Bệnh hô hấp do nghề nghiệp

4 năm 5 tháng trước #1261 bởi Mai Jessica
Bác sĩ ơi,

Ông xã em làm cảnh sát giao thông thường xuyên tiếp xúc với khói bụi. Cho em hỏi liệu có nguy cơ mắc bệnh về hô hấp không vì em tìm hiểu thấy nhiều bệnh về hô hấp nếu không phát hiện có thể dẫn đến biến chứng.

Mong bác sĩ tư vấn cách tầm soát và điều trị.

Em cảm ơn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản để tham gia cuộc hội thoại.

4 năm 5 tháng trước #1266 bởi admin
Chào bạn!

Bệnh hô hấp nghề nghiệp là hậu quả của sự phơi nhiễm với bụi, hạt trên cơ địa người có nhạy cảm trong quá trình sản xuất, bụi có thể là bụi vô cơ như bụi silic, bụi amiăng hoặc bụi hữu cơ như bụi bông, đay, gai, lông vũ... Người ta xác định bụi trong môi trường lao động bằng các máy chuyên dụng để đánh giá bụi toàn phần và bụi hô hấp. Chính bụi hô hấp mới là tác nhân thực sự gây nên các tổn thương đường hô hấp. Những hạt bụi này thường có kích thước dưới 5 micromet. Hoặc xác định số sợi bông, sợi amiăng/1m3 không khí trong môi trường lao động và từ đó mới đánh giá được nguy cơ mắc bệnh của người công nhân. Nhìn chung, các bệnh hô hấp nghề nghiệp đều thuộc loại rất dễ mắc và có đặc điểm diễn tiến âm thầm, sau nhiều năm mới bộc lộ triệu chứng. Các triệu chứng thường gặp là ho, khó thở, cảm giác đau tức ngực. Bệnh nhân nặng có thể ho ra máu, khó thở thường xuyên, thể trạng suy sụp. Bệnh khó chữa và có thể làm mất khả năng lao động, thậm chí gây tử vong. Những bệnh này thường không hồi phục hoàn toàn do đó việc phòng ngừa, phát hiện sớm để kịp thời can thiệp là rất quan trọng. Xquang và đo chức năng phổi là các xét nghiệm rất quan trọng để chẩn đoán sớm các bệnh này.

Danh mục các bệnh phổi nghề nghiệp được Bộ Y tế và Bộ Lao động  Thương binh và xã hội công nhận ở Việt Nam gồm: bệnh bụi phổi - silic; bụi phổi - amiăng; bụi phổi bông, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, hen phế quản nghề nghiệp và lao nghề nghiệp.

Bệnh bụi phổi - silic


Đây là bệnh nguy hiểm và thường gặp nhất. Đó là tình trạng xơ hóa phổi lan tỏa do người lao động hít thở phải bụi có hàm lượng silic tự do cao (SiO2). Silic chiếm tới 25% bề mặt vỏ trái đất và được phân phối rộng rãi trong tự nhiên. Môi trường gây bệnh gặp ở tất cả các công việc có tiếp xúc với bụi silic tự do, chủ yếu là: khoan, đập, khai thác quặng đá, sản xuất và sử dụng các loại đá mài, bột đánh bóng, chế tạo thủy tinh, đồ sành sứ, đồ gốm, gạch chịu lửa và các sản phẩm có chứa silic tự do khác.. Bệnh tiến triển thành mạn tính do sự xâm nhập và tồn đọng của bụi chứa silic tự do ở dạng tinh thể. Sau khi ngừng tiếp xúc với bụi này, bệnh vẫn tiếp tục tiến triển, không hồi phục, gây các biến chứng như suy hô hấp, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, lao tại phổi, gây tràn khí phế mạc, hoại tử vô khuẩn, viêm phế quản mạn, xơ hóa phổi. Biểu hiện của bệnh phổi silic là khó thở khi gắng sức, đau tức ngực (lúc này bệnh đã phát triển và có biến chứng). Do chưa có thuốc điều trị hiệu quả nên bệnh nhân thường chỉ được điều trị triệu chứng và tập luyện phục hồi chức năng hô hấp.

Bệnh bụi phổi amiăng

Amiăng là một hợp chất gồm silicat, sắt, ma nhê, nhôm, kẽm. Những công việc tiếp xúc nhiều với amiăng như: khoan đập phá, khai thác quặng có amiăng; chải sợi, kéo sợi, dệt vải amiăng may áo cách nhiệt, làm thùng cách nhiệt cho nồi hơi, làm vật liệu cách âm, chế tạo doăng amiăng và cao su, xi măng amiăng, tấm lợp amiăng... Các triệu chứng của người mắc bệnh bụi amiăng là: khó thở khi gắng sức, đau ngực, cử động lồng ngực bị hạn chế. Bệnh có thể diễn tiến theo hướng xơ hóa phổi, tổn thương màng phổi lành tính, u ác tính. Người mắc bệnh bụi phổi amiăng có nguy cơ cao bị ung thư phế quản, ung thư biểu mô, các biến chứng thiểu năng tim, suy tim không hồi phục. Hiện cũng chưa có phương pháp điều trị khỏi hoặc hạn chế sự tiến triển của bệnh. Điều trị triệu chứng chủ yếu bằng các loại thuốc corticostéroid, thuốc long đàm, thuốc giảm ho, tập luyện phục hồi chức năng.

Tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn vệ sinh lao động sẽ tránh được bệnh phổi nghề nghiệp

Bệnh bụi phổi bông

Bệnh xuất hiện do tiếp xúc với bụi bông, bụi gai, bụi đay, vượt quá giới hạn cho phép (1mg/m3 trung bình lấy mẫu 8 giờ), thời gian tiếp xúc với nghề nghiệp thường trên 5 năm. Bệnh thường gặp ở các công nhân làm việc trong các nhà máy sử dụng hoặc sản xuất các sợi bông, đay, gai như se sợi, dệt vải, dệt bao bì, tiếp xúc lâu năm với bụi thảo mộc... Bệnh gây những tổn thương về bộ máy hô hấp ở giai đoạn sớm, người bệnh có biểu hiện tức ngực vào ngày lao động đầu tiên sau kỳ nghỉ cuối tuần. Về sau, triệu chứng này kéo dài sang các ngày khác trong tuần nhưng nhẹ dần vào những ngày cuối tuần. Ở giai đoạn cuối, biểu hiện lâm sàng giống với viêm phế quản mạn nên rất khó phân biệt bệnh có nguyên nhân nghề nghiệp hay không. Để điều trị, cần dùng thuốc kháng histamin để làm giảm tác hại bụi bông đối với phổi; hít thở khí dung thuốc giãn phế quản.

Bệnh viêm phế quản mạn tính

Bệnh do tiếp xúc nghề nghiệp với các loại bụi, nồng độ bụi vượt quá giới hạn tối đa cho phép, hoặc phải tiếp xúc với các hơi, khí độc như SO2, H2S... có trong môi trường với thời gian khoảng 3 năm. Bệnh có triệu chứng: phế quản tăng tiết gây ho, khạc đờm suốt trên ba tháng mỗi năm và kéo dài trên hai năm. Bệnh gây ra suy giảm chức năng hô hấp, có thể phát hiện ra qua đo chức năng phổi.

Hen phế quản nghề nghiệp

Đây là bệnh hen phế quản mà nguyên nhân được gây ra bởi toàn bộ hoặc một phần các tác nhân ở nơi làm việc. Nguyên nhân gây bệnh chính là do các công nhân thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên. Các tác nhân gây bệnh thường gặp ở các công nhân làm việc trong môi trường chăn nuôi, thí nghiệm labo, các nhà máy sản xuất hóa chất, xà phòng, thuốc lá, nhựa, cao su, làm đồ chơi, đồ gốm, thợ in hay ở các nông trường chè, cafe, nhà máy chế biến gỗ, công nghiệp hóa dược... Bệnh tiến triển rất phức tạp và còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Bệnh thường xuất hiện ở những công nhân đã có tiền sử mắc bệnh hen hoặc những công nhân có cơ địa dị ứng. Với những người có cơ địa dị ứng, khi ngừng tiếp xúc trong môi trường lao động có yếu tố dị nguyên, triệu chứng hen cũng mất dần. Bởi vậy người lao động đã xác định hen nghề nghiệp nên ngừng tiếp xúc với môi trường có yếu tố khởi phát.

Dự phòng bệnh hô hấp nghề nghiệp

Bệnh hô hấp nghề nghiệp có thể phòng tránh một cách hiệu quả nếu người lao động tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn vệ sinh lao động.

Các cơ sở làm việc cần trang bị kiến thức, hiểu biết cho người lao động cũng như người sử dụng lao động về các bệnh hô hấp nghề nghiệp và biện pháp dự phòng dưới hình thức thông qua các lớp tập huấn, hội thảo về an toàn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Các cơ quan hữu quan cần giám sát, kiểm tra định kì và có biện pháp cải thiện môi trường lao động thường xuyên như từng bước thay đổi qui trình công nghệ cũ bằng công nghệ hiện đại, sạch, tự động hóa hoặc sử dụng các chất thay thế ít gây độc hại hơn; tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo hộ lao động như: hệ thống thông gió, hút bụi, dập bụi, hút hơi, khí độc... và tăng cường trang bị bảo hộ lao động cá nhân, khẩu trang có hiệu quả.

Thân.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản để tham gia cuộc hội thoại.