Thứ ba, 26/02/2019

Đằng sau ánh hào quang của ngành Y là những giằng xé và đấu tranh của chính bản thân người bác sĩ trong nghề. PGS. TS. BS Trần Quang Bính - Phó Giám đốc Y Khoa - phụ trách Khối Nội và Trưởng khoa Nội trú của Bệnh viện Quốc tế City với hơn 35 năm gắn bó ở vai trò bác sĩ có dịp hồi tưởng những kỷ niệm vui buồn với nghề mà ông luôn nhớ mãi.

PGS.TS.BS Trần Quang Bính - Phó Giám đốc Y Khoa Bệnh viện Quốc tế City.

Cảm xúc của bác sĩ mỗi năm về Ngày Thầy Thuốc Việt Nam?

Mỗi khi đến Ngày Thầy Thuốc Việt Nam, người bác sĩ đều có cảm xúc riêng. Bởi ngày dành cho những người làm công tác y tế không chỉ riêng người bác sĩ, mà còn bao gồm cả điều dưỡng, hộ lý làm công việc phục vụ Y khoa. Riêng tôi, Ngày Thầy Thuốc gợi đến các kỷ niệm sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi nhớ công ơn thầy cô dạy dỗ, giúp bản thân trưởng thành hơn.

Để vững vàng như ngày hôm nay, tôi nhờ sự dạy dỗ của các thầy, các cô, các bậc đàn anh đi trước đã bỏ công sức, kiến thức, giúp người bác sĩ trưởng thành trong nghề nghiệp bởi “Không thầy đố mày làm nên”. Tôi luôn nhớ ơn những người thầy dạy dỗ mình cho đến hôm nay.

Bác sĩ Trần Quang Bính đang khám và tư vấn cho bệnh nhân.

Với nhiều năm công tác, chắc hẳn bác sĩ có nhiều kỷ niệm vui buồn?

Sự thành công của người bác sĩ thể hiện trong việc cứu chữa nhiều người bệnh, kể cả lúc “thập tử nhất sinh”. Tôi nhớ những năm 1980 - 1985, tình tình hình bệnh sốt rét bùng phát. Gia đình một chị cán bộ ở tỉnh Tiền Giang có đứa con trai duy nhất bị sốt rét ác tính, tưởng như không vượt qua được. Nhưng tôi cứu sống được cháu, dù cơ thể cậu bé khi ấy suy kiệt, gầy trơ xương. Mấy chục năm sau, đứa bé ngày đó trưởng thành và lập gia đình. Một lần lên thành phố, hai vợ chồng vẫn nhớ, đến thăm tôi. Tuy đây không phải là trường hợp cứu sống duy nhất nhưng là kỷ niệm đẹp, tôi mang theo suốt cuộc đời.

Ngoài ra, bác sĩ còn gặp một trường hợp đặc biệt nào khác?

Trong xã hội “muôn hình muôn vẻ”, một tai nạn khác tôi gặp phải người nhà bệnh nhân bắt tôi làm một “cam kết cứu sống” thì mới cho chữa bệnh.

Những năm mới đi làm, tôi gặp trường hợp của một thanh niên bị rắn cắn, mất nhiều máu. Thời điểm đó, chúng ta chưa có huyết thanh kháng nọc nên tôi truyền máu cho cậu ấy. Thế nhưng người nhà bắt tôi phải làm cam kết cứu sống thì mới cho truyền máu và cứu chữa. Tôi giải thích “người bác sĩ phải làm hết sức, có trách nhiệm để cứu chữa bệnh nhân” nhưng người nhà cậu ấy rất đông, gây sức ép và hăm dọa tôi. Sau khi tôi giải thích, mọi người cũng đồng ý cho chữa bệnh. Sáng hôm sau, cậu thanh niên ấy đã tỉnh táo và hồi phục, khi đó gia đình cậu xếp hàng, không còn nặng lời mà xin lỗi vì sự thiếu hiểu biết, gây cản trở cho người thầy thuốc.

Bác cũng là diễn giả trong rất nhiều chương trình giáo dục sức khỏe cho người dân.

Bác sĩ có thể khái quát thành tựu trong năm vừa qua?

Những năm qua, khoa Nội của Bệnh viện Quốc tế City, bệnh nhân ngày càng tăng. Dù đội ngũ điều dưỡng, thầy thuốc còn khá ít, lực lượng mỏng, trình độ không đồng đều nhưng may mắn là khi bác sĩ, điều dưỡng luôn động viên nhau làm việc và luôn nhận được phản hồi tốt nhất của khách hàng. Trong năm qua, bệnh viện không để bất cứ trường hợp sai sót xảy ra. Đó là thành tích lớn lao của đội ngũ y tế khi chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân.

PGS.TS.BS Trần Quang Bính trong Hội thảo Viêm Gan B, C.

Bác sĩ có lời gửi gắm nào gửi đến những đồng nghiệp?

Nhân ngày ý nghĩa này, tôi muốn nhắn nhủ nghề nghiệp, đối tượng của người thầy thuốc là cứu chữa người bệnh, thành ra chúng ta phải cố gắng học hỏi, nâng cao tay nghề, tránh những sai sót do sự hiểu biết kém gây ra, đặc biệt không vì lợi ích vật chất cá nhân. Khi làm tốt điều này, xã hội sẽ có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với người bác sĩ hơn.

Xin cảm ơn bác sĩ. Chúc bác sĩ nhiều sức khỏe!

Với nền tảng kiến thức vững chắc và bề dày kinh nghiệm trong 35 năm nghiên cứu và điều trị trong lĩnh vực Y tế, đặc biệt là chuyên ngành Nội khoa cùng với kinh nghiệm trên 25 năm Quản trị bệnh viện, PGS. TS. BS. Trần Quang Bính đảm nhận trọng trách điều hành và quản trị hệ thống tại bệnh viện Quốc tế City từ tháng 7/2016 đến nay.

Năm 2012, được Hội đồng Chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư Nhà nước 2012 phong danh hiệu Phó Giáo sư chuyên ngành Nội khoa. Được Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu “Thầy Thuốc Ưu Tú” vào năm 2003.

Minh Tâm thực hiện

Quá Trình Công Tác

1982 – 1990: Bác sĩ điều trị khoa Nghiên cứu Sốt rét tại Bệnh viện Chợ Rẫy
1990 – 1996: Trưởng khoa Nghiên cứu Sốt rét tại Bệnh viện Chợ Rẫy
1996 – 2003: Trưởng khoa Nội Nhiễm tại Bệnh viện Chợ Rẫy
2003 – 6/2016: Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị Hồi sức cấp cứu – Chống độc tại Bệnh viện Chợ Rẫy
2009 – 6/2016: Phó Giám đốc trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo Tuyến
7/2016 – nay: Phó Giám đốc Y Khoa-phụ trách Khối Nội và Trưởng khoa Nội trú của Bệnh viện Quốc tế City

Bằng Cấp Chuyên Môn

1981: Tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa – Đại học Y Dược TP.HCM.
1987: Tốt nghiệp chuyên khoa cấp 1 – Đại học Y Dược TP.HCM, chuyên ngành Nội khoa
1996: Tốt nghiệp Tiến sĩ – Đại học Y Dược TP.HCM, chuyên ngành Nội khoa.
2003: Được Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu“Thầy Thuốc Ưu Tú”.
2012: Được phong danh hiệu Phó Giáo sư chuyên ngành Nội khoa.

 

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ

Khoa Nội soi Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 0) để gặp tổng đài viên.

Website: www.cih.com.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity