Kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy Thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2019), các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City đã chia sẻ rất nhiều cung bậc cảm xúc về chuyện Đời, chuyện Nghề, những kỷ niệm vui buồn cùng người bệnh, cùng chiếc áo blouse trắng. Tất cả được tái hiện qua lăng kính của mỗi bác sĩ - những Người Thầy Thuốc đã học tập, làm việc và dành trọn cuộc đời gắn bó với bệnh nhân, theo đuổi những giá trị tốt đẹp với sứ mệnh "cứu người, cứu đời".

Nhân ngày 27/02, kính chúc tập thể Y Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City nhiều sức khỏe, công tác tốt và mãi mãi là những "thiên thần áo trắng" thực hiện sứ mệnh cao cả - mang những điều kỳ diệu nhất đến với bệnh nhân.

................................................

PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường - Giám đốc Y Khoa - BS phẫu thuật Tiêu hóa gan, mật, tụy.

“Trong Y khoa, đôi khi chúng ta phải lao vào chỗ chết để tìm ra sự sống”.


Tôi cảm ơn sâu sắc bệnh nhân. Họ chính là người thầy thuốc đầu tiên đối với mỗi bác sĩ. Chính người bệnh đã giúp cho người Bác sĩ nâng cao tay nghề, có thêm kinh nghiệm trong Y Khoa. Điều tôi bất ngờ và vui mừng đó là khi gặp lại những bệnh nhân từng điều trị ung thư. Ung thư là căn bệnh hiểm nghèo, khó có thể sống lâu. Nhưng khi nhìn họ khỏe mạnh, vượt qua được căn bệnh quái ác này và đến thăm chúng tôi thì thực sự tôi vô cùng xúc động. Đó là món quà vô giá dành tặng cho người bác sĩ. Sinh mạng của họ là động lực của chúng tôi.

PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường.

Suy tư đôi chút, Bác sĩ Nguyễn Tấn Cường chiêm nghiệm: "Tôi đang nhớ đến câu thơ của Sư tổ Ngành Y - đó là Danh Y Hải Thượng Lãn Ông. 

"Nhược hữu lương y viên tuyệt mạng,

Tùng lai vô dược trị thâm tâm."

Đó là thông điệp rất hay, rất nhân văn về Đạo và Nghề. Tức là xưa nay có những người thầy thuốc giỏi trị được bệnh nan y nhưng không có ai có thuốc trị được lòng tham. Tôi lấy làm khâm phục những người thầy thuốc dành cả thanh xuân để chăm sóc cho bệnh nhân, đặc biệt là ở những nơi điều trị cho bệnh nhân bị bệnh cùi, bệnh phong. Đó cũng là những vị thầy thuốc nhân ái, là tấm gương tôi luôn ghi nhớ. Vì vậy, trong công tác Y Khoa, tôi luôn cố gắng làm vơi đi nỗi đau về thể xác và tinh thần cho người bệnh. Nếu chúng ta có thể làm được điều gì tốt cho họ thì sẽ cố gắng hết sức."

Xem thêm chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Tấn Cường tại đây.

....................................................

PGS.TS.BS Trần Quang Bính: những kỷ niệm còn mãi với thời gian

"Tôi luôn nhớ ơn những người thầy dạy dỗ mình cho đến hôm nay."


Mỗi khi đến Ngày Thầy Thuốc Việt Nam, người bác sĩ đều có cảm xúc riêng. Bởi ngày dành cho những người làm công tác y tế không chỉ riêng người bác sĩ, mà còn bao gồm cả điều dưỡng, hộ lý làm công việc phục vụ Y khoa. Riêng tôi, Ngày Thầy Thuốc gợi đến các kỷ niệm sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi nhớ công ơn thầy cô dạy dỗ, giúp bản thân trưởng thành hơn.

Để vững vàng như ngày hôm nay, tôi nhờ sự dạy dỗ của các thầy, các cô, các bậc đàn anh đi trước đã bỏ công sức, kiến thức, giúp người bác sĩ trưởng thành trong nghề nghiệp bởi “Không thầy đố mày làm nên”. Tôi luôn nhớ ơn những người thầy dạy dỗ mình cho đến hôm nay. 

PGS.TS.BS Trần Quang Bính.

Sự thành công của người bác sĩ thể hiện trong việc cứu chữa nhiều người bệnh, kể cả lúc “thập tử nhất sinh”. Tôi nhớ những năm 1980 - 1985, tình tình hình bệnh sốt rét bùng phát. Gia đình một chị cán bộ ở tỉnh Tiền Giang có đứa con trai duy nhất bị sốt rét ác tính, tưởng như không vượt qua được. Nhưng tôi cứu sống được cháu, dù cơ thể cậu bé khi ấy suy kiệt, gầy trơ xương. Mấy chục năm sau, đứa bé ngày đó trưởng thành và lập gia đình. Một lần lên thành phố, hai vợ chồng vẫn nhớ, đến thăm tôi. Tuy đây không phải là trường hợp cứu sống duy nhất nhưng là kỷ niệm đẹp, tôi mang theo suốt cuộc đời.

Xem thêm chia sẻ của Bác sĩ Trần Quang Bính tại đây.

.........................................

Ths.Bs Đào Thị Mỹ Vân: Góc khuất nghề Y - Sáng mãi chữ "Tâm"

Gây mê là khoa học nghệ thuật, vấn đề tăng giảm liều thuốc, cân đối làm sao cho phù hợp với từng bệnh nhân cá biệt. Giống như một đầu bếp, cũng bấy nhiêu nguyên vật liệu, người này nêm nếm ngon, người kia thì không.

Là người làm trong lĩnh vực gây mê từ năm 1992, ThS-BS Đào Thị Mỹ Vân - Phó Giám Đốc Y Khoa kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Quốc tế City cho rằng: “Trong suốt thời gian phẫu thuật, người gây mê hồi sức phải điều khiển máy móc và phương tiện để thay thế chức năng hô hấp của người bệnh vì bệnh nhân hoàn toàn ngừng thở hoặc thay thế chức năng tuần hoàn như trường hợp phải làm ngừng tim trong phẫu thuật tim và đối phó với hàng loạt các rối loạn khác của người bệnh như chảy máu, rối loạn huyết động, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ, rối loạn kiềm toan...”.

Ths.Bs Đào Thị Mỹ Vân.

BS Vân chia sẻ thêm: “Gây mê là khoa học nghệ thuật, vấn đề tăng giảm liều thuốc, cân đối làm sao cho phù hợp với từng bệnh nhân cá biệt. Giống như một đầu bếp, cũng bấy nhiêu nguyên vật liệu, người này nêm nếm ngon, người kia thì không”.

Các thầy thuốc của Khoa CIU – Bệnh viện Quôc tế City luôn làm việc hết công suất các đối tượng bệnh nhân nặng luôn đòi hỏi chăm sóc cấp I, nghĩa là phải theo dõi liên tục tim mạch, nhịp thở, tri giác, sự hoạt động đúng chế độ của các thiết bị hồi sức… còn đảm trách cả phần ăn uống, xoay trở, xoa bóp, đấm lưng để bảo đảm thông khí, cũng như đại tiểu tiện cho bệnh nhân. Không thể kể hết những nhọc nhằn mà họ luôn phải gánh vác.

Xem thêm chia sẻ của Bác sĩ Vân tại đây.

Ths.BS Nguyễn Văn Nhôm - Phó khoa Hồi Sức Tích Cực: “Ngành Y cũng tốt lắm”

Tôi luôn xem bệnh nhân như là người bạn, người thân của mình... khi đó tự động mình sẽ biết mình cần làm gì tốt nhất có thể...

 “Tôi luôn cố gắng nghĩ rằng bệnh nhân như là người bạn, người thân của mình... khi đó tự động mình sẽ biết mình cần làm gì tốt nhất có thể... Bên cạnh đó, tôi thường xuyên cập những kiến thức mới, trao dồi chuyên môn để công việc của mình mỗi ngày một tốt hơnphục vụ người bệnh tốt hơn”.

Ths.Bs Nguyễn Văn Nhôm.

Khi được hỏi vì sao bác sĩ Nhôm chọn CIH để công tác? Bác sĩ chân thành trả lời: “Tôi chọn Bệnh viện Quốc tế City (CIH) là một trong số ít bệnh viện tư nhân tầm cỡ. Tôi chọn CIH vì những lẽ: Tôi tin đây môi trường năng động tiếp cận nền y học hiện đại. Dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tốt, ít lây nhiễm… do đó chất lượng phụ vụ bệnh nhân cũng tốt hơn rất nhiều. Tôi tin rằng đồng lương nơi đây có thể đủ nuôi sống gia đình… Do đó, tôi sẽ dễ dàng chuyên tâm hơn vào việc nâng cao chuyên môn, tập trung vào công việc tốt hơn. Cũng từ đó, chất lượng cuối cùng sẽ tốt hơn”.

