Tưởng chết vì uống thuốc lạ, bệnh nhân Campuchia được cứu sống nhờ City Plus.

2019-05-23 07:55:28

Nam bệnh nhân 48 tuổi, người Campuchia rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp vì tự ý mua thuốc cảm sốt về uống.

05h00 sáng ngày 14/02/2019, ông Oum Sokun, 48 tuổi, quốc tịch Campuchia được chuyển đến Bệnh viện Quốc tế City trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng phải thở máy kiểm soát, phù toàn thân, không có nước tiểu, hồng ban xuất huyết chằng chịt trên người cùng với sang thương hoại tử da nghiêm trọng.

Khắp người chằng chịt nốt hồng ban trong ngày đầu nhập viện.

Thân nhân bệnh nhân cho biết trước khi nhập viện CIH 5 ngày ông Sokun bị cảm, người mệt mỏi nên tự ra nhà thuốc tây mua thuốc về uống. Ít giờ sau đó, bệnh nhân cảm thấy mệt, khó thở, khắp người nổi ban đỏ, phù toàn thân. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở Campuchia. Tại đây bệnh nhân đã được đặt nội khí quản thở máy vì suy hô hấp nặng. Sau 5 ngày điều trị tình trạng bệnh càng lúc càng nặng dần, thân nhân xin chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Quốc tế City thông qua chương trình hợp tác quốc tế giữa chương trình City Plus và Trung tâm y tế Khema Clinic tại Phnom Penh.

Phiên hội chẩn khẩn cấp giữa các thành viên của Hội Đồng Cố Vấn Y Khoa City Plus bao gồm các bác sĩ chuyên khoa Hồi Sức Tích Cực, Thận Nhân Tạo, Da Liễu, Nội Thần Kinh và Tim Mạch đã diễn ra ngay sau đó. Sau khi tổng hợp bệnh sử, thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng, thực hiện xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh học cần thiết, Hội Đồng Y Khoa City Plus xác nhận đây là trường hợp bệnh nhân bị hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc nguyên nhân do dị ứng thuốc. Bệnh đã diễn tiến đến tổn thương đa cơ quan bao gồm hôn mê do tổn thương hệ thần kinh trung ương, suy thận cấp nặng, viêm kết mạc, tổn thương viêm lan tỏa 2 phổi bội nhiễm kèm khí phế thủng, tràn khí dưới da thành ngực, tăng men tim nghi do viêm cơ tim, tăng men gan do tổn thương tế bào gan, xuất huyết tiêu hóa do tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa lan tỏa, giảm 3 dòng tế bào máu do tổn thương tủy, suy sụp chức năng đông máu.   

Các bác sĩ Khoa Chăm sóc tích cực đang thăm khám cho bệnh nhân.

Nhận định tình trạng nghiêm trọng có nguy cơ đe dọa tính mạng, các bác sĩ khoa Chăm Sóc Tích Cực đã triển khai ngay các biện pháp điều trị khẩn cấp toàn diện. Bệnh nhân được thở máy kiểm soát, chạy thận nhân tạo cấp cứu, truyền máu và các sản phẩm của máu trong khi chạy thận nhân tạo. Rất nhiều liệu pháp điều trị đặc hiệu cho hội chứng Stenvens-Johnson cũng như điều trị hỗ trợ khác đã được sử dụng trong suốt chặng đường dài gần 3 tháng điều trị tại khoa Chăm Sóc Tích Cực. Bệnh nhân đã được sử dụng corticoid liều điều trị, kháng sinh điều trị viêm phổi theo kháng sinh đồ, dinh dưỡng tích cực đường tiêu hóa và tĩnh mạch, nâng đỡ chức năng gan, chích thuốc kích thích tủy xương tăng sinh hồng cầu và bạch cầu, truyền máu và các sản phẩm của máu nhiều đợt, nội soi tiêu hóa cầm máu để điều trị xuất huyết tiêu hóa, mở khí quản ra da, tập vật lý trị liệu tích cực, chăm sóc các sang thương ở da và mắt…

Một thách thức quá lớn cho tập thể y bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City trong quá trình điều trị là cơ địa dị ứng rất cao với hầu hết các loại thuốc gồm các loại kháng sinh, giảm đau, kháng viêm, hạ sốt và dị ứng cả với sữa cũng như một số thực phẩm dinh dưỡng. Bệnh nhân và bác sĩ đã phải đối mặt với tình trạng viêm phổi liên quan đến thở máy tái phát nhiều lần với vi trùng đa kháng thuốc trên nền tổn thương xơ phổi, khí phế thủng. Thời gian lệ thuộc máy thở đã kéo dài trên 2 tháng. Đã có những lúc các bác sĩ tuyệt vọng, câu “tận nhân lực, tri thiên mệnh” đã được các bác sĩ lập đi lập lại nhiều lần khi giải thích tình trạng bệnh với thân nhân.

