2019-06-26 04:10:22
Sỏi tiết niệu có thể gây ra các triệu chứng như đau vùng thắt lưng, đau buốt khi tiểu tiện, sốt do nhiễm khuẩn,… gây khó chịu cho người bệnh. Khi phát hiện, thường thì sỏi đã lớn khiến người bệnh băn khoăn về các phương pháp loại bỏ sỏi. Kích thước nào thì nên phẫu thuật, kích thước nào thì nên tán sỏi qua da…
BS.CKI Nguyễn Thị Thái Hà đang nội soi cho bệnh nhân.
Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu
Có 2 loại sỏi, 1 là sỏi cơ thể và sỏi cơ quan. Sỏi cơ thể do những biến đổi của cơ thể có thể gây ra như bệnh nhân ít uống nước hoặc bị sốt kéo dài gây mất nước trầm trọng. Hoặc do rối loạn chuyển hóa như chuyển hóa canxi,… Ví dụ như những bệnh nhân bị u tuyến cận giáp có thể gây ra các rối loạn chuyển hóa canxi, dẫn đến sỏi. Và việc hình thành sỏi cơ thể có thể xảy ra ở cả 2 bên.
Còn đối với sỏi cơ quan, sỏi thường chỉ nằm 1 bên hoặc do bất thường đường tiết niệu như hẹp đường tiết niệu, hẹp khúc nối bể thận niệu quản, bàng quang thần kinh do quá trình lưu thông nước tiểu bị rối loạn,… gây ra sỏi. Hoặc hẹp đường tiết niệu như hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo, phì đại tuyến tiền liệt làm bế tắc đường tiểu dưới, tăng nguy cơ sỏi bàng quang.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sỏi, nhưng hiện nay người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính. Một số yếu tố nguy cơ cao gây nên sỏi như nhiễm trùng đường tiểu hoặc những bệnh nhân có thói quen ít uống nước, ngồi lâu ít vận động,… Ngoài ra, một số yếu tố từ di truyền, nhưng vẫn chưa có nghiên cứu khoa học về yếu tố di truyền này.
Đối tượng nguy cơ
Những yếu tố về mặt gia đình, về gen; hay về địa danh, những nơi sử dụng nguồn thức ăn chứa nhiều chất chứa nguy cơ tạo sỏi, hoạt động ở nơi nắng nóng gây ra nguy cơ mất nước; những bệnh nhân thường bị nhiễm trùng đường tiết niệu… Nhìn chung, những người có thói quen ít vận động, uống ít nước có khả năng bị nguy cơ sỏi đường tiết niệu cao.
Triệu chứng
Khi có sỏi ở đường tiết niệu, tùy từng vị trí của sỏi mà dẫn đến các triệu chứng đặc thù. Điển hình như sỏi niệu thận hay sỏi niệu quản gây ra cơn đau quặn thận, tức đau từ sau lưng ra phía trước, xuống bộ phận sinh dục.
Có một số trường hợp như bệnh nhân bị nhiễm trùng như sốt, tiểu ra máu và nếu như tình trạng sỏi xuất hiện 2 bên hoặc trên thận độc nhất gây ra tình trạng thiểu niệu hoặc vô niệu (tiểu ít, không tiểu được), có thể dẫn đến tình trạng phù (như phù ở tay chân, mí mắt,…) dẫn đến suy thận.
Điều trị như thế nào?
Nếu như sỏi nhỏ hơn đường tiết niệu, có kích thước dưới 4mm thì 90% có thể tự thải ra bằng đường tự nhiên khi bệnh nhân uống nhiều nước. Nếu sỏi từ 4mm – 6mm thì khả năng ra ngoài theo đường tiểu thấp hơn, tuy nhiên vẫn có thể ra. Một số trường hợp sỏi nhỏ nhưng không thể ra được do đường tiết niệu bị hẹp.
Tỷ lệ ra bằng đường tự nhiên đối với kích thước sỏi trên 6mm thấp. Đặc biệt, sỏi trên 1cm, khả năng ra rất thấp. Đối với những trường hợp sỏi không thể đào thải bằng con đường tự nhiên, tùy theo vị trí và ảnh hưởng của sỏi đến chức năng thận để lựa chọn phương thức điều trị thích hợp.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thái Hà tốt nghiệp y khoa tại Đại học Y Dược và hoàn thành chuyên khoa I về Tiết niệu trong năm 2005. Sau đó, bác sĩ công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy và các BV trực thuộc tập đoàn BECAMEX. Bác sĩ Hà có hơn 10 năm kinh nghiệm chuyên sâu trong khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiết niệu. Học hàm – học vị: Bác sĩ Chuyên Khoa I Tiết niệu Bác sĩ Nguyễn Thị Thái Hà – Khoa Tiết Niệu Bệnh viện Quốc tế City. |
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Quốc tế City.
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8242) để gặp nhân viên tư vấn.
Website: www.cih.com.vn.