2019-05-06 09:01:39
Theo Báo Phụ Nữ – Những ngày này, các bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP.HCM, Quốc tế City… tiếp nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng bị liệt chi vì thoát vị đĩa đệm.
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Thành Nhân – Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cho hay, trong một năm khoa tiếp nhận điều trị hơn 1.000 ca thoát vị đĩa đệm, trong đó khoảng 10% có chỉ định phẫu thuật.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Quốc tế City chúc mừng bệnh nhân Nguyễn Thành V. thoát cảnh tàn phế |
Còn theo Tiến sĩ – Bác sĩ Huỳnh Hồng Châu – Trưởng khoa Ngoại thần kinh – Bệnh viện Quốc tế City, chỉ trong hai tháng, nơi đây tiếp nhận hơn chục bệnh nhân suýt tàn phế do viêm thân sống đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm… khiến các bác sĩ phải mổ cấp cứu mới tránh cho bệnh nhân rơi vào cảnh liệt hai chân và cơ vòng.
Như trường hợp anh Nguyễn Thành V., 31 tuổi, quê ở Lâm Đồng phải vào Bệnh viện Quốc tế City cấp cứu lúc nửa đêm trong tình trạng yếu liệt hai chân. Tuần trước, anh V. bỗng dưng bị đau lưng, ra nhà thuốc mua thuốc giảm đau uống. Đến sáng hôm sau ngủ dậy, thấy hai chân bị mất cảm giác. Anh V. nghĩ do nằm ngủ một tư thế khiến máu không lưu thông. Đến chiều, anh không thể đi lại được nên gia đình đưa đi cấp cứu.
Sau khi chụp MRI cột sống thắt lưng, bác sĩ phát hiện anh V. bị thoát vị đĩa đệm tầng L4-L5, ép bao màng cứng, chèn mạnh các rễ thần kinh chùm đuôi ngựa. “Trường hợp này cần phải mổ cấp cứu trong thời gian 24 giờ kể từ lúc yếu liệt chân với hy vọng phục hồi cơ vòng 52%. Nếu để sau 24 giờ sẽ để lại hậu quả nặng nề như: tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, rối loạn cương dương và yếu liệt hai chân” – bác sĩ Huỳnh Hồng Châu nói. Anh V. được mổ cấp cứu ngay. Ba ngày sau, anh V. hồi phục tốt, vận động và đi lại được.
Tương tự, trong một lần cúi người để vác khúc cây, anh Phan N., nhân viên công ty xây dựng, thấy đau nhói ở thắt lưng. Cơn đau ngày càng dữ dội khiến anh N. phải nằm nghỉ hai ngày. Khi cơn đau buốt ngày càng nặng hơn, lan xuống mông, đùi và bàn chân bên phải, anh mới đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Anh N. được chẩn đoán bị đau thần kinh tọa phải do thoát vị đĩa đệm tầng L4-L5. Kết quả chụp MRI cột sống thắt lưng cho thấy, tình trạng thoát vị đĩa đệm của anh N. đã diễn biến nặng, có khối thoát vị lớn chèn ép nặng rễ L5 bên phải, cần phẫu thuật để điều trị triệt để. Sau phẫu thuật, anh N. giảm đau tê nhiều, đi lại được và xuất viện hai ngày sau đó.
Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh dễ mắc nhưng lại khó điều trị. Hằng năm, số người mới mắc đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm chiếm từ 5-10% dân số.
Bác sĩ Hồng Châu cho biết, nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thường gặp là do người bệnh bị thoái hóa, chấn thương hoặc có bệnh lý về cột sống. Bên cạnh đó, người thường xuyên làm công việc nặng nhọc, ngồi sai tư thế lâu ngày hoặc mắc bệnh lý đái tháo đường, viêm đa khớp dạng thấp, gút… đều có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm.
Bệnh thường khởi phát sau một thời gian dài đau lưng âm ỉ hoặc khởi phát đột ngột sau khi cúi người xuống làm việc nặng. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thường là đau lưng dữ dội, cơn đau giảm khi nằm nghỉ nhưng sẽ tái phát khi ngồi, đi lại hoặc thậm chí khi hắt hơi.
Theo bác sĩ Nhân, nhiều trường hợp bị thoát vị đĩa đệm trước đó đã điều trị sai phương pháp, khiến bệnh càng trầm trọng. Hiện tại, vẫn còn phổ biến quan niệm sai lầm về điều trị thoát vị đĩa đệm như: đắp lá, đắp thuốc, nắn xương, bấm huyệt, đau đâu chích đó… Các phương thức này thường không có tác dụng hoặc chỉ giúp giảm triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, quan niệm luyện tập sai lầm như khuyên người bệnh đi bộ nhiều, khom cúi nhiều hay xoay bẻ cột sống có thể làm cho tình trạng thoát vị nặng thêm.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Quốc tế City
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
(Cạnh Siêu thị Aeon Mall Bình Tân)
ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 0 để gặp tổng đài viên.
Website: www.cih.com.vn.
Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity