Nhiễm HPV và phòng ngừa như thế nào?

2019-08-28 04:42:37

Virus gây u nhú ở người (Human papillomavirus – HPV) là loại virus thường gặp nhất trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Chúng gây bệnh bằng cách xâm nhập vào các tế bào, kiểm soát sự vận hành trong tế bào và tạo ra các bản sao của chính nó. Những bản sao này sau đó sẽ lây nhiễm các tế bào lân cận khác.

Có hơn 150 loại HPV, trong đó khoảng 40 loại có thể nhiễm vào vùng sinh dục của cả 2 phái nam – nữ và lây truyền qua tiếp xúc da, niêm mạc khi quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hay qua đường miệng. Ngoài bộ phận sinh dục, HPV cũng có thể được tìm thấy ở nhiều vị trí khác trên cơ thể như: miệng, ngón tay, bàn tay. Như vậy, sự lây nhiễm HPV cũng có thể xảy ra ngay cả khi không có quan hệ tình dục nhưng có tiếp xúc với các nguồn lây kể trên, ví dụ: lây lan qua nước bọt từ người bị nhiễm HPV ở miệng, cổ họng… khi hôn hoặc ăn uống; qua các dụng cụ cắt móng tay, sinh thiết, khăn lau, quần áo lót… HPV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con lúc sinh.

Nhiễm HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến nhất hiện nay. Hầu như tất cả những người hoạt động tình dục sẽ bị nhiễm virus HPV tại một số thời điểm trong cuộc đời của họ.

Virus HPV. Nhiễm HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến nhất hiện nay.

Làm sao biết bị nhiễm HPV?

Các triệu chứng gây ra do HPV thường có thể chỉ xuất hiện nhiều năm sau khi nhiễm virus. Bất cứ ai có quan hệ tình dục đều có thể bị lây nhiễm HPV, ngay cả khi chỉ quan hệ với một bạn tình vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh do một trong hai người đã từng bị nhiễm HPV trước đây mà không hề phát bệnh.

Trong phần lớn trường hợp, nhiễm HPV có thể sẽ tự khỏi và không gây ra bất cứ vấn đề gì về sức khỏe. Phần lớn những người bị nhiễm HPV thường không biết nhiễm HPV lần đầu vào lúc nào nhưng có thể vô tình truyền virus cho người khác.

Một số người phát hiện bị nhiễm HPV khi xuất hiện mụn cóc sinh dục (sùi mào gà). Không có xét nghiệm nào xác định tình trạng nhiễm HPV ở người.

Phái nữ có thể biết được mình bị nhiễm HPV khi có kết quả xét nghiệm Pap smear bất thường trong quá trình khám tầm soát ung thư cổ tử cung.

Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm HPV?

Khi HPV không khỏi thì nó có thể gây ra các triệu chứng bệnh lý sau đây:

Mụn cóc sinh dục hay sùi mào gà:

Có khoảng 12 loại vi-rút HPV gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục, còn được gọi là sùi mào gà. Sùi mào gà là sự phát triển các nốt sùi như bông cải, có thể xuất hiện ở dương vật, bên ngoài hoặc bên trong âm đạo và/hoặc có thể lan sang da gần đó. Các nốt sùi cũng có thể phát triển xung quanh hậu môn, âm hộ hoặc cổ tử cung hay niêm mạc miệng, cổ họng…Hầu hết các trường hợp sùi mào gà do hai loại HPV nguy cơ thấp, 6 và 11, gây ra. Mụn cóc sinh dục không phải là ung thư và không biến thành ung thư; có thể được loại bỏ bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Ung thư:

Có ít nhất 13 loại HPV có liên quan đến ung thư cổ tử cung, hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật, miệng và vòm họng. Các loại vi-rút HPV gây ung thư được gọi là các loại có nguy cơ cao.Hầu hết các trường hợp ung thư liên quan đến HPV là do hai loại HPV nguy cơ cao (16, 18) và có thể xuất hiện triệu chứng sau lây nhiễm HPV từ vài năm đến hàng chục năm.

Một người bị nhiễm HPV sẽ bị sùi mào gà hoặc ung thư?