Sau chặng đường dài 97 ngày điều trị tại khoa Chăm Sóc Tích Cực, bệnh nhân đã dần dần hồi phục. Chức năng thận cải thiện hoàn toàn sau 3 tuần chạy thận nhân tạo tích cực. Tri giác cải thiện dần dần, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt sau 4 tuần điều trị. Cùng với tình trạng dinh dưỡng khá lên, kiểm soát tốt tình trạnh nhiễm trùng, chức năng hô hấp dần dần hồi phục, bệnh nhân đã được ngưng thở máy sau 2 tháng. Ngày 14/05/2019, sau khi rút ống mở khí quản, bệnh nhân tự thở tốt qua đường mũi, ăn uống khá qua đường miệng, có thể ngồi dậy trên giường. Hiện tại bệnh nhân đã được chuyển khoa Ngoại tiếp tục chăm sóc và điều trị.

Tập thể bác sĩ đến chúc mừng bệnh nhân hồi phục sau cơn nguy kịch vì dị ứng thuốc.

Ths.Bs Đào Thị Mỹ Vân – Phó Giám Đốc Y Khoa, Trưởng Khoa Hồi Sức Tích Cực, Người sáng lập chương trình City Plus chia sẻ: Hội chứng StevensJohnson (Stevens-Johnson Syndrome, SJS) và hoại tử thượng bì nhiễm độc (Toxic Epidermal Necrolysis, TEN) là những phản ứng sinh ra do thuốc hoặc một số căn nguyên vi sinh vật như tiêm vaccine sởi, quai bị hoặc nhiễm virus như Dengue, Cytomegalovirus…Bệnh tuy hiếm gặp nhưng rất nặng, đe dọa sinh mạng người bệnh vì gây ra thương tổn đa cơ quan, tỉ lệ tử vong trong các thể nặng ghi nhận từ đến 5-30%. Các thuốc hay gặp gây ra hội chứng này bao gồm: Allopurinol, Carbamazepine, Lamotrigine, Nevirapine, NSAIDs, Phenobarbital, Phenytoin, Sulfamethoxazole, Sulfasalazine. Cho đến nay, cơ chế miễn dịch được xem là cơ chế bệnh sinh chính được ghi nhận. Tình trạng hoại tử thượng bì nhiễm độc liên quan đến tế bào lympho CD4, CD8 cùng với các tế bào diệt tự nhiên, các chất granulysin, perforin, granzyme B, FasL…được xem là các tác nhân chính làm các tế bào thượng bì chết theo chương trình. Một số nghiên cứu báo cáo SJS liên quan đến tính di truyền. Gần đây nghiên cứu yếu tố gene về kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA) cho thấy có sự liên quan giữa SJS với một số dân tộc khác nhau trên thế giới.

Bác sĩ Mỹ Vân khuyến cáo: bất kỳ ai cũng có thể xảy ra phản ứng dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào đó. Tại thời điểm này có thể không bị dị ứng nhưng có thể sẽ dị ứng ở thời điểm muộn hơn. Đôi lúc phản ứng dị ứng sẽ trở nên nặng nề hơn ở lần dùng thuốc thứ hai do những biến đổi trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do vậy chỉ nên uống thuốc khi bị bệnh, chỉ uống thuốc theo toa bác sĩ, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ, không nên sử dụng những thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thành phần. Khám bác sĩ ngay khi thấy bất kỳ triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc. Nếu biết mình dị ứng với thuốc nên ghi lại tên thuốc và báo cho bác sĩ biết khi đến khám bệnh tại cơ sở y tế. Bác sĩ cần thận trọng hỏi kỹ bệnh nhân về tiền sử dị ứng thuốc trước khi kê toa thuốc cho bệnh nhân nhất là các nhóm thuốc kể trên.  

DỊCH VỤ CITY PLUS TẠI BỆNH VIỆN QUỐC TẾ CITY

Dịch vụ City Plus của Bệnh viện Quốc tế City (Dự kiến ra mắt vào cuối quý II năm 2019).

Được khởi xướng bởi tâm huyết của Ths.Bs Đào Thị Mỹ Vân – Phó Giám đốc Y Khoa, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quốc tế City, City Plus là dịch vụ đưa ra giải pháp chẩn đoán bệnh tốt hơn, tiết kiệm hơn giúp người bệnh cảm thấy yên tâm so với kết quả chẩn đoán ban đầu.

Quy tụ những chuyên gia hàng đầu về các chuyên khoa Tim mạch, Tiêu hóa, Ngoại Thần kinh – Cột sống, Can thiệp mạch máu…, bệnh nhân khi đến với dịch vụ City Plus sẽ được tư vấn, chẩn đoán bệnh với chi phí hợp lý.

City plus cũng là dịch vụ y tế lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân sẽ được Hội đồng cố vấn y khoa City Plus đánh giá một cách chi tiết. Từ đó đưa ra cho bệnh nhân lời khuyên và hướng điều trị phù hợp. 

Liên hệ hotline tư vấn City Plus: ĐT: (8428) 6280 3333 (Bấm phím 0) để gặp tổng đài viên.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM. (Kế siêu thị Aeon Mall Bình Tân)

ĐT: (8428) 6280 3333 (Bấm phím 0) để gặp tổng đài viên.

Website: www.cih.com.vn. 

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity

ĐƠN VỊ BẢO HIỂM

Đặt lịch hẹn

Thông tin khách hàng

Chọn chuyên khoa

Ngày giờ ưu tiên

Bằng cách nhấn nút Đăng ký, tôi xác nhận đã đọc và đồng ý với các Chính Sách Quyền Riêng Tư.

Đặt lịch khám

Góp ý