Viêm kết giác mạc là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây tổn thương trực tiếp tới kết mạc là màng trong suốt màng phủ sau hai mi và phủ trước lòng trắng mắt. Viêm kết giác mạc cấp tính còn có tên gọi khác là đau mắt đỏ.
Bệnh này là một bệnh đơn giản và dễ điều trị nhưng nếu không điều trị kịp thời và dùng thuốc đúng chỉ định, có thể sẽ dẫn tới tình trạng mù lòa do biến chứng lên giác mạc.
Viêm kết giác mạc là gì?
Viêm kết giác mạc là một bệnh rất thường gặp khi bệnh nhân đến khám chuyên khoa mắt. Là tình trạng viêm của kết mạc, lớp màng trong suốt phủ lên lòng trắng của mắt và phủ phía sau sụn mi, làm các mạch máu dãn nở, làm xuất hiện các triệu chứng: đỏ, ghèn, cộm, xốn…
Triệu chứng:
Bệnh xuất hiện lúc đầu ở một mắt, sau đó lan sang mắt còn lại trong một vài ngày. Mi mắt sưng đau. Có ghèn trong hoặc đục như mủ. Có thể màng giả ở kết mạc sụn mi. Đỏ mắt, ngứa, cộm xốn. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, có thể có các triệu chứng đặc trưng như:
Đau mắt đỏ do vi khuẩn kèm theo đổ nhiều ghèn (rỉ) màu xanh, vàng dính.
Trường hợp do virus thường chảy nước mắt nhiều, bệnh nhân rất nhạy cảm với ánh sáng, nổi hạch ngay trước tai, sốt nhẹ, kèm theo triệu chứng viêm mũi họng.
Đau mắt đỏ do dị ứng mắt ngứa dữ dội, kèm ghèn trong dính, có thể có tiền căn hoặc đang có biểu hiện của dị ứng: chàm da, hen phế quản, dị ứng thức ăn, thuốc…
Nguyên nhân
- Viêm bờ mi.
- Viêm kết giác mạc do dị ứng, thường không lây nhiễm.
- Viêm kết giác mạc cấp tiết tố mủ do vi khuẩn: thường gặp do lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), hiếm gặp do não cầu (Neisseria Menigitidis).
- Viêm kết giác mạc cấp tiết tố màng do vi khuẩn: thường gặp do vi khuẩn bạch hầu (Dipptheria) và liên cầu (Streptococcus Pyogene), phế cầu,…
- Viêm kết giác mạc do virus: do virus Adeno virus, Entero virus.
Lây truyền qua:
- Tiếp xúc trực tiếp với chất tiết, rỉ mắt của người bệnh như bắt tay, cầm, nắm, chạm vào những vật dụng đã nhiễm nguồn bệnh (tay nắm cửa, điện thoại, đồ dùng cá nhân, khăn mặt, gối …).
- Lây lan qua không khí (hạt khí dung) hay các con vật trung gian truyền bệnh như ruồi.
- Sử dụng nguồn nước đã bị nhiễm bẩn.
- Điều trị bệnh viêm kết giác mạc
- Dùng thuốc: kháng sinh, kháng viêm. Nước mắt nhân tạo (thường viêm kết giác mạc gây ra tình trạng khô mắt gây triệu chứng của bệnh nặng nề hơn).
- Có thể có thêm thuốc đặc trị khác tùy trường hợp cụ thể, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng mắt lúc thăm khám.
Chăm sóc mắt:
- Rửa sạch tay trước và sau khi tiếp xúc với mắt.
- Lau mắt bằng gạc y tế hoặc khăn cá nhân sạch (giặt bằng xà phòng và phơi chỗ có nắng).
- Tránh để chất tiết từ mắt tiếp xúc với người lành vì dễ lây lan thành dịch trong trường hợp viêm kết mạc do virus.
- Tái khám ngay khi có các triệu chứng nặng của bệnh: Nhìn mờ, mắt đau nhức nhiều, sợ ánh sáng.
Phòng ngừa bệnh viêm kết giác mạc
- Vệ sinh tốt là cách tốt nhất để kiểm soát lây lan viêm kết giác mạc.
- Không dụi mắt bằng tay.
- Rửa tay kỹ và thường xuyên với nước ấm, điều này rất quan trọng.
- Lau rửa mắt 2 lần một ngày bằng khăn giấy hoặc cotton ẩm, sau đó vứt ngay.
- Giặt ga giường, vỏ gối, khăn tắm trong nước tẩy và ấm.
- Tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa.
- Rửa tay sau khi tra thuốc mắt.
- Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
Hãy đến gặp bác sĩ nếu có những triệu chứng trên mắt như sưng, đỏ, nhìn mờ… Không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt khi chưa có chỉ định của bác sỹ. Chăm sóc mắt hàng ngày để có đôi mắt khỏe.
Dịch vụ khám sức khỏe liên quan
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Khoa Mắt Bệnh viện Quốc tế City
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8180) để gặp nhân viên tư vấn.
Website: www.cih.com.vn.