Xét nghiệm nước ối bị đa ối

4 năm 7 tháng trước #1083 bởi babycute
Em lo lắng quá,

Đi khám thai ở tháng thứ 7, bác sĩ bảo bị đa ối. Cần phải theo dõi nếu tăng quá phải chọc ối. Cho em hỏi trường hợp nào phải chọc ối và cần làm gì để chỉ số nước ối giảm?

Cảm ơn.

Yêu là chết trong lòng một ít... Ka ka

Vui lòng Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản để tham gia cuộc hội thoại.

4 năm 7 tháng trước #1086 bởi admin
Chào bạn!

Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi sau vài tuần đầu của thai kỳ. Trong phần lớn thời kỳ mang thai, nước ối có nguồn gốc gần như hoàn toàn từ thai nhi, giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi ở bụng mẹ, có tính chất kháng khuẩn do đó bảo vệ thai nhi tránh khỏi nhiễm trùng cũng như giúp phổi phát triển. Và đặc biệt nó đóng vai trò như một môi trường chứa chất lỏng và chất dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ để thai nhi giữ được thân nhiệt ổn định thích hợp.

Để chẩn đoán đa ối, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm và lấy kết quả ước lượng gián tiếp về thể tích nước ối. Mẹ được chẩn đoán đa ối khi chỉ số nước ối (amniotic fluid index - AFI) qua siêu âm quá 25 cm.

Đa ối xuất hiện càng sớm trong thai kỳ và lượng dịch ối càng cao thì nguy cơ biến chứng càng tăng. Dưới đây là một số rủi ro mà các mẹ bầu có thể gặp phải khi mắc chứng đa ối:
- Khi lượng chất lỏng trong tử cung quá cao, mẹ sẽ bị nguy cơ vỡ màng ối sớm;
- Sinh ngôi mông hoặc các tình huống không thuận lợi khác cho mẹ;
- Bong nhau thai;
- Sa dây rốn;
- Tăng trưởng và phát triển của thai nhi bị hạn chế, và có các vấn đề với phát triển khung xương;
- Để an toàn mẹ cần sinh mổ và vì vậy có thêm rủi ro so với sinh thường, có thể gặp nhiễm trùng hậu sản;
- Em bé sinh non nên các chức năng bộ phận chưa được hoàn thiện, có thể mẹ sẽ được cho thuốc steroid để giúp phổi của em bé trưởng thành nhanh hơn;
- Khả năng bị chảy máu hay băng huyết sau sinh ở những bà mẹ bị đa ối thường cao hơn. Điều này là do tử cung bị chèn ép do lượng ối lớn và không thể co lại hoàn toàn như thông thường;
- Thai chết lưu, đây là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Trên thực tế, thường không có biến chứng trong phần lớn các trường hợp đa ối. Tất nhiên những rủi ro này còn thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra đa ối. Ngay sau khi em bé được sinh ra, lượng chất lỏng dư thừa cũng tháo ra và người mẹ cảm thấy thoải mái hơn ngay lập tức.

Khi bị đa ối cần làm gì?


Trong hầu hết các trường hợp dư ối nhẹ thì không có gì đáng lo ngại. Bác sĩ sẽ dặn bạn thăm khám thường xuyên và cho bạn uống một số thuốc lợi tiểu. Nếu có thể xác định được nguyên nhân do nhiễm khuẩn, có thể điều trị bằng kháng sinh an toàn cho thai nhi.

Đối với tình trạng đa ối nặng, có dấu hiệu cảnh báo vấn đề liên quan đến thai nhi cần phải theo dõi, bác sĩ sẽ theo dõi kỹ lượng nước ối của bạn, nếu tăng quá nhanh bạn có thể phải phẫu thuật, chọc ối để rút bớt nước ối.

Ngoài ra, sản phụ cần thường xuyên thăm khám để theo dõi, thậm chí có thể phải nằm viện và can thiệp ngay khi cần thiết khi xuất hiện các triệu chứng rầm rộ như khó thở, tức ngực nhiều; bụng to lên nhanh và rõ rệt, đau tức đột ngột

Vui lòng Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản để tham gia cuộc hội thoại.