Lọc máu nhân tạo là gì?
Trong quá trình lọc máu, một quả thận nhân tạo (hemodialyzer) được sử dụng để loại bỏ các chất thải, độc tố còn đọng lại và nước dư thừa trong máu. Để chuẩn bị cho quá trình lọc máu, bác sĩ cần thực hiện phẫu thuật nhỏ để tạo đường mạch máu (thường là ở tay hoặc chân) bằng cách thực hiện nối dưới da giữa động mạch và tĩnh mạch gọi là fistula (FAV).
Tuy nhiên, nếu mạch máu của bạn không đủ đáp ứng để làm fistula, bác sĩ sẽ dùng một ống nhựa mềm thông nối giữa động mạch và tĩnh mạch dưới da. Phương thức này được gọi là graft. Có khi, bác sĩ sẽ tạm thời tạo đường dẫn bằng một số ống nhựa hẹp được gọi là ống thông (catheter) được gắn vào tĩnh mạch lớn ở cổ hoặc tĩnh mạch bẹn. Thông thường, bạn sẽ tiến hành lọc máu 3 lần 1 tuần, mỗi lần mất khoảng 4 tiếng phụ thuộc vào cơ địa và bệnh trạng riêng của từng người theo chỉ định bác sĩ.