Xem thêm chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Văn Nhôm tại đây.

...................................................

Ths.BS Nguyễn Phước Lâm: 'Vui mừng khi Khoa nội soi của VN đạt chuẩn chất lượng cao'

Ngày 27/02 không chỉ là ngày của thầy thuốc mà còn là ngày của bệnh nhân. Thầy thuốc cứu chữa cho bệnh nhân, ngược lại bệnh nhân cũng đem lại những điều ý nghĩa đặc biệt cho thầy thuốc, đó là kinh nghiệm và tấm lòng!


Nhắc lại kỷ niệm thời mà nội soi còn rất mới mẻ, thô sơ, bác sĩ Lâm cho biết bây giờ, mặc dù kỹ thuật, trang thiết bị nội soi đã hiện đại nhưng Ông vẫn rất trân trọng thời kỳ khó khăn trước đây, vì chính sự thiếu thốn về trang thiết bị khiến Người Bác sĩ luôn không ngừng học hỏi, liên tục cập nhật những kỹ thuật mới với sứ mệnh: “đặt bệnh nhân lên hàng đầu”. Ngày nay, sứ mệnh đó vẫn không thay đổi nhưng với sự hiện đại hóa trang thiết bị, bác sĩ được tạo điều kiện tốt nhất trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

Ths.Bs Nguyễn Phước Lâm.

Hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêu hóa, Nội soi, bác sĩ Lâm vẫn cho rằng việc học hỏi, nghiên cứu là chưa bao giờ dừng lại, ngày nào cũng phải học, luôn luôn có cái để chúng ta học, học từ người bệnh, từ sách vở, từ đồng nghiệp... Nhìn bệnh nhân vui, bác sĩ cũng vui lây, nhìn bệnh nhân buồn, Người bác sĩ ấy cũng không khỏi nghẹn ngào.

Bác sĩ Nguyễn Phước Lâm chia sẻ: “Tôi thật sự hạnh phúc và vui mừng khi sau quá trình nội soi, biết được bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, và càng mừng hơn là bệnh nhân phát hiện sớm bệnh và kết quả điều trị tốt, khỏe mạnh. Với tôi, ngày 27/02 không chỉ là ngày của thầy thuốc mà còn là ngày của bệnh nhân. Thầy thuốc cứu chữa cho bệnh nhân, ngược lại bệnh nhân cũng đem lại những điều ý nghĩa đặc biệt cho thầy thuốc, đó là kinh nghiệm và tấm lòng!”.

Xem thêm chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Phước Lâm tại đây.

.........................................

BS CKI Quách Văn: "Hạnh phúc của thai phụ cũng chính là của tôi"

Đã vào ngành y thì phải luôn lấy tâm đức làm đầu và hết lòng vì bệnh nhân. Đặc biệt là trong ngành sản phụ khoa, mọi thứ đều phải được chính xác tuyệt đối.


Con đường của một nam bác sĩ phụ sản đã chính thức được mở ra khi thấy được khoảnh khắc vui mừng của đôi vợ chồng vừa hạ sanh em bé. Từ đó, Bác sĩ Quách Văn đã định hướng mình từ chuyên khoa Ngoại tổng quát sang Sản phụ khoa. Và cuộc hành trình khơi nguồn hạnh phúc bắt đầu…

Vào năm cuối thực hành y, khi đang có những dự định trở thành bác sĩ chuyên khoa khác. Khoảnh khắc bắt gặp đôi vợ chồng khóc nức nở và vui mừng khi vừa hạ sanh được một em bé đã làm cho bác thay đổi tất cả. Định hướng chuyển sang bác sĩ sản phụ khoa được hình thành, dù đã có rất nhiều khuyên ngăn từ gia đình và bạn bè.

Tuy nhiên, khi đã trở thành một nam bác sĩ sản phụ khoa lại không là một điều dễ dàng. “Nhiều thai phụ ngại vì bác là nam lắm, nhiều lúc họ phản ứng rất mạnh và yêu cầu đổi bác sĩ khác khám ngay lập thức khi vừa nhìn thấy. Thật sự, trong khoảng thời gian đầu, đây có lẽ là điều khiến bác nản lòng nhất khi liên tục bị từ chối”. Nhưng bác không vì những trở ngại ấy mà nản chí, và thế đã có Bác sĩ Quách Văn như ngày hôm nay.

Xem thêm chia sẻ của Bác sĩ Quách Văn tại đây.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 0) để gặp tổng đài viên.

Website: www.cih.com.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity