2019-03-22 07:06:23
Thời điểm nắng nóng như hiện tại đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số tác động xấu ảnh hưởng đến sức khỏe. Không những thế, thời khắc giao mùa lại sắp đến, chắc chắn thời tiết và độ ẩm không khí sẽ thay đổi thất thường khiến cơ thể của chúng ta không thích ứng kịp. Điều này lại càng làm cho vi rút và vi khuẩn hoạt động cực mạnh, đe dọa rất lớn đến sức khỏe của chúng ta.
Khi những thói quen tưởng như là vô hại…
Vào thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh hoạt động mạnh. Kèm theo đó, các gia đình thường mở quạt lớn, hạ nhiệt độ điều hòa thấp để nhanh xóa tan đi cơn nóng khắc nghiệt. Nhưng lại không ai nghĩ rằng, việc làm này đã làm khô vùng mũi họng và các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp. Từ đó, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh cho chính bản thân.
Thời điểm giao mùa với thời tiết thất thường
Ngoài ra, với nhân viên văn phòng, do ngồi lâu trong môi trường điều hòa tại nơi làm việc. Khi ra ngoài nắng nóng, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột rất dễ gây ra viêm mũi họng, viêm xoang. Đặc biệt, để giảm bớt cái nóng, mọi người rất thích uống nước đá, ăn kem và tắm nước lạnh. Đây lại là một tiền đề dẫn đến các bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi bước từ trong phòng lạnh ra ngoài trời nắng có thể khiến nhiều người bị choáng, sốc nhiệt hoặc cảm nắng.
Thời khắc giao mùa – bệnh hô hấp lên ngôi
Các bệnh hô hấp thường gặp nhất trong thời điểm này lần lượt là cảm lạnh, cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phổi và những bệnh mạn tính như hen phế quản, giãn phế quản.
Cảm lạnh
Giao mùa là lúc nhiệt độ thay đổi, nắng mưa bất thường nên nếu hệ miễn dịch yếu, bạn rất dễ mắc bệnh. Đặc biệt vào giao mùa thu, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô có thể khiến cho các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh. Đây là khoảng thời gian cơ thể rất khó thích nghi với thời tiết và cảm cúm dễ xảy ra.
Viêm họng
Khi giao mùa thì viêm họng là bệnh dễ mắc phải nhất cả ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên của bệnh là đau họng khi nuốt nước bọt hay khi ăn, khàn tiếng, có những cơn ho do bị kích ứng ở đường hô hấp và có thể kèm theo cả sổ mũi.
Viêm phổi
Khí hậu hanh khô vào buổi sáng nhưng lại hay lạnh giá vào ban đêm làm phổi rất dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em. Khi phổi bị viêm, các phế nang bị tổn thương khiến dưỡng khí không thể đi vào máu do đó làm cho cơ thể, đầu tiên là vùng não bị thiếu dưỡng khí. Bệnh viêm phổi vẫn có thể có những biến chứng rất nặng dẫn tới tử vong.
Bệnh hô hấp được xem là đặc trưng trong thời điểm giao mùa
Viêm xoang
Khi độ ẩm không khí thấp, hanh khô tăng cao khiến niêm mạc mũi bong, gây hắt hơi, sổ mũi, đau nhức mũi kéo theo đau đầu, đau tai, đau ngứa họng…
Cúm
cần phân biệt cảm lạnh thông thường và cúm. Triệu chứng cúm rầm rộ hơn, sốt cao hơn, đau nhức mình, mệt mỏi nhiều hơn. Ở các đối tượng như trẻ em, người già và phụ nữ có thai….bệnh dễ trở nặng hơn và diễn tiến nhanh chóng đến suy hô hấp, đe dọa tính mạng.
Những bệnh lý ảnh hưởng không nhỏ khác…
Trong tiết trời nóng ẩm, ruồi nhặng và vi khuẩn dễ sinh sôi khiến thức ăn bị bẩn và ôi thiu nhanh. Nếu không cẩn thận sẽ dễ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy, nhất là khi nhiệt độ kéo dài ở mức 37 – 38o C. Ruồi, muỗi, chuột, gián cũng phát triển nhiều hơn nên dễ làm lây lan các mầm bệnh qua thực phẩm và nước uống. Trời quá nóng, hệ tiêu hóa cũng hoạt động kém đi nên gây chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, khiến cơ thể mệt mỏi, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Thời tiết thay đổi cũng là nguyên nhân chính gây đau xương khớp. Bệnh nhân không chỉ bị đau, sưng tấy các khớp tay, chân mà người bệnh còn bị viêm nhiều khớp khác trên cơ thể. Các khớp viêm bị sưng, nóng, đỏ, đau và rất khó để cử động.
Ngoài ra, vào thời điểm giao mùa này, trẻ em còn rất dễ mắc một số bệnh khác như bệnh tay chân miệng, bệnh thủy đậu, sốt xuất huyết,…
Nên chuẩn bị gì để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh?
Theo chia sẻ của BS.CKII Dương Anh Phượng – Khoa Nội tổng quát – Bệnh viện Quốc tế City về cách chủ động phòng tránh các bệnh thường gặp trong mùa nóng và giao mùa như trên, chúng ta sẽ thực hiện những cách sau đây:
– Nếu sử dụng điều hòa thì không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, nên cho quạt xoay, không thổi trực tiếp cố định vào người.
– Vệ sinh phòng ở, nơi ăn, vệ sinh cá nhân, hạn chế ăn thức ăn ngoài đường phố. Nên để nhiệt độ trong phòng không cách biệt quá 5 độ C với nhiệt độ bên ngoài.
– Cung cấp đủ nước cho cơ thể để giúp duy trì thân nhiệt ổn định. Nhu cầu trung bình hàng ngày cơ thể cần khoảng 2 lít nước, cần nhiều hơn khi làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, khi chơi thể thao, hay khi có tiêu chảy, ói…Chúng ta có thể dùng nước lọc thông thường, các loại nước trái cây, nước dừa hay các loại nước có điện giải pha sẵn.
BS.CKII Dương Anh Phượng – Khoa Nội tổng quát – Bệnh viện Quốc tế City
– Bổ sung vitamin C qua hình thức thuốc hay các thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn hàng ngày. Vitamin C giúp củng cố sức mạnh cho hệ thống miễn dịch của cơ thể.
– Hạn chế tiêu thụ chất cồn và thuốc lá: Chất cồn làm cơ thể bị mất nước và là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch bị suy yếu.
– Rửa tay với nước sạch và xà phòng là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. Luôn rửa tay trước ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi hay khi tiếp xúc với nhiều người hay người đang bị cảm…Nên che miệng khi ho và hắt hơi để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
– Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý là biện pháp phòng ngừa hữa hiệu những căn bệnh liên quan đến đường hô hấp.
– Ngủ đủ giấc, giấc ngủ giúp tái tạo sức khỏe sau một ngày dài làm việc. Người trưởng thành cần giấc ngủ 6 – 8 giờ trong ngày, người cao tuổi thì ít hơn và trẻ nhỏ thì dài hơn.
– Tiêm phòng cúm đầy đủ hàng năm.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
(Kế siêu thị Aeon Mall Bình Tân).
ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8242) để gặp nhân viên tư vấn.
Website: www.cih.com.vn.
Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity