Dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng những nốt mụn trứng cá có thể sẽ làm bạn mất tự tin, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Vậy làm sao để hạn chế bị mụn trứng cá? Dưới đây là những chia sẻ của Bác sĩ Lê Đức Thọ - Chuyên Khoa Da liễu Bệnh viện Quốc tế City.

- Bỏ thói quen sờ tay lên mặt, nặn, hút hoặc lể mụn.

- Hạn chế sử dụng các yếu tố gây bít tắc lỗ chân lông như dùng mỹ phẩm, đội nón chặt, để tóc che phủ mặt, đổ mồ hôi nhiều.

- Chọn lựa sản phẩm tẩy rửa, dưỡng da phù hợp: các sản phẩm rửa êm dịu da, không chứa cát nhám; các sản phẩm dưỡng có ghi chú “non-acnegenic” (không tạo mụn) hoặc “non-conmedogenic” (không tạo cồi).

- Nên rửa mặt 2 - 3 lần mỗi ngày. Chỉ rửa bằng nước sạch khi da khô, đỏ, ngứa do tác dụng của thuốc đang điều trị bệnh. Có thể dùng thêm sản phẩm rửa thích hợp 1 lần vào buổi tối khi da nhờn.

- Khi rửa không nên dùng bông hoặc khăn chà xát vì sẽ làm trầy xước da mà chỉ nên rửa nhẹ bằng tay, sau đó thấm khô nước bằng gạc sạch.

- Không uống các loại sữa động vật; hạn chế thức ăn ngọt, chất béo; ngủ điều độ, tránh thức khuya; không để táo bón; tạo đời sống tinh thần lành mạnh, giảm thiểu stress và mất ngủ; bảo vệ da chống nắng.

- Nên kiên trì thăm khám nhiều lần và liên tục bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu.

- Không nên dùng thuốc theo lời khuyên của bạn bè, người quen hoặc tự mua thuốc dùng bởi vì việc điều trị rất khác nhau giữa người này và người khác, nó phụ thuộc tuổi, giới tính, các yếu tố nguy cơ, đặc điểm loại da, loại mụn… và còn vì lý do coi chừng bị dị ứng.

Khi bị mụn trứng cá, người bệnh phải kiên trì điều trị, tùy thuộc vào mức độ bệnh lý và tình trạng nhạy cảm da của từng bệnh nhân qua thăm khám trực tiếp mà bác sĩ chuyên khoa chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp và có thể phải phối hợp nhiều phương pháp điều trị trên một bệnh nhân. Sau khi mụn thuyên giảm, cần điều trị duy trì nếu không mụn sẽ tái phát. Việc giữ vệ sinh da tốt và có chế độ ăn hợp lý sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong điều trị. 

Ðối với mụn trứng cá nặng nếu như không biết chăm sóc và điều trị đúng cách thì có thể để lại sẹo xấu vĩnh viễn, gây ảnh hưởng tâm sinh lý. Do đó, cần nắm rõ các yếu tố sau nhằm góp phần đem lại hiệu quả tối ưu trong việc giải quyết các trường hợp này:

Ðiều trị mụn trứng cá là một quá trình liên tục. Cần phải ngăn những đợt mụn mới bộc phát. Những vết tích do mụn trứng cá gây ra cần phải được chữa lành và được cải thiện theo thời gian. Nếu mụn trứng cá không cải thiện sau 2-3 tháng điều trị, cần phải thay đổi phác đồ khác theo ý kiến của bác sĩ da liễu.

Ðôi khi, mụn trứng cá có thể gây ra do những nguyên nhân khác như dùng mỹ phẩm, một số dung dịch hay một số thuốc dùng bằng đường uống. Cần phải cung cấp những thông tin gần đây về việc dùng thuốc trên da hay bằng đường uống cho bác sĩ da liễu.

Theo Bác sĩ Lê Đức Thọ - Chuyên Khoa Da liễu Bệnh viện Quốc tế City.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế City

Địa chỉ: Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (0828) 6280 3333 (Bấm phím 0) để gặp tổng đài viên.

Website: www.cih.com.vn.