2019-02-27 04:05:22
Thứ tư, 27/02/2019
Những chiếc áo trắng luôn đẫm mồ hôi: hết hút đàm rồi lại cho ăn uống qua ống thông dạ dày, hết thay băng, rửa vết thương lại đến thay thông tiểu… Vậy mà mấy ai hiểu hết những khó khăn vất vả của họ.
Giới chuyên môn luôn đánh giá rất cao vai trò của các bác sĩ gây mê-hồi sức, tuy nhiên cũng có một ít người chỉ biết mổ mà không nghĩ đến gây mê-hồi sức. Còn ngoài xã hội ít thấy nhắc đến vai trò của họ.
Họ đã giữ cho bệnh nhân ngủ yên hàng giờ để phẫu thuật viên thao tác thuận tiện. Họ đã hồi sức cho bệnh nhân tỉnh táo dù trước đó có người rơi vào cảnh thập tử nhất sinh. Họ đóng góp công sức để các ca phẫu thuật thành công, dù vậy tên của họ ít được bệnh nhân nhắc đến. Nhưng với họ, đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình yêu thương đối với bệnh nhân. Họ là các bác sĩ gây mê-hồi sức.
Lặng lẽ dâng cho đời những sự sống hồi sinh
Là người làm trong lĩnh vực gây mê từ năm 1992, ThS-BS Đào Thị Mỹ Vân – Phó Giám Đốc Y Khoa kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Quốc tế City cho rằng: “Trong suốt thời gian phẫu thuật, người gây mê hồi sức phải điều khiển máy móc và phương tiện để thay thế chức năng hô hấp của người bệnh vì bệnh nhân hoàn toàn ngừng thở hoặc thay thế chức năng tuần hoàn như trường hợp phải làm ngừng tim trong phẫu thuật tim và đối phó với hàng loạt các rối loạn khác của người bệnh như chảy máu, rối loạn huyết động, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ, rối loạn kiềm toan…”.
ThS-BS Đào Thị Mỹ Vân
Một bệnh nhân được phẫu thuật viên chỉ định phẫu thuật thì gây mê phải gặp bệnh nhân trước – tức khám tiền mê để đánh giá tất cả bệnh trạng của bệnh nhân, để quyết định bệnh nhân có mổ hay không. Cuộc mổ nhỏ xíu đối với gây mê cũng là nặng nề, đặc biệt đối với người bị tiểu đường, cao huyết áp, tiền sử tai biến…
Các thầy thuốc của Khoa CIU – Bệnh viện Quôc tế City luôn làm việc hết công suất các đối tượng bệnh nhân nặng luôn đòi hỏi chăm sóc cấp I, nghĩa là phải theo dõi liên tục tim mạch, nhịp thở, tri giác, sự hoạt động đúng chế độ của các thiết bị hồi sức… còn đảm trách cả phần ăn uống, xoay trở, xoa bóp, đấm lưng để bảo đảm thông khí, cũng như đại tiểu tiện cho bệnh nhân. Không thể kể hết những nhọc nhằn mà họ luôn phải gánh vác.
Có những người phải thức để bảo đảm an toàn cho những người phải ngủ
BS Vân chia sẻ thêm: “Gây mê là khoa học nghệ thuật, vấn đề tăng giảm liều thuốc, cân đối làm sao cho phù hợp với từng bệnh nhân cá biệt. Giống như một đầu bếp, cũng bấy nhiêu nguyên vật liệu, người này nêm nếm ngon, người kia thì không”.
ThS-BS Đào Thị Mỹ Vân (vị trí thứ hai từ phải sang) cùng các đồng nghiệp
Những chiếc áo trắng luôn đẫm mồ hôi: hết hút đàm rồi lại cho ăn uống qua ống thông dạ dày, hết thay băng, rửa vết thương lại đến thay thông tiểu… Vậy mà mấy ai hiểu hết những khó khăn vất vả của họ. Nếu bạn có người nhà cần phẫu thuật, người đầu tiên bạn nhớ đến và quan tâm là bác sỹ phẫu thuật chứ ít khi hỏi hôm đó ai phụ trách gây mê? Thế nhưng người gây mê đóng góp rất lớn cho sự thành công của cuộc mổ, là chỗ dựa vững chắc cho những người cầm dao, kéo và góp phần rất lớn trong việc thành công sau phẫu thuật.
Ngọc Cẩm thực hiện
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 0) để gặp tổng đài viên.
Website: www.cih.com.vn.