Nhân ngày vệ sinh bàn tay thế giới - World Hand Hygiene Day - 5/5/2018, Tổ chức Y tề Thế giới (WHO) đã đưa ra chủ đề "It’s in your hands – prevent sepsis in health care” (Ngăn ngừa nhiễm trùng huyết trong chăm sóc sức khỏe - Vấn đề trong bàn tay bạn), kêu gọi các nhân viên y tế hãy thực hiện đúng yêu cầu vệ sinh bàn tay để phòng chống nhiễm khuẩn, ngăn ngừa việc nhiễm trùng huyết có thể xảy ra khi chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Nhiễm trùng huyết là tình trạng nguy hiểm, ước tính có thể ảnh hưởng đến hơn 30 triệu bệnh nhân mỗi năm trên toàn thế giới. Việc chăm sóc sức khỏe không đúng có liên quan với tình trạng nhiễm trùng. Nhiễm trùng mắc phải trong quá trình chăm sóc sức khỏe rất phổ biến và là một yếu tố nguy cơ phát triển nhiễm trùng huyết. Chúng ta có thể chủ động ngăn ngừa điều này và vệ sinh bàn tay hiệu quả đóng vai trò then chốt. Tiêu điểm của ngày vệ sinh bàn tay thế giới 05/05/2018 là việc phòng ngừa nhiễm trùng huyết trong chăm sóc sức khỏe.
Bàn tay của nhân viên y tế là yếu tố trung gian rất dễ gây nhiễm khuẩn và lan truyền mầm bệnh khi chăm sóc bệnh nhân, hậu quả có thể dẫn đến tai biến nhiễm trùng huyết. Do đó, rửa tay là biện pháp tốt nhất để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế. Hiện vẫn còn có nhiều nhân viên y tế, bác sĩ lẫn điều dưỡng, coi nhẹ việc vệ sinh bàn tay hoặc rửa tay không đúng quy cách dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao.
Nhằm kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhiễm trùng, Tổ chức Y tề Thế giới (WHO) đã đã chấp thuận ban hành hướng dẫn chuyên môn về vệ sinh bàn tay cho nhân viên y tế và thân nhân khi chăm sóc bệnh nhân do Hiệp hội Chăm sóc sức khỏe dịch tễ học Mỹ (The Society for Healthcare Epidemiology of America) đề nghị. Việc rửa tay phải thực hiện đúng các yêu cầu về thời điểm để ngăn ngừa việc lây lan vi khuẩn kháng thuốc cũng như có thể gây nhiễm trùng huyết.
Một số khuyến nghị quan trọng cho nhân viên y tế:
• Xà phòng và các chất rửa tay có chứa cồn (alcohol-based hand rubs - ABHR) phải được dùng vệ sinh tay thường xuyên trong tất cả các khu vực có bệnh nhân.
• Nhân viên y tế nên rửa tay với nước và xà phòng hoặc dùng các chất rửa tay có cồn trước khi tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân, trước khi chuẩn bị xử lý thuốc hay thực hiện các thủ thuật cho bệnh nhân cũng như trước khi di chuyển từ một vị trí cơ thể bị ô nhiễm đến một vị trí cơ thể sạch sẽ trên người bệnh nhân.
• Bàn tay cũng nên được làm sạch trước và sau khi sử dụng một thiết bị xâm lấn, sau khi tiếp xúc với các chất dịch cơ thể, sau khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc với môi trường xung quanh bệnh nhân.
• Khi thấy bàn tay bẩn, nên sử dụng xà phòng và nước rửa sạch, không dùng các chất rửa tay có chứa cồn.
• Tránh dùng các loại xà phòng sát khuẩn có chứa triclosan vì nguy cơ làm gia tăng các chủng vi khuẩn kháng thuốc và gây ô nhiễm môi trường.
• Việc tuân thủ vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế cần được theo dõi trực tiếp bằng các kỹ thuật công nghệ hoặc gián tiếp bằng cách theo dõi khối lượng của sản phẩm vệ sinh được sử dụng.
5 thời điểm cần rửa tay (WHO)
Tổ chức Y tề Thế giới (WHO) kêu gọi toàn thể nhân viên y tế, thân nhân người bệnh, nhân viên phụ trách phòng chống nhiễm khuẩn và các nhà quản lý y tế hãy phát động và hưởng ứng mạnh mẽ phong trào vệ sinh bàn tay đúng cách khi chăm sóc bệnh nhân để ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn huyết. Nên xem việc thực hiện đúng các yêu cầu vệ sinh bàn tay là một chỉ số quản lý chất lượng trong chăm sóc sức khỏe.
Theo Bác sĩ Lê Đức Thọ - Chuyên Khoa Da Liễu Bệnh viện Quốc tế City.