Vnexpress - Em bé Palamy Imthapatha 8 ngày tuổi, bị bệnh tim bẩm sinh, được gia đình đưa từ Lào đến Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật.

Chào đời vào cuối tháng 10, bé được các bác sĩ Lào phát hiện bệnh tim. Các bác sĩ không thể can thiệp cho bé nên đã tham vấn Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương.

"Khi biết các bác sĩ ở Việt Nam có thể phẫu thuật cho con, tôi đặt vé máy bay đưa con sang ngay", người bố nói vào cuối tháng 11.

Tiến sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, cho biết bé Palamy là ca bệnh thứ 500 được Trung tâm Tim mạch can thiệp chuyển gốc động mạch thành công.

Palamy chỉ là một trong300.000 bệnh nhân nước ngoài đến khám và điều trị ở Việt Nam năm qua. Y thuật cao của các bác sĩ, nhất là trong các lĩnh vực như can thiệp tim mạch, điều trị vô sinh hiếm muộn và phẫu thuật nội soi, đang thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân nước ngoài.

Mới đây, một ông bố Ukraine mang con trai đến Việt Nam chữa ung thư. H.Volodymyr 17 tuổi mắc bệnh u nguyên bào tủy 5 năm nay. Em đã hai lần phẫu thuật tại Israel và Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhiều đợt xạ trị ở các nước khác, bệnh ngày một nặng. Không đầu hàng số phận, bố của H.Volodymyr mang con sang Việt Nam với hy vọng nếu không khỏi bệnh cũng sẽ kéo dài thêm sự sống của con trai. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Quốc tế City ở TP HCM, kết quả khả quan.

Bác sĩ Hassan (phải) trong một ca học mổ tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: Lê Nga.

Không chỉ bệnh nhân ngoại đến Việt Nam để khám chữa bệnh mà nhiều y bác sĩ nước ngoài cũng đến để học nghề. Bác sĩ Hassan từ Arab Saudi sang Hà Nội học Kỹ thuật Phẫu thuật nội soi tuyến giáp Dr Luong trong hai tuần. Anh cho biết đây là lần đầu tiên đến Việt Nam và "bất ngờ về trình độ chuyên môn, cũng như trang thiết bị hiện đại của y tế Việt Nam".

Ở Arab Saudi, phẫu thuật tuyến giáp thường sử dụng kỹ thuật mổ mở hoặc qua đường miệng, thời gian hậu phẫu lâu, bệnh nhân có thể bị vết sẹo dài trên cổ, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. "Kỹ thuật Dr. Luong hoàn hảo, nhanh, an toàn, không để lại sẹo sau mổ nên có tính thẩm mỹ cao", bác sĩ Hassan nhận xét sau khi xem mổ thị phạm nội soi tuyến giáp.

Chi phí bệnh nhân trả cho ca mổ theo phương pháp Dr Luong chỉ bằng 4% so với các nước trong khu vực. Một ca cắt thùy tuyến giáp tại Hàn Quốc hoặc Singapore mất 2 giờ với chi phí khoảng 8.000-10.000 USD, tiến hành tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương chỉ mất 30 phút với 300-400 USD.

Chi phí để học kỹ thuật mổ Dr Luong cũng rất rẻ so với chi phí đào tạo ở nước ngoài. Các khóa học một tuần, 2 tuần, 3 tuần, tùy theo học viên lựa chọn.

Phương pháp chữa vô sinh của Việt Nam cũng khiến bác sĩ nước ngoài ca ngợi. "Các bạn nên tự hào về những điều đang làm được và khiến nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Australia phải thán phục", nữ tiến sĩ Adrianne K. Pope nhận xét.

Hiện Việt Nam là trung tâm đào tạo thụ tinh ống nghiệm lớn nhất khu vực, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế uy tín. Mỗi năm có hàng trăm cặp vợ chồng nước ngoài đến Việt Nam chữa vô sinh. Nhiều Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài cũng tìm về quê nhà để điều trị vô sinh. Mới đây nhất là cặp chồng Mỹ vợ Việt đã đón con đầu lòng sau 6 năm hiếm muộn nhờ thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam.

Chị Thủy là Việt kiều ở Canada, bị tắc nghẽn hai vòi trứng. Chồng chị chỉ tin tưởng một vài bệnh viện châu Âu, nhưng chị phải chờ từ 6 tháng đến 3 năm mới tới lượt. Một lần chị Thủy khám tại Singapore, một nữ bác sĩ người Ấn Độ khuyên chị nên về Việt Nam chữa.

Chồng chị Thủy chần chừ vì chưa thật sự tin tưởng vào tay nghề, thiết bị ở Việt Nam. Chị cố thuyết phục chồng thử tìm cơ hội. Cuối cùng, anh chị đã có 'quả ngọt', bé trai hiện 7 tháng tuổi rất hóm hỉnh.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và vô sinh TP HCM cho biết, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam chi phí thấp hơn các nước, cơ hội thành công của một chu kỳ điều trị khá cao.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, năm 2018, các bệnh viện trong nước tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh. 57.000 người trong đó đã điều trị nội trú.

Trong số những người mà ngành y tế Việt Nam hướng tới còn có khoảng 4 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài, trong đó có khoảng 1,8 triệu người Việt sống tại Mỹ. Việt kiều thường xuyên về Việt Nam là nguồn khách hàng tiềm năng lớn của các bệnh viện trong nước.

Bộ Y tế vừa xây dựng đề án Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu năm 2021 - 2030, tỷ lệ người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam, tăng trưởng hàng năm từ 1% trở lên.

Bệnh nhân người Australia khám tại một bệnh viện ở Việt Nam. Ảnh: N.P

Bộ Y tế đánh giá 5 năm qua ngành y tế có sự tiến bộ vượt bậc. Nhiều bệnh viện ứng dụng thành công các kỹ thuật khó, tiên tiến trên thế giới. Lĩnh vực ghép tạng thực hiện các kỹ thuật ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc... mang tính thường quy. Đặc biệt, chi phí dịch vụ y tế tại Việt Nam thấp hơn so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, từ các kỹ thuật nha khoa, thẩm mỹ cho đến những kỹ thuật phức tạp như phẫu thuật nội soi, ung bướu, thụ tinh ống nghiệm, ghép tạng...

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận chất lượng cấp quốc tế. Việc đánh giá chất lượng độc lập, công bố kết quả ở cấp độ quốc gia hoặc "gắn sao" cho bệnh viện chưa được triển khai. Do chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận quốc tế nên người nước ngoài nếu khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập sẽ không được các hãng bảo hiểm của nước ngoài chi trả.

"Với đề án này, Bộ Y tế kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thu hút du lịch - sức khỏe - y tế - nghỉ dưỡng trong vòng 20 năm tới, trở thành nền 'công nghiệp y tế' trong tương lai", ông Khuê nói.

Theo Vnexpress

Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (8428) 6280 3333. Máy nhánh 0 để gặp nhân viên tư vấn.

Website: www.cih.com.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity/