2024-08-23 02:50:05
𝑉𝑖𝑒̂𝑚 𝑑𝑎 𝑡𝑖𝑒̂́𝑝 𝑥𝑢́𝑐 𝑑𝑜 𝑐𝑜̂𝑛 𝑡𝑟𝑢̀𝑛𝑔 𝑘ℎ𝑜̂𝑛𝑔 𝑝ℎ𝑎̉𝑖 𝑙𝑎̀ 𝑏𝑒̣̂𝑛ℎ 𝑧𝑜𝑛𝑎 ℎ𝑎𝑦 “𝑔𝑖𝑜̛̀𝑖 𝑙𝑒𝑜”, 𝑐ℎ𝑢́𝑛𝑔 𝑡𝑎 𝑐𝑎̂̀𝑛 𝑝ℎ𝑎̂𝑛 𝑏𝑖𝑒̣̂𝑡 𝑟𝑜̃ đ𝑒̂̉ 𝑐𝑜́ 𝑏𝑖𝑒̣̂𝑛 𝑝ℎ𝑎́𝑝 𝑥𝑢̛̉ 𝑡𝑟𝑖́ 𝑝ℎ𝑢̀ ℎ𝑜̛̣𝑝.
Thời gian gần đây, vào mùa mưa, tại nhiều địa phương trong cả nước có rất nhiều người xuất hiện biểu hiện ngứa, nổi bọng nước, viêm loét da,.. khi tiếp xúc với côn trùng, thường gặp nhất là kiến ba khoang. Chúng tôi xin cung cấp thông tin về loại côn trùng gây bệnh này để mọi người biết cách xử trí, phân biệt với bệnh zona (giời leo) và cách phòng tránh.Vài nét về kiến ba khoang.
Viêm da tiếp xúc do côn trùng
Kiến ba khoang có tên Paederus fuscipes curtis (Staphylinidae,Coleoptera). Loài côn trùng này có hai màu đỏ và đen, thân mình thon, dài 1 – 1,2cm, ngang 2 – 3mm. Người ta thường gọi chúng với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong…
Loài kiến này bay và chạy rất nhanh, có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ; cơ thể đôi khi màu cam tối hay sậm màu và nhọn ở vùng bụng, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng. Một đôi cánh trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới cánh cứng. Ban ngày, kiến bò lê, hoặc bò nhanh ở môi trường chung quanh và giấu cánh tương tự như kiến. Khi bất thường, nó tăng kích thước phần bụng lên, có cử chỉ đe dọa như con bọ cạp và bản thân chúng cũng có thể bay và chạy nhanh trên nước.
Đây không phải là loại côn trùng mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu ở nước ta. Chúng thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, ven bờ suối hoặc dưới tán cây ở các bìa rừng, bãi rác thải, công trình đang xây dựng,…
Kiến ba khoang thường xuất hiện và phát triển vào đầu mùa mưa khi có độ ẩm cao, nhất là sau các cơn mưa lớn đầu mùa, rất thích ánh sáng đèn ban đêm nên thường bay vào đèn, vào nhà khi sáng đèn.
Độc tố gây viêm da
Theo các chuyên gia về côn trùng học, do trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin (C24H43O9N, còn được gọi là cantharidin, thuộc loại alkaloid) chứa trong một đôi tuyến ở phần cuối bụng với tác dụng bảo vệ trứng khi đẻ khỏi bị các loài sinh vật khác tấn công để ăn trứng.
Sau những cơn mưa bị ngập nước không còn nơi cư trú, kiến thường bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn… Pederin có tính xuyên thấm qua da. Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng đó hoặc vô ý đập làm cho côn trùng chết trên da thì độc tố có thể tiết ra ngoài, dính vào da người gây bệnh ngay tại vùng da đó… Nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm độc tố pederin dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan rộng.
Biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở những vùng hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân,… Kiến ba khoang có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng tùy theo độc chất pederin hiện diện trên cơ thể kiến xâm nhập qua da. Nếu tay bị dính chất độc pederin khi đập kiến, chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt, kết mạc, giác mạc, võng mạc…
Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước ngoài da có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc với độc tố pederin từ 12 – 36 giờ. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm sẽ tiến triển sang dạng loét. Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo động tác khi ta thực hiện việc đập, giết và chà xát kiến trên da.
Viêm da tiếp xúc liên quan đến côn trùng, nhất là do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở các vùng da hở, người bệnh thường có biểu hiện bỏng rát da, phồng rộp đã nhầm tưởng là bệnh zona nên tự đi mua thuốc điều trị. Đã có những người bôi thuốc acyclovir kháng virus vào sang thương viêm da dị ứng dẫn đến loét da, tổn thương da nặng, phải nhập viện điều trị. Nguy hiểm nhất là các đối tượng trẻ nhỏ vì làn da của trẻ mỏng manh nên rất dễ bị tổn thương.
Trong trường hợp bị kiến ba khoang cắn, bò vào người mà lỡ tay đập chết, chà xát trên da thì cần nhanh chóng rửa ngay bằng nước sạch với xà phòng tại phần da nghi ngờ bị độc chất pederin xâm nhập; có thể rửa bằng thuốc tím sát trùng. Nếu vùng da đó bị phồng rộp, có biểu hiện viêm loét,…người bệnh phải đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và chỉ định dùng thuốc thích hợp, không nên tự ý mua thuốc điều trị vì trong các loại thuốc bôi ngoài da thường có chứa corticoid, chất giải độc tố… nên cần có bác sĩ chỉ định mới được dùng. Điều trị đúng chỉ trong khoảng 1 tuần là khỏi; nếu điều trị muộn hoặc sai, tổn thương sẽ lan rộng, gây loét da, việc điều trị sẽ khó khăn và kéo dài hơn.
Tổn thương da ở nhiều nơi trên cơ thể
Viêm da tiếp xúc do côn trùng xảy ra ở những vị trí da tiếp xúc với các chất tiết của côn trùng đang sống hoặc đã chết.
Tổn thương da có thể xuất hiện cùng lúc ở nhiều vị trí trên cơ thể và không có triệu chứng báo trước, khác với bệnh zona chỉ có một bên, phải hay trái. Bệnh có thể gây khó chịu, lo lắng và rất dễ lan thành dịch ở những người chung sống trong cùng môi trường. Trong khi dó, zona chỉ xuất hiện riêng lẻ ở cá nhân đã từng bị thủy đậu.
Những côn trùng gây viêm da tiếp xúc thường là bướm, bù mắt, sâu ban miêu (Meloidae), giời, rết (Myriapoda), kiến ba khoang (Paederus fuscipes Curtis)…
Người làm việc hoặc ngủ, tắm dưới ánh đèn; người làm vườn, chăm sóc cây kiểng có thể bị côn trùng bám vào khăn lau, vào cổ, mặt hay vùng da hở tứ chi, thân mình.
Phản xạ tự nhiên dùng tay quệt, đập… sẽ làm các độc chất gây bỏng da như pederin của kiến ba khoang, cantharidin của sâu ban miêu hay phosphor của con giời tiết ra gây viêm da tại vị trí tiếp xúc.
Bệnh nhân lúc đầu có cảm giác ngứa rát, nổi hồng ban nơi vùng da tiếp xúc với côn trùng. Sau 6-12 giờ, da sẽ sưng phù và thường kéo thành vệt dài như vết cào gãi, trên có nhiều mụn nước kích thước 1-5mm không đều, biến thành mụn mủ 2-3 ngày sau.
Tổn thương da dễ lan rộng do động tác gãi làm phát tán dịch tiết ra vùng da xung quanh. Cảm giác ngứa, rát tăng dần nhưng không đau nhức; có thể kèm theo sốt nhẹ, nổi hạch vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với vị trí tổn thương.
Đa số vết phỏng, ngứa mất đi sau 3 – 5 ngày nhưng cũng có người bị tổn thương lan rộng, sưng đau, kèm sốt, bạch cầu tăng cao. Người bệnh có cảm giác đau đớn, khó chịu.
Điều đáng nói, những trường hợp nhầm lẫn giữa bệnh zona và bệnh việm da tiếp xúc do côn trùng là khá phổ biến, rơi vào những người bị vết phỏng rộng, lan toả, nổi mủ và bệnh nhân thường tự mua thuốc bôi điều trị. Có những người bệnh bôi nhiều thuốc Acyclovir – điều trị nhiễm vi rút herpes, đến mức bị loét da sâu, lan rông thêm.
Ngoài kiến ba khoang, bù mắt là côn trùng thuộc bộ hai cánh Diptera, lớpInsecta, tuy không nguy hiểm nhưng cũng rất thường gây viêm da tiếp xúc cho bà con vùng nông thôn. Bù mắt thường xuất hiện nhiều vào ban đêm…
Điều trị
Việc xử trí viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang hay với nhiều loại côn trùng khác chủ yếu là điều trị tại chỗ, tùy theo giai đoạn của bệnh.Cần lưu ý trẻ em là đối tượng bệnh dễ tiến triển nặng nhất do các em không chịu được ngứa, càng ngãi tổn thương càng lan rộng, sâu. Sang thương da tại chỗ hay những dấu hiệu toàn thân như ngây ngấy sốt, khó chịu, nổ hạch, đau… cũng khác nhau tùy mức độ tổn thương. Có người chỉ bị một vài con đốt, nhưng có người đến vài chục con gây tổn thương rất rộng, phù nề toàn bộ vùng mặt.
Các mụn mủ nơi da tiếp xúc với côn trùng tiến triển 5-7 ngày thì đóng vẩy tiết, khô dần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở một số người, phản ứng dị ứng lại có thể kéo dài 1-3 tuần và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn.
Ðể hạn chế tình trạng viêm dị ứng, bà con nên rửa sạch vùng da tiếp xúc côn trùng với nước và xà phòng; tạm sử dụng các thuốc bôi sát khuẩn ngoài da như milian, eosine; nếu ngứa nhiều có thể dùng thêm cezil, chlorpheniramine.
Khi lành, các sang thương viêm da dị ứng do tiếp xúc với dịch tiết côn trùng sẽ bong vảy và để lại vết sẹo thâm đen. Ít nhất từ 1-2 tháng sau, các vết thâm này mới từ từ phai mờ dần rồi sẽ mất hẳn mà không cần dùng thuốc.
Bà con nên chú ý điều trị tích cực ngay từ đầu, không gãi hoặc chà xát vùng da bị tổn thương vì có thể gây bội nhiễm và để lại sẹo xấu khó hồi phục sau này.
Người có các triệu chứng ngoài da giống như bị viêm da tiếp xúc do côn trùng nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm sau 72 giờ nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu khám ngay để được chẩn đoán phân biệt với zona và các bệnh ngoài da khác.
Việc chỉ định điều trị sớm và phù hợp sẽ giúp hạn chế các biến chứng không mong muốn xảy ra. Bà con không nên tự mua thuốc sử dụng vì nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị các loại bệnh này hoàn toàn khác nhau.
Phòng ngừa
Mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày; cho trẻ nằm trong nôi có màn che chống ruồi, muỗi và các loại côn trùng khác. Những người thường làm việc vào buổi tối dưới ánh đèn cần đóng cửa sổ hoặc lắp lưới ngăn côn trùng bay vào, nhất là vào mùa mưa bão.
Nhớ đóng các cửa lại trước khi mở đèn để ngăn côn trùng bay vào phòng theo ánh sáng; chú ý kiểm tra phát hiện côn trùng trong bồn tắm, bể chứa nước, khăn mặt, quần áo trước khi sử dụng.
Không phơi quần áo, khăn mặt bên ngoài vào buổi chiều tối. Nên dùng các loại thuốc bôi ngoài da để chống muỗi và các côn trùng khác.
Môi trường sống xung quanh phải thật sạch sẽ, thông thoáng. Cần dọn dẹp, phát quang kỹ những nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm; gom đốt xác cây mục, cỏ khô để xua đuổi côn trùng; phun thuốc diệt côn trùng những nơi um tùm, rậm rạp cạnh khu dân cư.
Có thể dùng đèn huỳnh quang để ngoài cửa, dẫn dụ côn trùng bay đến và tiêu diệt vì chúng thường có khuynh hướng tụ tập ở những nơi có ánh sáng này.
Nếu phát hiện kiến ba khoang bám vào cơ thể, quần áo, khăn mặt, chăn màn… bà con nên thổi nhẹ hoặc hất mạnh cho chúng bay đi. Tránh đập chết hay chà sát chúng trên da vì có thể làm phát tán dịch tiết và độc tố pederin ra vùng da xung quanh.
Phân biệt biểu hiện của bệnh zona
Người bị bệnh zona (giời leo) có vùng da tổn thương là mảng hồng ban – chùm bóng nước kèm cảm giác nóng rát, đau nhức nhiều, thường chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể. Zona do virút thủy đậu varicella – zoster gây ra, chỉ xảy ra ở người từng bị thủy đậu.
Dân gian lầm tưởng các triệu chứng này là do con giời (cùng nhóm Myriapoda với con rết) tiếp xúc với da gây ra nên còn gọi đây là bệnh “giời leo”.
Tổn thương do zona thường chỉ kéo dài khoảng một tháng nhưng cảm giác đau thần kinh sau zona có thể kéo dài nhiều tháng cho đến vài năm sau. Bệnh zona xuất hiện có tính cách riêng lẻ, không thể thành dịch, thường chỉ bị một lần trong đời và rất hiếm khi tái phát.
BÀI VIẾT CỦA BS. LÊ ĐỨC THỌ – KHOA DA LIỄU BỆNH VIỆN QUỐC TẾ CITY.
ƯU ĐÃI GIẢM 50% PHÍ KHÁM BUỔI CHIỀU
- Quý khách đi khám vào các buổi chiều tại khoa Da liễu sẽ được hưởng ngay #ưu_đãi_50%, không chờ đợi, tiết kiệm tài chính.
- Thời gian áp dụng: Từ 01/08/2024 – 31/12/2024.
Đối tượng áp dụng:
- Khám bệnh với bác sĩ toàn thời gian.
- Khách hàng là bệnh nhân Campuchia và bệnh nhân nước ngoài.
𝐋𝐢𝐞̂𝐧 𝐡𝐞̣̂:
💌 Khoa Da liễu CIH
💌 Tổng đài: 𝟏𝟗𝟎𝟎 𝟖𝟏𝟒𝟔 𝐡𝐨𝐚̣̆𝐜 𝐢𝐧𝐛𝐨𝐱 𝐟𝐚𝐧𝐩𝐚𝐠𝐞 𝐂𝐈𝐇.
👉 Xem thêm: https://cih.com.vn/khoa-lam-sang/359-bac-si-le-duc-tho.html
………………………..
Bệnh viện Quốc tế City
🏥 Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
☎️ Tổng đài: 1900 8146
🌍 Website: https://cih.com.vn
🔖 Tiktok CIH: https://www.tiktok.com/@benhvienquoctecity.
#Viêm_da_tiếp_xúc_do_côn_trùng