Không. Ở hầu hết mọi người, hệ thống miễn dịch có thể chống lại hầu hết các trường hợp nhiễm HPV nguy cơ thấp hay cao và loại bỏ chúng khỏi cơ thể.

Không có cách gì để biết người nhiễm HPV nào sẽ bị ung thư hoặc gặp phải những vấn đề về sức khỏe khác.

Điều gì xảy ra nếu hệ thống miễn dịch không thể chống lại nhiễm HPV?

Nhiễm trùng dai dẳng với loại HPV nguy cơ cao (16, 18) có thể khiến các tế bào trở nên bất thường, có thể dẫn đến một tình trạng gọi là tiền ung thư và thường mất nhiều năm mới xảy ra. Sàng lọc ung thư cổ tử cung có thể phát hiện các dấu hiệu thay đổi tế bào bất thường của cổ tử cung và cho phép điều trị sớm để chúng không thể phát triển thành ung thư.

Đã có vắc-xin có thể ngăn ngừa nhiễm virus HPV. 

Cách tốt nhất để bảo vệ chống nhiễm virus HPV?

Đã có vắc-xin có thể ngăn ngừa nhiễm virus HPV. Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ cơ thể chống lại các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục cũng như các chủng HPV nguy cơ cao là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiền ung thư, ung thư.

Vắc-xin HPV

Vắc-xin phòng HPV là vắc xin giúp phòng bệnh u nhú bộ phận sinh dục, sùi mào gà và các loại ung thư cổ tử cung, hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật, miệng và vòm họng do HPV gây ra cho cả 2 phái nam, nữ.

Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ hiện nay. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo cho thấy trong năm 2018 cả thế giới ghi nhận có 570.000 ca mắc ung thư cổ tử cung, một trong bốn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ sau ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư phổi. Theo CDC, có thể ngăn ngừa 92% ca ung thư do HPV nếu tiêm phòng vắcxin.

Độ tuổi và đối tượng tiêm vắc-xin HPV

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, độ tuổi lý tưởng để tiêm vắc-xin HPV là tất cả trẻ em, nam nữ, từ 11 tuổi – 12 tuổi nhưng cũng có thể được bắt đầu từ 9 tuổi đến 25 tuổi. Theo CDC, dù vắcxin ngừa HPV không được khuyến nghị sử dụng cho độ tuổi từ 26 trở lên nhưng vẫn có thể hữu ích đối với những người từ 27 – 45 tuổi thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm HPV mà chưa từng được tiêm vắcxin.

Vắc-xin HPV có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm, có tác dụng tốt nhất khi được tiêm phòng cho những người chưa có hoạt động tình dục hay chưa phơi nhiễm với vi-rút. Tuy nhiên, vắc-xin HPV vẫn có thể làm giảm nguy cơ nhiễm vi-rút HPV nếu được tiêm cho những người đã có hoạt động tình dục, thậm chí đã từng nhiễm virus HPV.

Trên thế giới hiện nay, cụ thể là Mỹ có loại vắc-xin Gardasil ngừa 9 type HPV (6, 11,16, 18, 31, 33, 45, 52, 58), được chỉ định dùng cho cả 2 đối tượng nam, nữ từ 09-45 tuổi.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 2 loại vắc-xin Gardasil 4 ngừa 4 tuýp HPV 6, 11,16, 18 và Cervarix (Bỉ) ngừa 2 type HPV 6, 11 gây ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo. Tuy nhiên hiện nay, Bệnh viện Quốc tế City đã hết vắc-xin Ceravix. 

Theo BS Lê Đức Thọ. Khoa Da Liễu Bệnh viện Quốc tế City.

Kỳ 2: Nam giới có cần tiêm vắc-xin HPV?

Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (8428) 6280 3333 – Máy nhánh 8040.

Website: www.cih.com.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity

ĐƠN VỊ BẢO HIỂM

Đặt lịch hẹn

Thông tin khách hàng

Chọn chuyên khoa

Ngày giờ ưu tiên

Bằng cách nhấn nút Đăng ký, tôi xác nhận đã đọc và đồng ý với các Chính Sách Quyền Riêng Tư.

Đặt lịch khám

Góp ý