Mổ mắt cận bằng những biến thể của phương pháp sử dụng tia laser điều chỉnh lại độ cong của giác mạc ngày nay đã trở thành thủ thuật cần phải làm đối với rất nhiều người bị cận thị. 

Cận thị là một tật khúc xạ của mắt khi mắt không điều chỉnh hoặc khúc xạ ánh sáng đúng cách để tập trung vào một vật để cho hình ảnh rõ ràng. Cận thị gây phiền toái đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Nguyên nhân là vì người bị cận thị cần đeo kính gọng hoặc kính áp tròng để có thể nhìn được vật ở xa như bình thường. Việc đeo kính cũng khiến cho người sử dụng gặp phải nhiều trở ngại trong sinh hoạt, làm việc, tập luyện thể thao. Ngoài ra, người bị cận còn dễ rơi vào tình trạng khô mắt nếu dùng kính áp tròng thường xuyên hoặc bị ảnh hưởng đến thẩm mỹ (mắt bị “dại”).

Nguyên nhân và diễn tiến của chứng cận thị

Theo các bác sĩ, cận thị xảy ra khi mắt dài hơn bình thường hoặc giác mạc quá cong. Kết quả là các tia sáng tập trung vào phía trước võng mạc thay vì trên võng mạc. Người bị cận thị nhìn gần thì rõ nhưng nhìn xa thì mờ, dễ mỏi mắt, nhức đầu, cần nheo mắt để nhìn và khó nhìn thấy những vật ở xa.

Đối với trẻ nhỏ, cận thị có thể do tiếp xúc thường xuyên với màn hình của thiết bị di động, máy tính quá sớm khi thị giác chưa phát triển hoàn thiện. Đối với người lớn, thói quen học tập và làm việc môi trường thiếu ánh sáng, ngồi sai tư thế, chế độ dinh dưỡng, yếu tố di truyền, bẩm sinh có thể gây ra cận thị.

Phương pháp Relex Smile có ưu thế ít can thiệp lên giác mạc hơn phương pháp cũ.

Bác sĩ Trịnh Bạch Tuyết ở Bệnh viện quốc tế City phân tích, đối với trẻ em, các triệu chứng cận thị có thể biểu hiện rõ trong độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi. Trong những năm thiếu niên, khi cơ thể phát triển nhanh chóng, mắt đã cận thị có thể suy yếu và bị cận nặng (tăng độ) nhiều hơn. Trong độ tuổi từ 20 đến 40, hệ thống thị giác đã trưởng thành, sẽ ít thay đổi, độ cận thường không có biến động lớn.

‘Tất tần tật’ về mổ cận thị với tia laser

Theo bác sĩ Tuyết, phẫu thuật cận thị sử dụng tia laser (Lasik) để điều chỉnh lại hình dạng của giác mạc là cách làm mang lại hiệu quả cao nhất. Phương pháp này còn được dùng để trị các tật về khúc xạ ở mắt khác như viễn thị, loạn thị.

Trong phương pháp Lasik, giác mạc được mở ra bằng dao vi phẫu (tạo vạt giác mạc) sau đó tia laser sẽ được chiếu nhanh để đốt bớt mô và tạo hình giác mạc. Tại các cơ sở về nhãn khoa có thực hiện phẫu thuật Lasik, khách hàng thường được giới thiệu rất nhiều “biến thể” của phẫu thuật Lasik như Custom Lasik, Cross-link Lasik, Epi-Lasik…

Thực chất, tất cả đều là phẫu thuật Lasik với một số khác biệt nhỏ về tia laser do máy chiếu có thể có những điều chỉnh và cải tiến nhất định. Biến chứng trong quá trình phẫu thuật Lasik có tỉ lệ khoảng 0,3%. Tùy vào bệnh viện và biến thể của phương pháp mà giá phẫu thuật Lasik có thể dao động ở mức 20-24 triệu đồng.

Từ năm 2005, phương pháp Laser Femtosecond (còn gọi là phương pháp Lasik không dao – Femto Lasik) xuất hiện, với việc dùng tia laser thay thế cho dao vi phẫu trong thao tác cắt mở vạt giác mạc. Phương pháp này làm giảm đáng kể tỉ lệ biến chứng và rút ngắn thời gian phục hồi. Giá của một ca phẫu thuật Femto Lasik khoảng 40 triệu đồng.

Gần đây, phương pháp Relex Smile đã tiến một bước xa hơn thông qua việc sử dụng dao laser mổ vào bên dưới lớp giác mạc mà không cần cắt và lật vạt giác mạc lên. Khối mô giác mạc bị cắt bỏ sẽ được lấy ra qua vết mổ có kích thước rất nhỏ. Kỹ thuật này được coi là giúp tránh được tối đa các nguy cơ gặp phải những biến chứng về vạt giác mạc. Giá của một ca phẫu thuật Relex Smile khoảng 70 triệu đồng.

Bác sĩ Tuyết cho biết, mắt có số độ được chỉ định phẫu thuật nằm trong khoảng từ 0.5 Diop đến hơn 10 Diop tùy giải phẫu mắt của từng cá nhân. Riêng phương pháp Relex Smile có thể tiến hành trên bệnh nhân có độ cận cao trên 10 Diop. Do vậy, sau khi thăm khám, kiểm tra từng bệnh nhân bác sĩ mới có thể quyết định phẫu thuật hoặc không, và phương pháp nào phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Cách chăm sóc mắt tránh bị cận lại

Các bác sĩ cho rằng sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có thể có khả năng bị cận thị trở lại (tái cận). Việc tái cận này phụ vào cấu tạo mắt của mỗi cá nhân, thói quen học tập và làm việc hằng ngày của bệnh nhân. Việc phẫu thuật cận mắt cũng có thể gây khô mắt và tăng nhạy cảm với ánh sáng. Tuyệt đối không đi bơi trong ít nhất là hai tuần đầu sau mổ. Nên nhỏ nước mắt nhân tạo thường xuyên.

Theo các bác sĩ cách để giữ được kết quả phẫu thuật “cửa sổ tâm hồn” ở mức tốt nhất thì cần thường xuyên để cho mắt được nghỉ ngơi, tránh bắt mắt làm việc quá sức. Ngoài ra, cần làm việc và học tập nơi đủ ánh sáng, mang kính chống ánh sáng xanh; Mang kính chống tia cực tím khi ra đường; Ăn nhiều thực phẩm giàu Vitamin và chất xơ; Khám mắt định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý mắt.

Theo Báo Sài Gòn Tiếp Thị

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Khoa Mắt Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM (Cạnh Aeon Mall Bình Tân).

ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8180) để gặp nhân viên tư vấn.

Website: www.cih.com.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity