Để không còn nỗi lo dị ứng

2019-04-04 04:59:31

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống – Dị ứng hay bệnh dị ứng là tình trạng gây ra do hiện tượng quá mẫn cảm của hệ thống miễn dịch trong cơ thể đối với các chất vô hại thường gặp trong môi trường. Tỷ lệ của nhiều bệnh dị ứng dường như đang ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân gây dị ứng

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác tại sao hệ thống miễn dịch lại gây ra phản ứng dị ứng khi một chất lạ tưởng chừng vô hại xâm nhập vào cơ thể. Nguy cơ gây dị ứng có thể do cơ địa và môi trường.

Các yếu tố cơ địa: Di truyền, giới tính, chủng tộc và tuổi tác, trong đó yếu tố di truyền là quan trọng nhất.

Các yếu tố môi trường: Bốn yếu tố chính có thể tác động lên tình trạng dị ứng là sự thay đổi trong việc tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm trong thời thơ ấu, sự ô nhiễm môi trường, mức độ kháng nguyên gây dị ứng và việc thay đổi chế độ ăn uống.

Sinh lý bệnh học

Đáp ứng miễn dịch là những phản ứng bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên trong một số trường hợp các đáp ứng này lại mẫn cảm quá mức gây tổn hại cho mô và cơ quan do sự tương tác giữa một hay nhiều yếu tố của môi trường (dị nguyên) với các thành phần của đáp ứng miễn dịch đặc hiệu đã được hình thành trước đó.

Có thể chia hiện tượng quá mẫn ra làm 4 loại: Type I, II, III là những phản ứng qua trung gian kháng thể; type IV  là phản ứng qua trung gian tế bào.

Type I: Quá mẫn tức thì, đặc trưng bởi các phản ứng dị ứng xảy ra nhanh (<30 phút), ngay sau khi tiếp xúc với kháng nguyên do kích hoạt quá mức các tế bào bạch cầu lympho B và một loại kháng thể đặc biệt gọi là IgE.

IgE liên kết với kháng nguyên gây dị ứng và sau đó đến một thụ thể trên tế bào mast hoặc basophils, kích hoạt phóng thích các hóa chất trung gian gây viêm và histamine  dẫn đến phản ứng viêm nặng. Quá mẫn type I có thể biểu hiện cục bộ như phát ban, chàm, viêm mũi dị ứng, hen phế quản… hoặc biểu hiện toàn thân như sốc do côn trùng cắn, dị ứng thuốc, sốc phản vệ.

Type II: Quá mẫn gây độc tế bào bởi kháng thể và bổ thể (ban xuất huyết, phản ứng không phù hợp nhóm máu hoặc yếu tố Rh).

Type III: Quá mẫn do phức hợp miễn dịch hay bệnh phức hợp miễn dịch (phản ứng Arthus).

Type IV: Quá mẫn muộn, xảy ra sau 24 giờ hoặc chậm hơn (quá mẫn do tiếp xúc với một số chất như niken, crome, các hóa chất trong cao su, mỹ phẩm…).

Dị ứng là hình thức quá mẫn type I mà những tổn thương bệnh lý xảy ra do một đáp ứng miễn dịch quá mức và không hợp lý, gây hủy hoại mô.

Chẩn đoán dị ứng thường dựa trên tiền sử y khoa của mỗi người. Các thử nghiệm thêm về da hoặc máu có thể hữu ích trong một số trường hợp nhất định.

Các kháng nguyên gây dị ứng phổ biến

Người ta thống kê được các kháng nguyên gây dị ứng phổ biến bao gồm:

Sản phẩm động vật: Lông thú, chất thải, mạt bụi, gián.

Thuốc: Penicillin, thuốc nhóm sulfamide, thuốc chống động kinh, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).

Thực phẩm: Lúa mì, các loại hạt điều, quả óc chó, đậu nành, đậu phộng, trứng, sữa bò, động vật có vỏ, cá biển.

Côn trùng: Ong, kiến, muỗi.

Bào tử: trong không khí từ nấm mốc có thể kích hoạt một phản ứng dị ứng.

Thực vật: Phấn hoa từ cỏ dại và cây cối cũng như nhựa từ thực vật.

Các chất gây dị ứng khác: Mủ cao su, latex, thường được tìm thấy trong găng tay cao su hay bao cao su; các kim loại như niken.

Các kháng nguyên gây dị ứng này có thể dẫn đến những bệnh dị ứng đa dạng như sốt cỏ khô, dị ứng thuốc, dị ứng thực phẩm, viêm da dị ứng, hen suyễn dị ứng và/hoặc sốc phản vệ.

Dấu hiệu và triệu chứng

Dấu hiệu và triệu chứng của phản ứng dị ứng thường khác nhau tùy loại phản ứng dị ứng và tùy theo cơ địa mỗi người. Các biểu hiện có thể giống như những người bị cảm lạnh: Nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, mắt viêm đỏ, sưng quanh mắt. Nặng hơn, bênh nhân có thể bị sưng phù toàn thân, xuất hiện phát ban ngứa ngáy, nổi mày đay hoặc một loạt các triệu chứng khác như mệt, khó thở, chóng mặt, mất ý thức… thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.

Biểu hiện ngoài da là dấu hiệu hoặc triệu chứng dễ ghi nhận của tình trạng dị ứng, có thể là kết quả trực tiếp của việc tiếp xúc với chất gây dị ứng. Bệnh nhân có thể có cảm giác ngứa ran trong miệng và cổ họng sau khi ăn một loại thực phẩm; có thể bị phát ban viêm da khi tiếp xúc trực tiếp với một chất gây dị ứng, chẳng hạn như sản phẩm tẩy rửa hoặc thực vật.

Các dạng triệu chứng dị ứng ngoài da bao gồm:

Phát ban: Là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng dị ứng da. Lúc này vùng da dị ứng bị kích thích, đỏ, hoặc sưng phù, có thể đau hoặc ngứa.

Bệnh chàm cấp: Các mảng da bị viêm, rịn nước, ngứa ngáy.

Viêm da tiếp xúc: Các mảng da đỏ, ngứa, phát triển gần như ngay lập tức sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Viêm họng: Họng hoặc cổ họng bị kích thích hoặc viêm.

Mày đay: Nhiều sẩn phù, sưng đỏ, ngứa với các kích cỡ và hình dạng khác nhau phát triển trên bề mặt của da.

Sưng phù mắt: Hai mắt có thể bị sưng híp, chảy nước mắt, ngứa.

Nóng rát: Viêm da dị ứng gây khó chịu và cảm giác nóng rát, châm chích trên da.

Xử trí và phòng ngừa

Việc xử trí dị ứng chủ yếu là tránh những tác nhân gây ra dị ứng và dùng thuốc để cải thiện các triệu chứng.

Điều trị dị ứng thường bao gồm các loại thuốc kháng histamine để kiểm soát triệu chứng. Bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng dị ứng.

Không có phương pháp nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn phản ứng dị ứng. Cách tốt nhất để ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng xảy ra là tránh sử dụng hoặc tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Nếu dị ứng với bụi, có thể giúp giảm các triệu chứng bằng cách lắp đặt các bộ lọc không khí thích hợp trong nhà và lau bụi nhà thường xuyên. Nếu dị ứng thực phẩm, tránh dùng thực phẩm gây dị ứng là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa các triệu chứng. Nên nhớ là cơ địa mỗi người có thể dị ứng với những thưc phẩm khác nhau. Một chế độ ăn kiêng có thể giúp xác định nguyên nhân gây dị ứng để biết cách phòng tránh cụ thể cho từng cá nhân.

Một số thực phẩm do bà mẹ dùng trong khi mang thai có liên quan đến dị ứng ở trẻ. Dầu thực vật, các loại hạt và thức ăn nhanh có thể làm tăng nguy cơ trong khi trái cây, rau, cá có thể làm giảm nguy cơ dị ứng. Dùng thêm dầu cá trong khi mang thai và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ có liên quan đến sự giảm thiểu nguy cơ bị dị ứng. Bổ sung probiotic được thực hiện trong khi mang thai hoặc cho trẻ sơ sinh có thể giúp ngăn ngừa viêm da cơ địa. Việc tiếp xúc sớm với các chất gây dị ứng có thể có tác dụng bảo vệ giúp phòng ngừa dị ứng.

 Bài viết của Bác sĩ Lê Đức Thọ – Bác sĩ Khoa Da liễu – Bệnh viện Quốc tế City

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM. (Kế siêu thị Aeon Mall Bình Tân)

ĐT: (8428) 6280 3333 (Bấm phím 0) để gặp tổng đài viên.

Website: www.cih.com.vn 

Facebook: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity/

ĐƠN VỊ BẢO HIỂM

Đặt lịch hẹn

Thông tin khách hàng

Chọn chuyên khoa

Ngày giờ ưu tiên

Bằng cách nhấn nút Đăng ký, tôi xác nhận đã đọc và đồng ý với các Chính Sách Quyền Riêng Tư.

Đặt lịch khám

Góp ý