu buốt, tiểu gắt là một trong những dấu hiệu điển hình của viêm đường tiết niệu.

Nguyên nhân dẫn đến viêm đường tiết niệu là do vệ sinh vùng kín không tốt, sử dụng thủ thuật thông tiểu, sử dụng màng ngăn âm đạo, bao cao su có chứa chất diệt tinh trùng, hay do lây nhiễm vi khuẩn từ bạn tình khi quan hệ (đặc biệt là vi khuẩn lậu),… đều là những nguyên nhân gây nên viêm đường tiết niệu. Mầm bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở phần thấp (niệu đạo, bàng quang) và nếu không được điều trị, nó có thể diễn biến nặng lên dẫn tới viêm đường tiết niệu trên (niệu quản, thận) làm suy giảm chức năng thận, rất nguy hiểm.

Một số biến chứng nguy hiểm của viêm đường tiết niệu nếu không được chữa trị kịp thời:

  • Viêm thận bể thận cấp.
  • Áp xe quanh thận.
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Suy thận cấp.
  • Trẻ em có trào ngược bàng quang niệu quản có thể gây nhiễm trùng thận nhanh chóng đưa đến suy thận mạn.
  • Phụ nữ có thai bị viêm đường tiết niệu có thể gây đẻ non, sẩy thai, nhiễm trùng sơ sinh...

Khi có bất kỳ dấu hiệu nào của viêm đường tiết niệu, hãy khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán chính xác bệnh và kịp thời điều trị.

Sỏi thận

Sỏi thận là hiện tượng các chất hòa tan khi quá đậm đặc thì kết tủa lại và khi bị lắng đọng thì tích tụ lại thành sỏi. Nếu hạt sỏi nhỏ có thể được đẩy ra ngoài. Nếu sỏi lớn sẽ cọ sát vào thành đường tiểu, và có thể kẹt lại chỗ hẹp và to dần lên.

Sỏi thận có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Đầu tiên là việc cá nhân đó uống không đủ nước hoặc bị dư thừa một số chất qua ăn uống, do yếu tố thể tạng, bẩm sinh dẫn đến lượng nước tiểu ít và đậm đặc. Ngoài ra, những người có tình trạng thừa cân, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, dư đạm động vật cũng có nguy cơ mắc phải sỏi thận rất cao. Tương tự như thế với những bệnh nhân có các bệnh lý hoặc bị dị tật đường tiết niệu như hẹp cổ bể thận, hẹp lổ tiểu, bướu tiền liệt…

Theo bác sĩ Ths.Bs Nguyễn Văn Khoa, khoa Tiết Niệu tại Bệnh viện Quốc Tế City“Sỏi thận khởi phát rất âm thầm và không có dấu hiệu rõ ràng. Trừ khi bệnh nhân thực hiện Xét nghiệm nước tiểu có máu, tế bào viêm, tinh thể… hoặc siêu âm hay X-quang vô tình phát hiện sỏi, thận chướng nước”.

Ths.Bs Nguyễn Văn Khoa, khoa Tiết niệu Bệnh viện Quốc tế City.

Khi mắc phải bệnh, hạt sỏi bị tắc nghẽn thì thường gây ra cơn đau quặn thận hay tiểu nhiều lần. Khi sỏi cọ sát thì gây ra tiểu máu (đỏ). Khi có nhiễm trùng thì tiểu lợn cợn hay đục kèm sốt. Khám thấy đau khi chạm thận hay vị trí sỏi.

Bệnh hay xảy ra thứ phát sau khi bị các rối loạn chuyển hoá canxi như thừa vitamin D, loãng xương, tăng năng tuyến cận giáp trạng,…

Điều trị: Tùy kích thước, vị trí, cấu tạo của sỏi mà các bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Quốc tế City sẽ có nhiều phương pháp giải quyết. Có thể điều trị thuốc với các loại sỏi nhỏ để tống sỏi ra ngoài, giảm đau, phòng ngừa tái phát. Tuy nhiên, đối với các sỏi không phù hợp điều trị nội khoa thì cần can thiệp bằng nhiều phương tiện hiện đại:

  • Nội soi niệu quản tán sỏi bằng laser. Không cần phải mổ, chỉ cần lưu viện một ngày.
  • Tán sỏi ngoài cơ thể bằng song xung (ESWL).
  • Phẫu thuật lấy sỏi thận qua da (PCNL) nếu sỏi quá lớn.

Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8242) để gặp nhân viên tư vấn.

Website: www.cih.com.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity