Bệnh mày đay là gì?
Mày đay có tổn thương đặc trưng là phát ban hoặc phù mạch.Phát ban đặc trưng là các sẩn phù được bao quanh quầng đỏ, rất ngứa. Các sẩn có thể tồn tại từ 30 phút đến 36 giờ, kích thước từ 1mm đến vài cm. Với sưng phù là biểu hiện chính, da phía trên đỏ hoặc bình thường, ít ngứa nhưng đau và rát bỏng.
Cơ chế bệnh mày đay khá phức tạp, đa số là thông qua kháng thể IgE; trong đó có vai trò quan trọng của các chất trung gian hóa học, nhất là histamin.
Đa số bệnh mày đay cấp tính, có thể hết sau 72 giờ, khi bệnh kéo dài trên 6 tuần, các sẩn phù nhỏ hoặc lan rộng, hiếm khi liên quan tới IgE mà liên quan với tự kháng thể kháng FcεRI, 80% không rõ nguyên nhân và được xem là tự phát. Bệnh chủ yếu ở người lớn và nữ nhiều hơn nam.
Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Các liệu pháp điều trị trước đây
Điều trị CSU cần sự kiên trì, đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ dùng thuốc đúng chỉ định. Bác sĩ thường lựa chọn can thiệp ban đầu để xử trí CSU chủ yếu là các thuốc kháng histamine H1 thế hệ 1 (promethazin, chlorpheniramin, diphenhydramin) hoặc thế hệ 2 (cetirizin, loratadin, fexofenadin, acrivastin) thường ở liều cao hơn liều thông thường, kết hợp với thuốc kháng histamin H2 (cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin) và thuốc biến đổi leukotriene (zakirlukast, montelukast, zileuton).
Để kiểm soát các đợt bùng phát mày đay nghiêm trọng, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc glucocorticoids toàn thân điều trị trong thời gian ngắn.
Đối với những bệnh nhân có triệu chứng không thể kiểm soát đầy đủ bằng thuốc kháng histamin liều cao, hướng dẫn quốc tế khuyến nghị nên dùng bổ sung omalizumab (xolair), một kháng thể đơn dòng chống immunoglobulin (Ig) E, là biện pháp can thiệp tiếp theo thích hợp nhất. Tuy nhiên, hiện nay giá thuốc omalizumab vẫn còn khá đắt đỏ – đây là mối quan tâm trong tất cả các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Vì thế nó đã hạn chế việc sử dụng liệu pháp này. Hơn nữa, loại thuốc này trên thực tế lâm sàng vẫn còn nhiều trường hợp điều trị CSU không mang lại hiệu quả cao.
Một hướng điều trị mới cho bệnh nhân CSU
Các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên gần đây cho thấy dapsone có thể là một liệu pháp lựa chọn thứ hai, thành công với chi phí thấp hơn. Dapsone, còn được gọi là diaminodiphenyl sulfone (DDS), là một sulfone tổng hợp có tác dụng kháng khuẩn, thường được dùng phối hợp với rifampicin và clofazimine để điều trị bệnh phong (Hansen). Dapsone cũng là loại thuốc thường được lựa chọn trong điều trị và phòng ngừa viêm phổi do Pneumocystis và trong phòng ngừa bệnh nhiễm Toxophasma ở người có chức năng miễn dịch kém. Ngoài ra, thuốc này còn được dùng để điều trị sốt rét, mụn trứng cá cũng như một số bệnh lý về da khác như viêm da dạng herpes.
Các tác dụng phụ thông thường của dapsone là buồn nôn, chán ăn, viêm gan và một vài dạng phát ban. Các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm giảm số lượng tế bào máu, vỡ hồng huyết cầu, đặc biệt ở bệnh nhân có chứng thiếu hụt men G6PD (Glucose-6-phosphat dehydrogenase) hoặc nhạy cảm với thuốc.
Bs. Lê Đức Thọ – Khoa Da liễu – Bệnh viện Quốc tế City chia sẻ về hướng điều trị mới
Để xem xét sự hiệu quả và an toàn của liệu pháp dapsone ở bệnh nhân mắc CSU, bao gồm các bệnh nhân bị mày đay vô căn mạn tính và bệnh nhân bị mày đay tự miễn mạn tính, các nhà nghiên cứu đã đánh giá hồi cứu các hồ sơ bệnh án bệnh nhân CSU được điều trị bằng uống dapsone tại Đại học Y khoa New York (Mỹ) trong vòng 12 năm. Hiệu quả của liệu pháp dapsone cho CSU được đánh giá theo 3 mức độ: cải thiện, đáp ứng hoàn toàn và thuyên giảm.
Kết quả cho thấy, dapsone đã cải thiện tình trạng mày đay ở 78% bệnh nhân mắc mày đay vô căn và 76% bệnh nhân mắc mày đay tự miễn. Thời gian trung bình để bệnh được cải thiện là hơn 1 tháng.
Với thời gian sử dụng dapsone hơn 5 tháng, có 47% bệnh nhân bị mày đay vô căn và 50% bệnh nhân mắc mày đay tự miễn đáp ứng hoàn toàn với thuốc.
Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng, dapsone dung nạp rất tốt và là liệu pháp điều trị lựa chọn hữu hiệu thứ hai, có chi phí thấp, cho bệnh nhân bị CSU mà thuốc kháng histamin và các thuốc điều trị hàng đầu khác đã thất bại.
Theo Bác sĩ Lê Đức Thọ – Khoa Da liễu – Bệnh viện Quốc tế City khuyên rằng: “Bệnh nhân mắc bệnh mày đay cần dừng tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng; Hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da; Có thể áp lạnh hoặc tắm lạnh, tránh tắm nóng; Tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp; tẩy giun sán, chống táo bón; Mặc quần áo cotton nhẹ nhàng, vừa vặn; Tránh các hoạt động nặng nhọc hoặc các nguyên nhân gây ra mồ hôi và cố gắng nghỉ ngơi, giảm stress”.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Quốc tế City
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8085) để gặp nhân viên tư vấn.
Website: www.cih.com.vn.
Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity